Dấu vết được tìm thấy trên những chiếc cốc này đại diện cho một trong những bằng chứng sớm nhất về bia từng được phát hiện.
Các nhà khoa học từ lâu đã biết rằng bia đóng vai trò quan trọng trong nền văn minh cổ đại Lưỡng Hà, nơi được mệnh danh là cái nôi của nhân loại. Tuy nhiên, họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bằng chứng cụ thể về loại đồ uống này.
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một kỹ thuật khai quật mới giúp họ phát hiện dấu vết bia còn sót lại trên những chiếc cốc gốm có niên đại 2.500 năm.
Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Khảo cổ học, các nhà nghiên cứu đã tiết lộ về kỹ thuật đột phá này và cách nó giúp họ xác định hóa học đầu tiên về bia ở Lưỡng Hà (cũng như một trong những bằng chứng sớm nhất về bia trên thế giới).
Elsa Perruchini, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Glasgow và là tác giả chính của nghiên cứu, đã tìm thấy những chiếc cốc cổ khi làm việc trong một cuộc khai quật lớn hơn tại một địa điểm có tên Khani Masi, thuộc khu vực Kurdistan ngày nay ở miền bắc Iraq.
Perruchini ban đầu đã thử nghiệm các phương pháp hóa học truyền thống để kiểm tra tàn dư bia trên những chiếc cốc nhưng liên tục gặp phải kết quả bị nhiễm tạp chất, theo Smithsonian.
Ngoài các chất còn sót lại từ những người khai quật chạm vào hiện vật, một trong những nguồn gây nhiễm tạp chất lớn nhất chính là kem chống nắng mà các nhà khảo cổ sử dụng trong quá trình khai quật dưới cái nắng gay gắt.
Một số hóa chất trong kem chống nắng có thể bị nhầm lẫn với dấu hiệu của rượu vang, gây ra sự nhầm lẫn cho các nhà nghiên cứu.
Để loại bỏ một trong những nguồn gây ô nhiễm chính là việc tiếp xúc của con người, Perruchini quyết định kiểm tra trực tiếp các chiếc bát ngay tại hiện trường trước khi chúng bị chạm vào, với hy vọng có được kết quả chính xác hơn.
Khi có trong tay những chiếc bát, cô đã sử dụng một kỹ thuật chưa từng được áp dụng trước đây để phân tích hợp chất còn sót lại từ bia: sắc ký khí (gas chromatography).
Kỹ thuật này giúp tách các hợp chất trong hỗn hợp, cho phép cô phân tích chúng một cách cực kỳ chi tiết.
Dựa trên công trình nghiên cứu tỉ mỉ của Perruchini, các nhà khoa học đã có thể khám phá ra rất nhiều thông tin về loại bia này, bao gồm cả thành phần nguyên liệu tạo nên nó.
"Những gì Elsa đã chứng minh chính là dấu hiệu hóa học của quá trình lên men bên trong các bình chứa, đồng thời phát hiện cả các dấu vết hóa học phù hợp với lúa mạch", Claudia Glatz, giảng viên cao cấp ngành khảo cổ tại Đại học Glasgow và là đồng tác giả của nghiên cứu, chia sẻ với Smithsonian.
"Kết hợp cả hai yếu tố đó, chúng tôi có thể kết luận rằng đây chính là bia lúa mạch."
Bia từng là một phần quan trọng trong đời sống hàng ngày và văn hóa của Lưỡng Hà. Theo nghiên cứu, "các văn bản chữ hình nêm cổ đại ở Cận Đông và các hình ảnh điêu khắc đã cho thấy rõ ràng ý nghĩa xã hội, kinh tế và nghi lễ của bia".
Những tài liệu kế toán cổ cũng ghi chép lại sự tồn tại của đồ uống lên men này. Thậm chí, bia còn được nhắc đến trong Epic of Gilgamesh - một bài thơ sử thi của Lưỡng Hà được coi là tác phẩm văn học lâu đời nhất còn tồn tại.
Glatz nói với Smithsonian rằng bia không chỉ đơn thuần là một loại đồ uống đối với nền văn minh Lưỡng Hà. "Bia là một loại thực phẩm đặc trưng của Lưỡng Hà," bà cho biết.
"Ai cũng uống bia, nhưng nó cũng mang ý nghĩa xã hội trong các nghi lễ. Bia thực sự định hình bản sắc của người Lưỡng Hà theo nhiều cách".
Trước đây, các nhà khảo cổ từng nghĩ rằng những chiếc cốc gốm nhỏ này chỉ được dùng để uống rượu vang, còn bia được tiêu thụ từ những chum lớn, với nhiều người cùng uống bằng các ống hút dài.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới đã chứng minh rằng, sau thiên niên kỷ thứ ba TCN, đã có sự chuyển đổi sang việc uống bia bằng cốc cá nhân.
Phát minh mới của Perruchini đã giúp giải đáp nhiều câu hỏi từ lâu về bia tại Lưỡng Hà và cung cấp những hiểu biết mới về khía cạnh văn hóa của Đế chế Babylon.
Hy vọng rằng kỹ thuật này sẽ tiếp tục được áp dụng tại các địa điểm khảo cổ khác trong tương lai, giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về lịch sử của bia.