Chém chết tình địch tại giường ngủ gia đình bị xử lý thế nào?

Như Loan| 23/10/2016 08:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vụ án mạng xảy ra tại thôn Thanh Chiểu, xã Phú Cường, (Ba Vì, Hà Nội) vào đêm ngày 20/10 vừa qua là hồi chuông cảnh báo cho những ai đang bất chấp pháp luật, đạo đức xã hội để quan hệ bất chính khi đang có vợ, chồng.

Như Báo Công lý đã thông tin, tối muộn ngày 20/10, anh Hà Xuân Hoa trèo cổng vào nhà bắt quả tang vợ mình là Nông Thị L (SN 1984)  đang " chung chăn, chung gối" với anh Đỗ Tất Thắng, (SN 1970, là hàng xóm với anh Hoa)  ngay tại giường ngủ của hai vợ chồng

Quá bức xúc, Hoa đã lấy dao lao vào chém anh Thắng trọng thương tại giường ngủ. Còn chị L. cũng bị chồng chém đứt 1 ngón tay nhưng đã may mắn chạy thoát và đi báo cơ quan chức năng.

Chém chết tình địch tại giường ngủ gia đình bị xử lý thế nào?

Ngôi nhà nơi xảy ra vụ việc 

Ngay sau khi nhận tin báo, công an xã Phú Cường đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường đưa anh Thắng và chị L bị thương đi cấp cứu. Tuy nhiên, do bị thương nặng nên anh Thắng đã tử vong. Sau hơn 1 ngày bỏ trốn, ngày 22/10, Hà Xuân Hoa đã tới công an đầu thú về hành vi sát hại anh Thắng.

Phóng viên Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) về những vấn đề pháp lý xoay quanh vụ án đau lòng này.

Theo quan điểm của luật sơ Thơm, điều 19, Luật hôn nhân và gia đình 2014 qui định Tình nghĩa vợ chồng “Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình”

Mặc dù luật hôn nhân và gia đình đã qui định về tình nghĩa vợ vợ chồng nhưng hiện nay xu hướng ngoại tình đang diễn ra khá phổ biến trong đời sống xã hội và gây ra rất nhiều hệ lụy cho xã hội. Hậu quả của việc ngoại tình dẫn tới phá vỡ quan hệ hôn nhân, tan vỡ gia đình. Một số trường hợp đáng tiếc còn dẫn tới án mạng, gây tang thương, mất mát không chỉ cho người bị hại mà cả người phạm tội.

Điều 19, Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật” 

Quyền sống là một trong những quyền cơ bản nhất của con người. Mọi hành vi tước đoạt quyền sống của con người trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo qui định của Pháp luật.

Do đó, hành vi phạm tội của Hoa đã xâm phạm đến tính mạng của ông Thắng và tước đoạt quyền sống của con người được pháp luật bảo vệ. Hành vi phạm tội của Hoa đã có dấu hiệu phạm Tội giết người theo qui định tại Điều 93 Bộ luật hình sự.

Tuy nhiên, nếu cơ quan điều tra có căn cứ chứng minh sự việc xảy ra trong khi ông Thắng và vợ Hoa đang có quan hệ tình ái thì hành vi phạm tội của Hoa thuộc trường hợp giết người theo qui định tại Khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự với khung hình phạt từ 07 năm đến 15 năm tù. Vì trong trường hợp này người bị hại đã có lỗi vi phạm luật hôn nhân gia đình và đạo đức xã hội khi đã có quan hệ bất chính với vợ của Bị cáo. Đây là nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của Hoa gây ra cái chết cho ông Thắng.

Ông Thơm phân tích,  thực tế, nhiều vụ án tương tự xảy ra gần đây đã được Tòa án ở các Tỉnh, Thành phố Việt Nam đưa ra xét xử với mức hình phạt giảm nhẹ cho người phạm tội còn dưới mức thấp nhất 07 năm theo Khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự. Bởi lẽ, hành vi phạm tội của Bị cáo được xem là bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của Bị hại, người phạm tội chưa có tiền án tiền sự, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện khắc phục bồi thường hậu quả, đầu thú,…

Đối với thương tích của người vợ đã bị Hoa đã bị chém gần đứt ngón tay đã  gây tổn hại đến sức khỏe. Hành vi gây thương tích cho người vợ đã có dấu hiệu phạm Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 104 Bộ luật hình sự. Nếu người vợ có Đơn yêu cầu khởi tố và có kết quả giám định tỷ lệ thương tật trên 11%  thì đó là căn cứ xử lý Hoa theo quy định tương ứng của Điều 104 Bộ luật hình sự. Nếu người vợ không yêu cầu xử lý hành vi gây thương tích do Hoa gây ra thì không có căn cứ xử lý.

 

.Điều 93. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết nhiều người;

b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

c) Giết trẻ em;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chém chết tình địch tại giường ngủ gia đình bị xử lý thế nào?