Vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình: Cựu trưởng phòng an ninh đề nghị được đối chất tại toà

Mạnh Hùng| 15/05/2020 20:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 15/5, phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 xảy ra ở Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ năm, tiếp tục được diễn ra ở phần tranh luận.

Cựu trưởng phòng an ninh khẳng định bị oan

Theo đó, tự bào chữa cho mình trước HĐXX, bị cáo Khương Ngọc Chất, cựu trưởng Phòng an ninh chính trị nội bộ, Công an Hòa Bình cho rằng trước quan điểm của VKS buộc tội mình chỉ dựa vào lời khai của một người mà không có chứng cứ. Bị cáo Chất khẳng định bị oan và vụ án có nhiều vi phạm về tố tụng.

Vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình: Cựu trưởng phòng an ninh đề nghị được đối chất  tại toà

Bị cáo Khương Ngọc Chất

Bị cáo Chất nói bị cáo buộc phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ nhưng Cơ quan An ninh điều tra và VKSNDTC "không đưa ra được các bằng chứng buộc tội mà chỉ căn cứ lời khai của bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn".

Theo bị cáo Chất, trong kỳ thi THPT 2018 bị cáo không câu kết, bàn bạc với Mạnh Tuấn, cựu hiệu phó trường Dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy và Nguyễn Quang Vinh, cựu trưởng Phòng khảo thí, phó trưởng ban chấm thi của Sở GD&ĐT tỉnh để thực hiện sai phạm, trong khi ông Vinh cũng khai không có sự bàn bạc này. Bị cáo Chất cho rằng VKS chỉ dựa duy nhất vào lời khai của Mạnh Tuấn mà đây không phải là căn cứ buộc tội nên đề nghị được đối chất ngay tại toà.

Cựu trưởng Phòng an ninh chính trị nội bộ Chất trình bày: "Tôi là cán bộ công an, không có trình độ chuyên môn về tổ chức chấm thi và không chỉ đạo cán bộ của ngành giáo dục thực hiện hành vi phạm tội. Tôi cũng không chỉ đạo hai công an cấp dưới tạo điều kiện cho các cán bộ chấm thi sửa điểm nên đề nghị triệu tập hai cán bộ này đến toà để làm rõ".

Cựu trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ cho rằng quá trình điều tra, các kiểm sát viên rất gay gắt và thường xuyên nói "anh không nhận sẽ có đủ chứng cứ". Đến nay, bị cáo vẫn thấy "không có bất kỳ tài liệu nào".

Bên cạnh đó, bị cáo Chất cũng đề nghị VKS công bố chứng cứ cho thấy "có các cuộc gọi và tin nhắn" chứng minh hành vi phạm tội của mình. "Việc cơ quan điều tra nghe trộm toàn bộ cuộc gọi, tin nhắn điện thoại của tôi là trái pháp luật. Tôi là thượng tá, trưởng phòng công an cấp tỉnh nên trong điện thoại còn có nhiều thông tin khác nhau. Việc nghe trộm có thể sẽ làm lộ bí mật ngành, lộ bí mật nhà nước. Tôi sẽ khiếu nại", bị cáo Chất nói.

Trước cáo buộc nhờ nâng điểm, bị cáo Chất nói không phụ huynh nào nhờ và mình cũng không nhờ Mạnh Tuấn nâng điểm, bị cáo không nhờ ông Vinh tác động và Vinh cũng thừa nhận điều này. Do đó, bị cáo Chất đề nghị triệu tập các phụ huynh mà cáo trạng cho rằng nhờ bị cáo nâng điểm đến toà để đối chất.

Vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình: Cựu trưởng phòng an ninh đề nghị được đối chất  tại toà

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Do cáo trạng truy tố bị cáo phạm tội nhiều lần nhưng khi luận tội nói nhận thấy chỉ phạm tội một lần nên rút phần này, bị cáo Chất đề nghị VKS công khai xin lỗi vì sự nhầm lẫn này.

Khép lại phần bào chữa của mình, bị cáo Chất một lần nữa khẳng định những gì mình khai báo trước toà là đúng sự thật, nếu sai sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Là người bào chữa cho bị cáo Chất, luật sư Đặng Văn Cường cho hay bị cáo Mạnh Tuấn khai bị cáo Chất gửi danh sách thí sinh nhờ nâng điểm qua tin nhắn và mẩu giấy tuy nhiên trong hồ sơ vụ án không có hai chứng cứ này. Lời khai của  Mạnh Tuấn cũng nhiều mâu thuẫn "khi nói ông Chất nhờ 17 thí sinh, khi thì 25 thí sinh, sau đó là 14 và cuối cùng chốt lại 10 thí sinh".

Theo cáo trạng, đầu tháng 5/2018, bị cáo Chất gặp Mạnh Tuấn nhờ can thiệp nâng điểm cho một số thí sinh là con em cán bộ Công an tỉnh Hoà Bình. Mạnh Tuấn đồng ý và nói ông Chất tạo điều kiện khi bố trí nhân sự bảo vệ để Tuấn can thiệp được dễ dàng.

Ngày 29/6, Chất đến địa điểm chấm thi trắc nghiệm đưa thông tin 10 thí sinh nhờ nâng điểm. Kết quả, các thí sinh này đều được nâng điểm thành công.

Cáo trạng xác định ông Chất không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng có đủ căn cứ xác định đã tác động nhờ nâng điểm cho 10 thí sinh. Mạnh Tuấn khai nhận 500 triệu đồng nhưng các tài liệu điều tra thu thập được chưa đủ căn cứ xác định Chất có hành vi đưa hối lộ.

Phạm tội do nể nang đồng nghiệp

Trước đó, trong phiên tòa sáng nay, khi bào chữa cho mình trước HĐXX, bị cáo Nguyễn Thị Thu Loan, giáo viên trường THPT Lạc Long Quân kiêm tổ trưởng chấm thi môn Ngữ Văn năm 2018 đã liên tục bật khóc và cho biết rất hối hận về hành vi của mình.

Vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình: Cựu trưởng phòng an ninh đề nghị được đối chất  tại toà

Bị cáo Nguyễn Thị Thu Loan trình bày trước HĐXX

Bị cáo Loan bị đại diện VKS đề nghị mức án từ 2 - 2 năm 6 tháng tù về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” vì đã trực tiếp yêu cầu các cán bộ chấm thi nâng điểm môn Ngữ Văn cho 10 thí sinh. Đại diện VKS cũng đánh giá, hành vi của Loan và 14 bị cáo khác trong vụ là nguy hiểm cho xã hội, vi phạm quy chế thi của Bộ GD&ĐT, ảnh hưởng uy tín của ngành, xúc phạm danh dự của giáo viên, ảnh hưởng kết quả học thật, thi thật của học sinh.

Bào chữa cho mình, bị cáo Loan thừa nhận hành vi phạm tội nhưng cho rằng: “Hành vi phạm tội của bị cáo không nghiêm trọng và không gây nguy hiểm cho xã hội, chỉ làm mất niềm tin, danh dự cho bản thân và mọi người”. Bị cáo này mong được hưởng khoan hồng để sớm trở về làm người tốt.

Trình bày lý do phạm tội, bị cáo Loan cho biết đã nhận thông tin các thí sinh từ bị cáo Diệp Thị Hồng Liên, nguyên Trưởng phòng khảo thí Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình sau đó yêu cầu giáo viên trong tổ mình nâng điểm.

Bị cáo trình bày, chấm lệch điểm vì nghĩ đó là hành vi có lợi và: “Không gây tổn hại cho học sinh nên đã cần mẫn làm một việc sai trái”. Cô giáo này lý giải, phạm tội do nể nang đồng nghiệp, để tình cảm lấn át lý trí nên xảy ra sai lầm cộng với việc thiếu hiểu biết về pháp luật.

Bị cáo Loan nói thêm: “Chưa bao giờ nghĩ vì chấm thi mà bị đi tù. Biết vậy bị cáo sẽ bỏ nghề từ lâu để không phải đứng trước toà như ngày hôm nay. Phiên toà kết thúc cũng là lúc bị cáo bị đuổi khỏi ngành giáo dục và sẽ không còn cơ hội để phạm tội như này nữa”. Nữ giáo viên này cho biết rất rất ân hận và không ngờ sự năng nổ nhiệt tình của mình lại trở thành tình tiết buộc tội bản thân.

Bị cáo Loan đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho mình như có nhiều năm công tác, liên tục là giáo viên dạy giỏi môn Ngữ Văn… Đặc biệt, bị cáo Loan cho rằng mình chủ động khai báo giúp cơ quan điều tra bắt giữ bị cáo Diệp Thị Hồng Liên và việc này khiến bản thân thấy "đau đớn vô cùng".

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình: Cựu trưởng phòng an ninh đề nghị được đối chất tại toà