Nguyên PGĐ Sở GD&ĐT Sơn La: "Tôi bị khủng hoảng tinh thần”

Mạnh Hùng| 17/10/2019 18:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trả lời các câu hỏi của HĐXX trong phiên tòa chiều nay (17/10), bị cáo Trần Xuân Yến, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cho rằng, trong suốt quá trình điều tra đã nhiều lần bị ép và mớm cung.

Bị cáo Yến khai, ngày 20/7/2018, khi bị Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La mời lên làm việc, Yến cùng nhân chứng Ninh Văn An và một số bị cáo khác bị giữ lại gần 3 ngày đêm. Bị cáo Yến cho rằng việc này khiến ông bị "khủng hoảng tinh thần".

Nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La Trần Xuân Yến khẳng định trong một số biên bản ghi lời khai, có một số nội dung ghi “không đúng với lời khai của bị cáo”.

Sáng 23/7/2018, bị cáo khai chỉ “nhờ xem điểm” nhưng trong biên bản lấy lời khai, điều tra viên ghi là “nhờ nâng điểm”. Bị cáo Yến nói: “Một buổi lấy lời khai khác, sau khi đọc xong biên bản hỏi cung, tôi thấy ghi không đúng nên đã đề nghị điều tra viên ghi lại cho đúng, nhưng họ không ghi lại mà yêu cầu tôi tự ghi bổ sung”.

Nguyên PGĐ Sở GD&ĐT Sơn La:

Bị cáo Trần Xuân Yến, nguyên Phó GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La

Cũng theo lời khai của bị cáo Yến, tại một số bản tự khai, bị cáo bị ép ghi theo tài liệu do cơ quan công an cung cấp. Cụ thể, vào ngày 21/2/2019, trong bản tự khai Yến cho rằng mình bị ép cung do bên cơ quan điều tra cung cấp và sau này bị điều tra viên yêu cầu xóa đi, buộc bị cáo thay từ “ép” thành từ “chép”.

Nguyên PGĐ Sở GD&ĐT Sơn La:

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Ngoài ra, trong danh sách thí sinh đưa cho bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Sơn La có danh sách mà ông Hoàng Tiến Đức đưa, ghi điểm số dự kiến và ông Đức nói “đó là điểm do thí sinh tự chấm”. Bị cáo Yến nói: “Sau khi đưa danh sách cho bị cáo Nga, bị cáo cũng không quan tâm nữa. Khi đưa danh sách, bị cáo có nói nhỏ là “nhờ xem điểm cho các thí sinh của thủ trưởng”. Ngoài bị cáo Nga, bị cáo không trao đổi với bất kỳ ai, không chỉ đạo bị cáo Nga sửa điểm, nâng điểm”.

Bên cạnh đó, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Xuân Yến cũng cho rằng, với vai trò là tổ trưởng tổ chấm thi trắc nghiệm, bị cáo đã thực hiện đúng vai trò và trách nhiệm của mình.

Nói về việc niêm phong bài thi, không có văn bản nào quy định phải niêm phong ngay bài thi sau khi chấm.

Trước đó, trong phần thẩm vấn cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La Trần Xuân Yến cho rằng bản thân bị cáo không đồng tình với cáo trạng quy kết. Bị cáo này phủ nhận lời khai của bị cáo khác và khẳng định mình không chỉ đạo, không tham gia vào đường dây nâng điểm thi.

Trong vụ án này, cáo trạng nêu rõ có 18 người nhận thông tin từ người nhà các thí sinh, hoặc thông qua người khác. Đây là các các đối tượng (trung gian) nhận thông tin thí sinh. Trong đó, ông Hoàng Tiến Đức (khi đó là Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La) nhận 8 thí sinh.

Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Trần Xuân Yến (cựu Phó GĐ Sở GD&ĐT), Lò Văn Huynh (cựu Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục (phòng khảo thí), Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên Phòng khảo thí), Cầm Bun Sọn (cựu Phó trưởng phòng Chính trị Sở GD&ĐT), Đặng Văn Thủy (cựu Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu), Đinh Hải Sơn (cựu Thiếu tá công an). Những bị cáo này bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo Khoản 2, Điều 356 BLHS với khung hình phạt từ 5 -10 năm tù.

Riêng Nguyễn Thanh Nhàn (cựu Phó phòng Khảo thí) và Đỗ Khắc Hưng (cựu Trung tá công an) bị truy tố cùng tội danh, nhưng theo khoản 1 với khung hình phạt 1- 5 năm tù.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyên PGĐ Sở GD&ĐT Sơn La: "Tôi bị khủng hoảng tinh thần”