Những vụ án khó và phức tạp nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam (kỳ 6)

Quỳnh Trung| 27/05/2014 09:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

KỲ 6: “CON HEO NÁI TRÔI SÔNG” LÀ CỦA AI TRONG KỲ ÁN QUAN TÒA “TOÁT MỒ HÔI” TÌM NGÀY… THỤ THAI?

Sau một trận lũ, hai gia đình hàng xóm cùng tranh nhau một con heo nái trôi sông và cho rằng đó là heo của nhà mình. Không thể dàn xếp được, họ đã kéo nhau ra tòa. Một phiên tòa thuộc vào dạng “xưa nay hiếm” được mở ngay tại địa phương và các quan tòa đã phải vã mồ hôi để phân định được ai là chủ sở hữu thật sự của con heo nái trôi sông này.

Ai cũng nhận là tài sản của mình

Đã hơn 2 năm trôi qua nhưng ông Hà Phước Phùng (56 tuổi, trú xã Điện An) vẫn không thể quên được vụ án “xưa nay hiếm” mà trong đó ông là nguyên đơn. Theo lời kể của ông Phùng thì trong đợt lũ của năm 2012, dù cho đã tiến hành quây rào cẩn thận nhưng con héo nái trong chuồng nhà ông Phùng vẫn sổng ra ngoài. Ông Phùng kể rằng, trong đợt lũ vào tháng 11/2011, cả 2 con heo nái của nhà ông và nhà bà Đoàn Thị Tuyết (53 tuổi, trú cùng xã) đều bị nước lũ cuốn trôi.

Những vụ án khó và phức tạp nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam (kỳ 6)

Nhờ sự phân xử công minh hợp tình, hợp lý nên một vụ án “xưa nay hiếm” đã được hóa giải

Mấy ngày sau đó, khi nước lũ rút thì ông Hà Minh (67 tuổi, trú cùng xã) vớt được một con heo nái trôi sông đang sống và đem về nuôi. Nghe tin ông Minh vớt được một con heo nái trôi sông, bà Tuyết đã tìm đến gặp ông Minh và nhận rằng, “con heo trôi sông” đó là heo của nhà mình. Sau đó, bà Tuyết đưa cho ông Minh 200 ngàn đồng tiền chuộc con heo về.

Vì mất heo trong đợt lũ nên ông Phùng cũng men theo 2 bên bờ tả ngạn sông hỏi thăm các gia đình để tìm con heo đã “mất tích” của gia đình mình. Nghe tin, ông Minh vớt được một con heo nái thì ông Phùng có đến để “hỏi thăm”. Qua lời kể của ông Minh thì ông Phùng đã nghĩ bụng rằng, con heo mà bà Tuyết chuộc về từ nhà ông Minh là con heo của gia đình mình. Tới khi đến nhà bà Tuyết nhìn con heo mà bà này chuộc về từ nhà ông Minh thì ông Phùng càng đinh ninh rằng, con heo mà bà Tuyết vừa đưa về từ tay ông Minh là heo của nhà mình.

Thế nên, ông Phùng xin chuộc lại nhưng bà Tuyết không đồng ý. Vì bà Tuyết cũng cho rằng, con heo mà mình chuộc về từ nhà ông Phùng đích thị là con heo nhà mình. Sau nhiều lần tiến hành hòa giải nhưng không được nên ông Phùng đã đâm đơn kiện để đòi lại con heo của mình lên cơ quan chức năng.

Vào ngày 3/2/2012, tại trụ sở UBND xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Điện Bàn đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án con heo nái trôi sông. Tại phiên tòa này, ông Hà Phước Phùng kiện bà Đoàn Thị Tuyết tội “chiếm đoạt tài sản” là con heo nái của gia đình ông.

Theo mô tả của ông Phùng thì con heo nái của gia đình ông bị nước lũ cuốn trôi thuộc loại heo giống Móng Cái có tai nhỏ, miệng ngắn, đầu đen, có chấm trắng ngay giữa trán, có 12 vú trong đó hai vú sau gần nhau. Heo có một vạch lông trắng quàng ngang cổ, nặng khoảng 60 - 65kg. Nửa trên thân heo (từ vai lưng đến đuôi) có màu đen; phần từ vai xuống hai chân trước và phần bụng đến hai chân sau có màu trắng. Heo nhà ông Phùng đã đẻ một lứa, được tiếp tục phối giống vào ngày 26 và 27/9/2011 (âm lịch) và đang mang thai.

Về phần bà Đoàn Thị Tuyết cũng cho biết con heo nhà bà cũng thuộc giống heo Móng Cái mắt hí, da mốc, có 12 vú, lông không đậm không lợt, miệng không dài, cân nặng không xác định, hai chân sau cong ra phía sau. Heo của bà đã đẻ một lứa, tiếp tục được phối giống vào ngày 14 và 15/9/2011 (âm lịch) hiện đang mang thai...

Tại phiên tòa này, nhiều lần ông Phùng đã khẳng định con heo trôi sông mà gia đình ông Hà Minh vớt được là là heo nhà mình và muốn được chuộc lại từ gia đình bà Tuyết. Thế nhưng, bà Tuyết cũng khẳng định 100% con heo nái mình vừa nhận về là của gia đình mình nên không đồng ý trả lại cho ông Phùng.

“Heo không thể trôi ngược dòng”

Cuộc tranh cãi nảy lửa xung quanh chuyện ai là chủ nhân thực sự của con heo đã khiến không khí trở nên căng thẳng, phiên tòa diễn ra mỗi lúc một “nóng”. Hội đồng xét xử đã phải hai lần xin nghỉ giải lao mới có thể tiếp tục tranh luận. Căn cứ vào những bằng chứng có tính pháp lý, TAND huyện Điện Bàn đã quyết định cho ông Hà Phước Phùng (là nguyên đơn) thắng kiện trong vụ án này. Và, buộc bà Đoàn Thị Tuyết phải trả lại con heo cho ông Phùng ngay lập tức. Bên cạnh đó, ông Phùng cũng phải có trách nhiệm hoàn trả 350 ngàn đồng tiền công chăm sóc của bà Tuyết (tương đương mỗi ngày 14.000 ngàn đồng) và số tiền 200 ngàn đồng tiền bà Tuyết đã bỏ ra để chuộc heo về từ nhà ông Hà Minh.

Thế nhưng, bà Đoàn Thị Tuyết không chấp thuận bản kết luận của TAND huyện Điện Bàn và tiếp tục đã làm đơn kháng cáo. Đến ngày 6/4/2012, tại phiên xét xử phúc thẩm, bà Tuyết vẫn một mực khẳng định con heo nái bà chuộc từ tay ông Minh là của gia đình mình. Tại phiên tòa này, TAND tỉnh Quảng Nam đã nhận định rằng, nhà ông Phùng ở hướng đầu nguồn lũ, nhà ông Minh ở giữa, nhà bà Tuyết ở cuối nguồn. Trong khi đó, vào mùa mưa thì lưu lượng nước ở đây khá lớn với tốc độ dòng chảy mạnh.

Căn cứ theo hướng dòng chảy của lũ thì con heo sẽ trôi từ nhà ông Phùng xuống nhà ông Minh chứ không thể trôi ngược dòng từ nhà bà Tuyết lên nhà ông Minh. Vì thế, không thể có chuyện ông Hà Minh vớt được con heo trôi sông của gia đình bà Tuyết được. Mặt khác, thú y viên là anh Nguyễn Văn A. (người phối tinh cho heo của các đương sự) cho biết, theo kinh nghiệm của anh, heo của bà Tuyết sẽ sinh vào khoảng thời gian từ ngày 9 đến ngày 10 tháng Giêng.

Còn heo của ông Phùng sẽ sinh vào khoảng thời gian từ ngày 22 đến 25 tháng Giêng. Qua đó, đối chiếu với thực tế thì “con heo trôi sông” đang tranh chấp đã đẻ ngày 22 tháng Giêng. Trạm thú y huyện Điện Bàn cũng xác định thời gian mang thai của loại heo này là 114 ngày. Ngày đẻ có thể chênh lệch vài ngày nếu có tác động của ngoại cảnh. Như vậy, thì con heo mà ông hà Minh vớt được đích thực là heo nhà Hà Phước Phùng đã bị trôi sông trong những ngày mưa lũ.

Từ những phân tích trên, TAND tỉnh Quảng Nam đã y án sơ thẩm, buộc bà Tuyết trả lại con heo cho vợ chồng ông Phùng. Về dân sự, tòa xác minh tiền công nuôi heo một ngày là 14.000 đồng. Như vậy, số tiền công nuôi heo mà ông Phùng phải trả lại cho bà Tuyết là 350 ngàn đồng, cùng với số tiền mà bà Tuyết đã bỏ ra chuộc heo về từ nhà ông Hà Minh. Tòa cũng ghi nhận thiện chí của ông Phùng muốn tặng bà Tuyết 8 con heo con để gầy giống và trả công nuôi dưỡng. Nhờ sự phân xử công minh, hợp tình hợp lý nên một vụ án “xưa nay hiếm” đã được hóa giải một cách tài tình.

Cẩn thận kẻo xảy ra những tranh chấp gia súc!

Trao đổi với PV, Thẩm phán Huỳnh Danh - Chánh tòa Tòa Dân sự TAND tỉnh Quảng Nam cho rằng, miền Trung và tỉnh Quảng Nam hằng năm thường xảy ra lũ lụt. Do bà con xây chuồng trại không cao, buộc vật nuôi không chặt nên dễ bị mất vật nuôi như heo, bò, trâu… nếu lũ lên nhanh, chảy xiết, dễ xảy ra tranh chấp nếu có người vớt được. Vậy nên vào mùa lũ, bà con cần đưa vật nuôi lên vùng cao, vùng an toàn và phải có người chăn giữ. Kinh nghiệm cho thấy khi đến mùa lũ, ngoài tài sản có thể mang đi được, bà con nên cố gắng đưa vật nuôi đi trước thì sẽ không có những vụ kiện như thế này.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những vụ án khó và phức tạp nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam (kỳ 6)