Nỗi đau người ở lại sau tranh cãi về chuyện đất nghĩa trang

Gia Ân - Anh Thư| 18/07/2020 17:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đến nhà hàng xóm, được gia chủ mời uống rượu cùng nhưng sau đó giữa Chương và anh T. xảy ra tranh cãi chuyện đất nghĩa trang. Lời qua tiếng lại, án mạng đau lòng xảy ra. Người chết, kẻ vướng lao lý nhưng nỗi đau còn kéo dài dai dẳng…

Nhát dao sau chén rượu

TAND tỉnh Nghệ An vừa mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử Dương Văn Chương (48 tuổi, trú xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) về tội Giết người. Nạn nhân trong vụ án là anh Nguyễn Văn T. (SN 1977), hàng xóm của bị cáo. Trong khán phòng rộng lớn ngày hôm đó, gia đình bị hại ôm di ảnh người đã khuất xuống tòa. Vợ con của bị hại và một số người thân đầu chít khăn trắng, lặng lẽ đến tham dự tòa.

Gia đình Chương và anh T. vốn là hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Do vậy, mỗi khi có dịp vui gì đều có mặt của hai gia đình. Tối 9/4, bên ly rượu trắng cùng đĩa thịt bê, Chương, anh T. cùng một người bạn ngồi nhâm nhi, tâm sự. Quá trình ngồi uống rượu, nói chuyện, anh T. có hỏi Chương việc hứa cho người khác đất xây nghĩa trang nhưng giờ lại không giữ lời hứa dẫn đến tranh cãi. Anh T. tuyên bố “không sợ ai cả” và dằn mạnh chiếc bát xuống mâm. Chương đáp trả: “Tau đi làm về mà mi không tôn trọng tau”. Anh T. nói “Mười ông tôi không sợ chớ một ông”.

Cho rằng anh T. không tôn trọng mình nên Chương chạy đi lấy dao đâm trúng vào phần ngực phải của anh T. Thấy nạn nhân gục xuống, Chương bỏ chạy ra ngoài, nhờ người đưa anh T. đi cấp cứu. Khi biết anh T. tử vong, Chương đến công an đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Nỗi đau người ở lại sau tranh cãi về chuyện đất nghĩa trang

Bị cáo Dương Văn Chương tại tòa.

Vụ án khiến dư luận địa phương hết sức xôn xao. Bởi tại địa phương, Chương được đánh giá là người hòa đồng, ít va chạm với mọi người. Nhưng đùng một cái thông tin Chương là hung thủ trong vụ án giết người khiến dư luận bất ngờ. Hơn nữa, giữa gia đình bị cáo và bị hại không phải xa lạ mà là hàng xóm với nhau.

Gánh nặng đè lên vai người vợ ốm yếu

Chồng chết tức tưởi dưới nhát dao của người hàng xóm khiến chị Phạm Thị M. (SN 1983) đau đớn tột cùng. Dù vậy, chị đã cố gắng gượng để cáng đáng gia đình, nuôi dạy các con. Theo người thân, khi còn sống, anh T. làm nghề thợ xây, chắt chiu tiền bạc để lo cho vợ con. Thế nhưng, chỉ sau một cuộc nhậu, người đàn ông trụ cột trong gia đình ấy đã mãi mãi ra đi. Nỗi đau mất chồng khiến chị M. suy sụp, đau đớn tột cùng.

Ôm di ảnh chồng đến tham dự phiên tòa, chị ngồi lặng lẽ. Đầu chít khăn trắng, thi thoảng người phụ nữ gầy gò này lại cúi mặt xuống bàn. Gương mặt phờ phạc, chị mong tòa xét xử đúng người, đúng tội. “Chồng tôi chết oan quá”, lời nói của chị bị nghẹn lại trước tòa.

Chị và người chồng quá cố có với nhau 3 mặt con. Trong khi đứa con trai đầu đang học cấp 3 thì cô con gái út mới bước vào cấp 1. Khi các con đang tuổi ăn, tuổi học, cần sự dìu dắt, dạy bảo của bố mẹ thì anh T. vĩnh viễn ra đi.

Nỗi đau người ở lại sau tranh cãi về chuyện đất nghĩa trang

Vợ con bị hại bên di ảnh người chồng xấu số.

Hôm phiên tòa diễn ra, vì chưa đủ tuổi nên hai người con gái của bị hại không được vào dự khán. Ở ngoài hành lang phòng xử án, hai chị em lủi thủi chơi với nhau. Trong khi cô em út hồn nhiên chơi đùa thì người chị dường như hiểu chuyện nên ngồi buồn thiu. Thi thoảng em đến bên cửa nhìn mẹ và anh trai đang ôm di ảnh bố.

Khi được hỏi có nhớ bố không, cô bé trả lời “Cháu nhớ lắm. Ngày xưa bố hay chở cháu đi học, đi chơi nhưng giờ thì không còn nữa…”. Những lời tâm sự của cô bé học lớp 7 đã bị nghẹn lại vì xúc động. Rồi cô bé cho biết sẽ cố gắng học giỏi, chăm ngoan để không làm mẹ buồn.

Từ ngày chồng mất, chị M. một mình tần tảo nuôi 3 đứa con. Nhưng cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khiến cuộc sống muôn vàn vất vả. Do vậy, đến tham dự tòa chị đề nghị gia đình bị cáo phải cấp dưỡng cho các con của mình theo quy định của pháp luật.

Tại tòa, bị cáo khai không cố tình giết người. Chỉ vì bực tức trước những lời nói của bị hại trong chuyện đất nghĩa trang, bị cáo đã không kiềm chế được hành vi dẫn đến chuyện đau lòng xảy ra. Sau khi gây ra án mạng, bị cáo cảm thấy rất hối hận, lương tâm cắn rứt. Với mong muốn bù đắp một phần tổn thất tinh thần cho gia đình bị hại, bị cáo đã tác động nhờ người thân bồi thường tiền cho gia đình bị hại. Trước khi phiên tòa này diễn ra, bị cáo đã đền bù cho gia đình bị hại hơn 150 triệu đồng.

“Bị cáo sai rồi, bị cáo đã làm khổ gia đình bị hại và gia đình bị cáo. Xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”, Chương trình bày trước tòa.

HĐXX nhận định hành vi giết người của bị cáo Chương có tính côn đồ nên cần phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, cũng cần xem xét tình tiết bị cáo thành khẩn khai báo, phạm tội lần đầu, tích cực tác động gia đình bồi thường tổn thất cho gia đình bị hại. Xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt Dương Văn Chương 18 năm tù về tội Giết người. Về phần dân sự buộc bị cáo phải bồi thường hơn 199 triệu đồng cho gia đình bị hại và cấp dưỡng cho 3 đứa con của anh T. mỗi cháu 1 triệu đồng/tháng đến khi trưởng thành.

Phiên tòa kết thúc lúc trưa muộn, chị M. cùng ba đứa con lặng lẽ ra về. Phía trước chị sẽ là những chuỗi ngày vất vả khi phải một mình cáng đáng gia đình, nuôi các con đang tuổi ăn, tuổi học.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi đau người ở lại sau tranh cãi về chuyện đất nghĩa trang