Ngày 22/11, TAND cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm trực tuyến xét xử vụ án “Tham ô tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” đối với Trương Ngọc Tùng (SN 1991, trú phường Kim Long, TP. Huế).
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 10/5/2024, TAND tỉnh TT-Huế đã tuyên phạt bị cáo Trương Ngọc Tùng 19 năm tù về hai tội danh “Tham ô tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Ngoài ra, về trách nhiệm dân sự bị cáo phải tiếp tục bồi thường số tiền hơn 3 tỷ đã chiếm đoạt của bị hại.
Sau đó, bị hại là công ty G.N có đơn kháng cáo, xin HĐXX cấp phúc thẩm xem xét lại 11 bộ chứng từ giả mà bị cáo Tùng lập để chiếm đoạt số tiền 4,35 tỷ đồng là hành vi chiếm đoạt tiền của Ngân hàng. Hiện nay, công ty G.N đã thanh toán cho ngân hàng, nên buộc ngân hàng trả lại cho công ty G.N. Còn bị cáo Tùng phải có trách nhiệm trả lại số tiền trên cho ngân hàng; bị cáo không có đơn kháng cáo.
Theo hồ sơ vụ việc, Tùng là kế toán trưởng công ty G.N. (một công ty kinh doanh các sản phẩm về sữa). Công ty G. N. đã hai lần vay ngân hàng trên địa bàn ở Huế tổng số tiền 45 tỷ đồng nên cam kết: Mỗi lần nhận tiền vay bên vay phải ký giấy nhận nợ, kèm theo các chứng từ, tài liệu chứng minh mục đích sử dụng tiền vay. Bên vay có thể nhận tiền vay nhiều lần, nhưng đảm bảo mức dư nợ ở mọi thời điểm không vượt quá hạn mức tín dụng đã ký kết.
Tùng có trách nhiệm lập chứng từ, tài liệu, ủy nhiệm chi, giấy rút tiền, giấy nhận nợ, bảng kê lương... cho công ty. Lợi dụng chức năng, nhiệm vụ được giao và biết được các thủ tục cần làm khi vay và rút tiền, Tùng đã làm giả bộ chứng từ vay tiền của công ty G.N.
Sau đó, điền các thông tin của công ty và số tiền Tùng dự định sẽ chiếm đoạt lên các chứng từ, tài liệu này, lập khống “Bảng kê chi tiết chuyển lương”, rồi giả chữ ký của giám đốc ký vào phần chủ tài khoản trên “Chứng từ giao dịch - Giấy rút tiền”; phần giám đốc công ty trên “Giấy nhận nợ” và phần xác nhận nhà phân phối trên “Bảng kê chi tiết chuyển lương".
Sau khi lập hoàn chỉnh bộ chứng từ giả, Tùng chuyển bộ chứng từ này cho nhân viên ngân hàng để làm thủ tục rút tiền.
Tiếp nhận bộ chứng từ do Tùng đưa tới, khi thẩm định hồ sơ, các nhân viên của ngân hàng không phát hiện được các chứng từ, tài liệu này là do Tùng làm giả, nên đã làm thủ tục giải ngân tiền cho công ty G.N. theo chứng từ mà Tùng đã làm giả.
Với thủ đoạn như trên, từ tháng 12/2020-5/2022, Tùng đã lập và làm giả 11 bộ chứng từ để chiếm đoạt số tiền 4,350 tỷ đồng.
Ngoài ra, lợi dụng việc được giám đốc công ty uỷ quyền đi thực hiện các giao dịch tiền mặt của Công ty G.N. tại ngân hàng, Tùng nhiều lần thực hiện việc vay và rút tiền cho công ty từ ngân hàng, khi nhận được tiền, Tùng đã không nộp đủ số tiền đã nhận vào tài khoản và quỹ tiền mặt của Công ty G.N. nhằm chiếm đoạt.
Từ tháng 5/2020 - 4/2022, Tùng đã hàng chục lần thực hiện việc vay và rút tiền từ ngân hàng nhưng nộp không đủ cho công ty G.N. hoặc rút tiền lương nhân công từ tài khoản thẻ mở tại ngân hàng này nhưng không nộp đủ vào quỹ tiền mặt cho công ty để chiếm đoạt số tiền hơn 550 triệu đồng.
Tổng số tiền mà Tùng chiếm đoạt của công ty G.N. là 4,910 tỷ đồng. Nhận được tiền, Tùng đã chiếm đoạt để tiêu xài, sử dụng hết vào mục đích cá nhân.
Tại phiên tòa phúc thẩm, sau khi xét hỏi phía đại công ty G.N, phía Ngân hàng và nghe quan điểm của Viện kiểm sát cũng như hồ sơ chứng cứ của vụ án. HĐXX đã tuyên bác kháng cáo của bị hại.
Về phía hình phạt và tội danh của bị cáo, do bị cáo không có kháng cáo nên HĐXX không xem xét.