Cần kiểm tra khả năng tài chính, khả năng trả nợ, uy tín của người vay mới cho vay. Không nên vì sự cả tin, tiền lãi mà cho vay số tiền lớn. Đồng thời, trang bị kiến thức pháp luật tránh xảy ra sự việc không đáng có.
Cho vay đúng luật
Trong giao dịch vay nợ dân sự hiện nay đang có những diễn biến phức tạp, người cho vay và người vay gần như chưa ý thức được hành vi của mình gây ra hậu quả khó lường như: Cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý gây thương tích… Để có những thông tin pháp luật hữu ích, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật Kết Nối, đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng tư vấn về giao dịch vay nợ dân sự
PV: Thưa luật sư, trong cuộc sống việc cho vay nợ giữa các cá nhân thường chỉ là giao dịch dân sự. Vậy theo luật sư thế nào là giao dịch vay nợ dân sự?
Luật sư: Giao dịch vay dân sự là sự thỏa thuận của các bên về việc cho vay tiền, tài sản nhằm sử dụng vào mục đích hợp pháp. Giao dịch vay dân sự có thể có lãi suất, hoặc không có lãi suất. Tuy nhiên, mức lãi suất cao nhất trong các giao dịch vay dân sự là 20% (Được quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự)
PV: Đối với cá nhân cần làm những thủ tục nào khi giao dịch?
Luật sư: Đối với giao dịch vay nợ dân sự có thể thỏa thuận bằng miệng, văn bản, hoặc được công chứng, chứng thực. Vì thế, tùy thuộc vào mối quan hệ giữa các bên vay nợ, số tiền vay mà các bên có thể thỏa thuận hình thức, thủ tục vay cho phù hợp để đảm bảo việc thu hồi nợ.
PV: Vậy luật sư có thể cho biết rõ hơn về quyền và nghĩa vụ các bên khi cho vay và vay nợ ở trường hợp nào có thể khiếu nại? Căn cứ vào bộ luật, điều khoản nào?
Luật sư: Các quyền, nghĩa vụ của việc vay nợ tài sản được quy định ở Mục 4 Bộ luật dân sự (từ điều 463 đến điều 471). Các bên có thể khiếu kiện thì một trong các bên vi phạm các nghĩa vụ về giao tài sản, trả lãi suất, trả nợ đến hạn hoặc không thực hiện đúng mục đích vay như đã cam kết trong hợp đồng vay.
Đòi nợ đúng luật
Sự phát triển kinh tế của Việt Nam tác động đến nhu cầu về vay vốn cho hoạt động sản xuất và các nhu cầu về tiêu dùng tăng lên làm cho hoạt động vay tài sản phát triển rất sôi động. Tuy nhiên, thời gian qua đã phát sinh nhiều biến tướng của hoạt động cho vay của các cá nhân, tổ chức (trừ hoạt động của các ngân hàng) dẫn tới một thực trạng đáng lo ngại cho những người đi vay và cho xã hội. Vậy làm thế nào để có thể thu hồi nguồn tiền cho vay và tuân thủ pháp luật?
PV: Khi xảy ra tranh chấp khiếu nại cả người cho vay và người vay đều lúng túng khi giải quyết sự việc. Luật sư có thể cho biết về đơn vị, cơ quan chức năng nào sẽ giải quyết khiếu nại? Quy định tại đâu?
Luật sư: Trong trường hợp các bên khởi kiện dân sự thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án được quy định tại Khoản 3 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự. Việc các bên tiến hành khởi kiện sẽ tuân theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự.
Trong trường hợp nếu có dấu hiệu gian dối, sử dụng sai mục đích số tiền vay hoặc có tài sản trả nợ nhưng cố tình không trả thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bên cho vay có thể làm đơn tố cáo/trình báo tố giác tội phạm ra cơ quan điều tra - Công an nơi xảy ra sự việc để giải quyết theo trình tự thủ tục được quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự.
Tuy nhiên, mặt trái đằng sau đó nhiều người lợi dụng lòng tốt, sự cả tin để vay vốn nhằm chiếm đoạt, tiêu dùng mà không có ý thức trả lại. Có thể bằng các thủ đoạn giao dối như dùng: Thông tin, tài liệu, hồ sơ, giấy tờ giả khiến cho người cho vay tin là thật để vay vốn rồi chiếm đoạt. Hoặc nhiều trường hợp vay vốn sử dụng sai mục đích làm thất thoát tiền, mất khả năng thanh toán. Nhưng có những trường hợp dù có tiền, có tài sản nhưng cố tình chây ì, không trả nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của người cho vay.
Chính vì thế, nhiều người cho vay tiền bức xúc tự xử lý bằng cách dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, bắt giữ người trái phép, hoặc gây thiệt hại về sức khỏe, tinh thần, tài sản của người vay tiền nhằm mục đích thu hồi được nợ. Điều này có thể hiểu xuất phát từ sự bức xúc trước hành vi trốn tránh, chây ì của con nợ nhưng vô tình lại đẩy chủ nợ vi phạm pháp luật, thậm chí bị khởi tố hình sự.
Tuy nhiên, nếu quy định pháp luật chặt chẽ trong việc kiểm soát nguồn tiền của các cá nhân, có thể cưỡng chế được tài sản bất hợp pháp, kiểm tra được việc tẩu tán tài sản và quy định khởi tố hình sự với trường hợp nợ tiền không trả (không cần biết vì lý do gì, chỉ cần xác định có nợ không trả) thì hạn chế rất nhiều việc lừa đảo, lạm dụng chiếm đoạt tiền của người vay nợ.
PV: Giao dịch vay nợ dân sự cần những giấy tờ gì?
Luật sư: Các giao dịch vay tài sản giá trị lớn cần lập thành văn bản, có công chứng và tốt nhất là phải có tài sản thế chấp, bảo đảm cho khoản vay. Cũng cần kiểm tra khả năng tài chính, khả năng trả nợ, uy tín của người vay mới cho vay. Không nên vì sự cả tin, tiền lãi mà cho vay số tiền lớn.
Trước khi cho vay khoản tiền lớn cần tham khảo ý kiến, chuyên gia, luật sư để hoàn thiện các thủ tục cho chắc chắn, đảm bảo được khả năng thu hồi nợ.