Cạm bẫy “đỏ đen” của siêu lừa có “tài” đoán số

An Dương| 30/09/2015 06:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phiên tòa xét xử các bị cáo Trần Văn Chánh, Cao Văn Đạt về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” có rất đông người dự khán.

Phiên tòa xét xử các bị cáo Trần Văn Chánh (SN 1965, ngụ xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh), Cao Văn Đạt (SN 1966, ngụ xã Vĩnh Thạnh, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và Vương Đình Ninh (SN 1970, ngụ phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” có rất đông người dự khán.

Ai cũng hết sức ngạc nhiên về tài “đoán số” của các siêu lừa. Từ những lần cho số vu vơ nhưng lại… trúng, Chánh và đồng bọn đã dụ nhiều nạn nhân nhẹ dạ cả tin sập bẫy lừa…

Lời khai của Trần Văn Chánh và Cao Văn Đạt trước vành móng ngựa cho thấy thủ đoạn tinh vi của các bị cáo khi đánh vào lòng tham của các bị hại bằng một kịch bản rất chặt chẽ. Khoảng tháng 5/2010, Chánh, Đạt cùng hai đối tượng Phạm Văn Thơm và Nguyễn Thanh Triều (chưa xác định được lai lịch) bàn nhau cùng cấu kết, mạo danh là nhân viên các công ty xổ số để tìm cách chiếm đoạt tiền của nhiều người. Cả bọn dùng thủ đoạn tra tìm số điện thoại cố định để biết chủ thuê bao, sau đó dùng sim khuyến mãi gọi giới thiệu mình là người của công ty xổ số, có thể móc nối biết trước kết quả rồi dụ dỗ các bị hại chuyển tiền trước để “mua số trúng”.

Nhằm tạo lòng tin, Chánh, Đạt, Thơm đã điện thoại cho các bị hại và cho một đến hai con số ngẫu nhiên để chơi thử. Đến cuối ngày, một vài người trong số những người được gọi điện có số trúng số với kết quả xổ số nên đã tin tưởng, đồng ý chuyển tiền để mua kết quả xổ số. Lúc này, Chánh và đồng bọn yêu cầu họ chuyền tiền vào tài khoản do chúng cung cấp. Sau khi các con mồi sập bẫy lừa, bọn chúng cắt liên lạc, chiếm đoạt số tiền cùng chia nhau tiêu xài.

Cạm bẫy “đỏ đen” của siêu lừa có “tài” đoán số

Các bị cáo Chánh, Đạt, Ninh 

Một trong những phi vụ “điển hình” thể hiện sự cấu kết chặt chẽ giữa các bị cáo là vụ lừa ông Trịnh Xuân Tự (ngụ phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội). Vào cuối tháng 5/2010, Nguyễn Thanh Triều dùng điện thoại gọi cho ông Tự giới thiệu là nhân viên công ty xổ số có thể biết trước kết quả, nếu ông Tự có nhu cầu muốn biết trước “đề về con nào” thì trả tiền trước để mua thông tin. Câu chuyện rất hoang đường nhưng ông Tự lại tin là thật nên đồng ý chuyển tiền cho Triều. Để có tài khoản tiếp nhận tiền, Nguyễn Thanh Triều liên hệ với Trần Văn Chánh xin số tài khoản. Chánh liền liên hệ với Vương Đinh Ninh (Phó Phòng kinh doanh dịch vụ khách hàng Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Nam Sài Gòn) và được Ninh cho tài khoản số 0181002938881, chủ tài khoản là Lê Thị Tuyết.

Sau khi có tài khoản, Chánh báo lại cho Triều, Triều báo cho ông Tự biết để chuyển tiền. Ngày 1/6/2010, ông Tự chuyển số tiền 300 triệu đồng vào tài khoản do Triều chỉ định. Khi biết tiền đã chuyển vào tài khoản, Nguyễn Thanh Triều báo cho Chánh biết, Chánh liền nhờ Ninh rút số tiền trên. Trong các ngày sau đó, Vương Đình Ninh thực hiện rút toàn bộ số tiền chiếm đoạt cửa ông Tự bằng cách dùng thẻ ATM tên Lê Thị Tuyết đến các trụ ATM để rút tiền. Do hạn mức rút tiền qua trụ ATM chỉ được 20 triệu đồng/ngày nên Ninh nghĩ ra chiêu chuyển tiền sang các tài khoản khác để “đánh nhanh, rút gọn” số tiền bất chính…

Ngày 15/6/2010, Cao Văn Đạt dùng điện thoại gọi đến nhiều số khác nhau, trong đó có số của bà Trần Thúy Hồng (ngụ phố Đa Hội, phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), tự giới thiệu mình có người quen làm tại Công ty xổ số, có thể biết truớc kết quả. Đạt dụ bà Hồng mua kết quả để chơi số đề. Thấy bà Hồng chần chừ chưa quyết, Đạt liền cho bà một con số ngẫu nhiên theo kiểu “được ăn cả hai ngã về không”. Bà Hồng nghe theo và kết quả xổ số lại về đúng số đề mà Đạt đoán mò. Bà Hồng tin tưởng Đạt nên đồng ý chuyển cho Đạt số tiền 114 triệu đồng vào số tài khoản mà Chánh liên kết với Ninh cung cấp. Ninh trực tiếp rút tiền giao lại cho Chánh, được Chánh “lại quả” 10 triệu đồng. Phần còn lại Chánh và đồng bọn chia nhau tiêu xài.

Cùng với thủ đoạn tương tự, ngày 12/7/2010, Cao Văn Đạt điện thoại cho ông Phạm Đức Đô (ngụ quận Hải An, TP. Hải Phòng) thuyết phục ông Đô mua trước kết quả xổ số để chơi đề. Ông Đô tin tưởng nên chuyển cho Đạt và đồng bọn 36 triệu đồng. Chánh lừa bà Vy (ngụ tỉnh Bắc Ninh) số tiền 200 triệu đồng…

Vụ án được bóc gỡ nhờ thông tin tố giác tội phạm kinh tế, Công an quận 7 nghi ngờ việc giả mạo hồ sơ mở tài khoản có liên quan đến một số đối tượng lừa đảo tại Vietcombank - Chi nhánh Nam Sài Gòn. Qua điều tra, chân tướng của cán bộ ngân hàng Vương Đình Ninh lộ rõ, hành vi lừa đảo của Chánh và đồng bọn cũng được xác minh và xử lý hình sự. Trong quá trình điều tra, Phan Văn Thơm mắc bệnh, tử vong nên Cơ quan điều tra quyết định đình chỉ điều tra.

Tại phiên tòa ngày 15/9/2015, các bị cáo Trần Văn Chánh, Cao Văn Đạt, Vương Đình Ninh cúi đầu khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Chánh tỏ ra hối cải, theo lời khai của Chánh, do bị cáo không có công ăn việc làm, quá túng quẫn nên liều lĩnh nghĩ ra cách giả nhân viên xổ số, đánh vào lòng tham của người bị hại để thực hiện hành vi phạm tội. Bị cáo Ninh cũng rất ân hận về việc làm trái pháp luật của bản thân, từ một cán bộ ngân hàng đầy triển vọng, chỉ vì lòng tham mà Ninh đã đánh mất tất cả. Trong quá trình điều tra vụ án, Ninh đã hợp tác tốt với cơ quan điều tra để truy bắt Chánh và đồng phạm, đây được xem là tình tiết giảm nhẹ hình phạt. Sau khi cân nhắc các tình tiết, HĐXX tuyên phạt Trần Văn Chánh 10 năm tù, Cao Văn Đạt 6 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, riêng Vương Đình Ninh 3 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Vụ án là bài học cảnh giác trong bối cảnh loại tội phạm lừa đảo bằng những hành vi tương tự đang diễn biến rất phức tạp, đừng “nhẹ dạ cả tin” để sập bẫy lừa, dẫn đến tiền mất tật mang.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cạm bẫy “đỏ đen” của siêu lừa có “tài” đoán số