Đau lòng những vụ án “nồi da xáo thịt”

An Dương| 22/07/2015 08:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian gần đây, xuất phát từ nhiều lý do khác nhau mà tình hình tội phạm giết người nói chung và giết người thân trong gia đình nói riêng đang ngày càng gia tăng, gây ra nhiều thảm cảnh đau lòng.

Tham dự  phiên tòa, có thể thấy rõ sự biến chất về đạo đức, sự về tha hóa đạo lý đang phá vỡ nền tảng gia đình vốn thiêng liêng…

Có thể thấy sự mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống vợ chồng không hòa giải được là nguyên nhân phổ biến nhất trong những vụ án mạng gia đình. Như vụ Trần Văn Tiệp (SN 1978, ngụ Bình Định) gây ra cái chết thương tâm cho người vợ là chị Đặng Thị Luyến (25 tuổi) và mẹ vợ là bà Hà Thị Tình (52 tuổi) xuất phát từ thói vũ phu, nát rượu của Tiệp dẫn đến vợ chồng xung đột.

Trần Văn Tiệp sinh ra và lớn lên trên một vùng quê nghèo, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Tiệp nghỉ học từ rất sớm, phụ giúp bố mẹ làm ruộng. Đến tuổi trưởng thành, Tiệp xin phụ hồ, giúp việc cho một người thợ xây ở cùng thôn để vừa kiếm thêm thu nhập và vừa học nghề. Do đời sống tinh thần vùng thôn quê hẻo lánh khá đơn điệu nên sau những ngày lao động mệt nhọc, Tiệp lấy cớ giải khuây, thường tụ tập bạn bè, tổ chức nhậu nhẹt, say xỉn. Cứ sau mỗi lần uống rượu, Tiệp thường hay chửi bới, thoái mạ mọi người xung quanh, thậm chí còn gây sự với anh, chị, em trong nhà. Mặc dù thấy con mình bê tha nhưng bố mẹ của Tiệp lại không tìm cách dạy bảo can ngăn khiến Tiệp càng ngày thêm lún sâu vào thói nát rượu. Đến khi Tiệp có nghề thợ xây, họ mới bàn với nhau cưới vợ cho con với hy vọng khi yên bề gia thất, Tiệp sẽ chí thú làm ăn, lánh xa việc nhậu nhẹt.

Theo lời mai mối, Tiệp làm quen với chị Luyến và quyết định tiến tới hôn nhân. Có lẽ do thời gian tìm hiểu nhau quá ngắn ngủi nên cuộc sống của vợ chồng Tiệp không mấy hạnh phúc, thường hay xảy ra xích mích bởi Tiệp mỗi khi uống rượu là đánh đập chửi mắng vợ. Ban đầu, chị Luyến cố gắng chịu đựng, dùng tình cảm của người vợ hiền khuyên bảo chồng bỏ thói nát rượu và côn đồ. Song tất cả đều vô vọng, những trận đòn, những câu chửi bới vô cớ cứ ập lên đầu chị “đều đặn” diễn ra mỗi khi Tiệp đi nhậu về. Thậm chí, khi chị có thai, Tiệp vẫn không hề thay đổi, thậm chí còn đánh đập vợ tàn nhẫn hơn.

Tối 22/4/2015, Tiệp đi nhậu về lôi vợ ra chửi mắng thậm tệ. Chưa hết, để chứng tỏ “quyền uy” tuyệt đối của người chồng trong gia đình, Tiệp còn đánh tới tấp vào mặt vợ. Đến nước này, chị Luyến không thể chịu nổi người chồng nát rượu, côn đồ nên mới bồng con về nhà mẹ ruột, tạm thời “lánh nạn” một thời gian. Vài hôm sau, Tiệp ra đồng gặp vợ và mẹ vợ là bà Hà Thị Tình, “ra lệnh” chị Luyến phải về nhà ngay. Thấy vợ không đồng ý, Tiệp chửi đổng vài câu rồi hằm hằm tức giận bỏ về. Một lúc sau Tiệp quay trở lại, ngỡ rằng y ra “thuyết phục” vợ một lần nữa nên hai mẹ con chị Luyến vẫn tiếp tục công việc đồng áng. Nào ngờ Tiệp rút con dao phay hạ sát cả mẹ con. Sau khi gây án, y lấy thuốc diệt cỏ ra uống nhưng được cấp cứu nên thoát chết.

Nếu như vụ án Trần Văn Tiệp, bị cáo gây án do bạo hành, nghiện rượu dẫn đến không làm chủ được ý thức, không làm chủ được hành vi thì trong vụ án Lê Thị Lan (52 tuổi, ngụ Bình Dương), bị cáo lại thủ ác chỉ vì ghen tuông, buồn phiền gia đình rồi ra tay thực hiện hành vi phạm tội. Lan và ông Phạm Văn Tình sống với nhau như vợ chồng hơn 10 năm trước, tuy không đăng ký kết hôn nhưng kết quả cuộc tình là Lan đã sinh cho ông Tình một người con. Sau đó, hai người “ly thân” nhưng vẫn chạm mặt nhau hàng ngày vì có chung một mảnh vườn.

Nguyên nhân do Lan nghi ngờ ông Tình có tình ý với người khác nên rất tức tối. Lan kể lể rồi lôi kéo hai em ruột của mình Lê Hoàng Sơn (SN 1966), Lê Thị Ngọc Mai (SN 1954) và em rể là Nguyễn Ngọc Hoa (SN 1949) thường xuyên cãi vã, hạ nhục chồng hờ của mình. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi chị Nguyễn Thị Liên (SN 1952) đi đến nhà ông Tình trả nợ. Lan nhìn thấy và nghi ngờ ông Tình “ngoại tình” nên giận dữ chửi bới ầm ĩ, sau đó cùng các em  kéo sang đánh chị Liên. Thấy Lan và nhiều người xông đến nên ông Tình cầm một khúc cây rừng chạy đến can ngăn và xô Lan té ngã. Các em Lan liền xông đến “trợ chiến” cùng Lan nhảy vào dùng tay đấm vào người và cằm ông Tình. Khi bà con lối xóm chạy đến can ngăn được thì ông Tình đã bất tỉnh nhân sự, mọi người liền đưa đi cấp cứu nhưng do tuổi cao, bị chấn thương quá nặng nên ông đã trút hơi thở cuối cùng. Cơ quan điều tra vào cuộc và khởi tố vụ án, khởi tố bốn chị em Lan về hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến chết người.

Khi ra trước vành móng ngựa, các bị cáo đều tỏ thái độ hối hận, cho rằng do không kiềm chế được bức xúc dẫn đến phạm tội. Những mức án nghiêm khắc như tử hình đối với bị cáo Tiếp hay nhiều chục năm tù dành cho chị em bị cáo Lan nhằm răn đe tội phạm. Tuy nhiên, để phòng ngừa đến mức thấp nhất các vụ án giết người nói chung và các vụ án giết người thân nói riêng, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về giá trị đạo đức gia đình. Định hướng cho giới trẻ trong xây dựng, hình thành nhân cách, ứng xử phù hợp đạo đức truyền thống dân tộc; lên án những người có hành vi ứng xử thiếu văn hóa, đi ngược lại truyền thống gia đình Việt và vi phạm pháp luật… Từ đó, các thành viên trong xã hội nâng cao nhận thức, ứng xử phù hợp hơn. Khi có tranh chấp, cần nhờ các cơ quan bảo vệ pháp luật giúp đỡ, tuyệt đối không dùng bạo lực để giải quyết. Khi bản thân bị người khác đe dọa, cần kịp thời báo cơ quan Công an để được giúp đỡ…

 (Tên nhân vật đã được thay đổi)

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đau lòng những vụ án “nồi da xáo thịt”