Vấn đề quan tâm

Phát hiện nhiều vi phạm trong công tác quản lý nhà nước về thủy lợi tại Bộ NN&PTNT

Việt An 19/12/2024 - 16:34

Bộ NN&PTNT, UBND một số tỉnh thời gian qua thực hiện không đúng các quy định pháp luật trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch thủy lợi, dẫn đến thiếu cơ sở để triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế và thiếu cơ sở để phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

Đó là một trong những nội dung tại Kết luận thanh tra về việc thanh tra công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) mà Thanh tra chính Phủ (TTCP) vừa ban hành.

Theo kết luận thanh tra, Bộ NN&PTNT cùng các bộ ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có nhiều cố gắng trong việc tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách, dự báo tình hình; bố trí nguồn lực để tu bổ, sửa chữa đê điều, tăng cường hệ thống thủy lợi…góp phần đưa ngành nông nghiệp phát triển ngày một bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm.

mot-cong-trinh-thuy-loi-tai-tinh-ca-mau.jpg
Một công trình thủy lợi tại tỉnh Cà Mau.

Một trong những nguyên nhân được TTCP chỉ ra đó là Bộ NN&PTNT, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai nhưng có lúc, có nơi chưa thấy rõ trách nhiệm, tầm quan trọng của công tác này.

Có biểu hiện chủ quan, lơ là, buông lỏng quản lý, chưa thực hiện kiên quyết, đầy đủ trách nhiệm để ngăn chặn, xử lý dứt điểm các vi phạm.

Việc giao, cho thuê đất, cấp phép quản lý các hoạt động liên quan ở khu vực bãi sông, ven đê chưa chặt chẽ, thậm chí buông lỏng; việc phê duyệt dự án xây dựng còn tồn tại, vi phạm các quy định của pháp luật về đê điều.

Cụ thể, Bộ NN&PTNT lập, phê duyệt mới 7 quy hoạch thủy lợi đối với một số lưu vực sông, vùng, miền với giai đoạn quy hoạch là 12 năm, vượt 2 năm thực hiện không đúng quy định của Luật Thủy lợi và chưa lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch & Đầu tư.

Có 3/7 quy hoạch thủy lợi, gồm quy hoạch thủy lợi có thời gian lập, phê duyệt quy hoạch kéo dài trong 4 năm, ảnh hưởng đến chất lượng quy hoạch.

Có 2/7 quy hoạch nội dung chưa thể hiện cho từng thời kỳ 5 năm ; 4/7 quy hoạch thủy lợi với giai đoạn quy hoạch được phê duyệt đến năm 2030 không phù hợp theo đề cương nhiệm vụ và quyết định giao nhiệm vụ lập quy hoạch.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT còn phê duyệt điều chỉnh, bổ sung 3 quy hoạch thủy lợi đối với một số lưu vực sông đến năm 2030, tầm nhìn 2050 không đúng thẩm quyền.

Đối với hai địa phương là Cà Mau và Đồng Tháp, tính đến năm 2018, tỉnh Cà Mau chưa lập, phê duyệt quy hoạch thủy lợi tỉnh theo quy định tại Quyết định 1397/QĐ-TTg dẫn đến tỉnh Cà Mau thiếu cơ sở để quản lý thủy lợi trong giai đoạn 2018-2023 và trước đó.

UBND tỉnh Đồng Tháp sau khi phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thủy lợi nhưng không tổ chức công bố công khai các nội dung quy hoạch đã điều chỉnh trong suốt thời kỳ quy hoạch.

“Từ việc Bộ NN&PTNT, UBND một số tỉnh thực hiện không đúng các quy định pháp luật trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch thủy lợi như trên dẫn đến thiếu cơ sở để triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế. Do giai đoạn của quy hoạch và giai đoạn của kế hoạch phát triển kinh tế không phù hợp nhau, thiếu cơ sở để phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Trách nhiệm thuộc về Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh Cà Mau, Đồng Tháp”, theo kết luận thanh tra.

Bên cạnh đó, TTCP cho biết, còn một số vi phạm khác liên quan đến một số dự án, trong đó có Dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống Bắc Hưng Hải giai đoạn 2 được Bộ NN&PTNT phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư 2 lần, Tổng mức đầu tư (TMĐT) dự án sau điều chỉnh đã tăng hơn 63 tỷ đồng so với TMĐT lần đầu.

Riêng trong công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực thủy lợi, theo kết luận thanh tra, từ năm 2018 đến năm 2023, các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT đã tiến hành 34 cuộc thanh tra, kiểm tra (thanh tra 11 cuộc, kiểm tra 23 cuộc); Cục Thủy lợi đã ban hành 20 Quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng, tuy nhiên, một số tồn tại, vi phạm trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thủy lợi nêu trên chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. Trách nhiệm thuộc về Bộ NN&PTNT trong chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra.

Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT, căn cứ vi phạm nêu trong kết luận thanh tra tổ chức kiểm điểm để xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật đối với tập thể, cá nhân lãnh đạo Bộ có liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện nhiều vi phạm trong công tác quản lý nhà nước về thủy lợi tại Bộ NN&PTNT