Bi kịch gia đình “con đòi rẫy, cha cho… rựa”

An Dương| 05/09/2014 17:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian gần đây, nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bình Phước liên tiếp xảy ra những vụ án đau lòng có nguyên nhân xuất phát từ trình độ dân trí thấp.

Nhiều vụ án thương tâm do bị cáo hành xử bất chấp đạo lý đã gióng lên những cảnh báo về hiện tượng người dân tộc thiểu số còn “đói” luật, trong đó có vụ bị cáo Hoàng Văn Tính (51 tuổi, ngụ xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước). Chỉ vì giận đứa con bất hiếu đòi chia rẫy, Tính đã nhẫn tâm dùng rựa “xử” con để rồi phải hứng chịu bi kịch đau lòng…

Giọng nói khản đặc, ánh mắt thất thần của ông Hoàng Văn Tính tại phiên tòa khiến nhiều người tham dự không khỏi ám ảnh. Ông Tính là người dân tộc Tày, do hoàn cảnh khó khăn và nhận thức thấp nên ông Tính không được đến trường. Gia đình ông mưu sinh bằng nghề làm rẫy, trồng cây lâu năm tại xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, Bình Phước. Cuộc sống khó khăn nhưng điều đó không đáng buồn bằng việc vợ chồng ông sinh ra đứa con không được hiếu thuận như láng giềng trong ấp. Vợ chồng Tính có ba mặt con, cả trai lẫn gái, trong đó Hoàng Văn Hoạt (SN 1986) là con trai đầu lòng. Theo phong tục, người dân tộc Tày thường rất quý con trai nên Hoạt được bố mẹ nuông chiều từ nhỏ. Hoạt học đến cấp hai thì bỏ ngang, ở nhà đi rẫy cùng bố mẹ.

Bi kịch gia đình “con đòi rẫy, cha cho… rựa”

Hình minh họa

Cuộc sống ở vùng sâu khá đơn điệu nên mỗi khi đêm xuống, ông Tính lại rót rượu ra uống. Ma men biến ông Tính từ người hiền lành thành một người hung hăng, nhiều cuộc cãi vã trong cơn say đã khiến tình cảm cha con của ông Tính sứt mẻ. Hoạt thường cự cãi cha khiến ông Tính nhiều lần nổi nóng đánh mắng. Mâu thuẫn gia đình căng thẳng đến mức trong một đêm vào năm 2008, bức xúc vì hận cha, Hoạt đã nổi lửa đốt nhà để thiêu chết ông Tính. Vụ hỏa hoạn khiến ông bị thương nặng phải nhập viện điều trị thời gian dài. Ông Tính nghĩ, dù sao thằng Hoạt cũng là con ruột nên không báo chính quyền địa phương. Sau lần mưu sát hụt cha đẻ, Hoạt tìm đường trốn ra Cao Bằng, khi mẹ từ chối cấp “lộ phí”, gã nghịch tử đã đánh bà gãy xương phải nhập viện cấp cứu.

Ông Tính nghẹn giọng khai: Dù thất vọng, tức giận nhưng ông đã bỏ qua lỗi lầm cho con. Ông hy vong sau sự cố đó, sự bao dung của ông sẽ khiến Hoạt thay đổi. Tuy nhiên, Hoạt vẫn sống lông bông nay đây mai đó, thỉnh thoảng lại ghé về nhà gây sự với cha mẹ. Vào khoảng tháng 9/2013, Hoạt bất ngờ về nhà ra “yêu sách” đề nghị bố mẹ phải chia rẫy. Vợ chồng ông Tính không đồng ý và khẳng định, khi nào Hoạt lấy vợ, sinh con sẽ được chia cho 1ha đất để canh tác. Hoạt lớn tiếng xúc phạm bố mẹ “trọng của hơn tình” khiến mâu thuẫn gia đình lại bùng phát. Đứa con bất hiếu từng vác dao rượt đuổi ông Tính phải chạy bán sống bán chết, thậm chí, Hoạt còn chuẩn bị sẵn một con dao để sẵn sàng nghênh chiến với người đã sinh ra mình.

Đêm 2/10, ông Tính nằm thao thức không ngủ được, nghĩ đến chuyện bị  “quý tử” đòi chia rẫy, đối xử tàn tệ cộng với cơn say đang dày vò, ông bất chợt nổi nóng. Cơn giận mất khôn đã khiến ông nảy sinh ý định phải buộc đứa con bất hiếu trả giá cho sự ngông cuồng. Ông Tính bật dậy xách theo cây rựa đi vào rẫy, nơi Hoạt đang ngủ cùng một người bạn. Ông Tính dừng xe cách chòi khoảng 100m rồi nhẹ nhành đi vào nơi đứa con đang nằm. Trong cơn điên dại, ông Tính đã tấn công con trai cho đến khi nạn nhân tắt thở. Thậm chí, người bạn của Hoạt cũng bị ông Tính chém trọng thương. Sáng hôm sau, ông Tính đến Công an xã Phú Văn đầu thú và giao nộp hung khí gây án.

Ông Tính trả lời những câu hỏi của HĐXX với sự thành khẩn và hối hận. Ông thừa nhận cáo trạng truy tố tội danh của ông là đúng, không oan. Quãng thời gian nằm trong trại giam, ông đã sống trong sự dằn vặt và nhận thức được sự sai lầm của bản thân. Lẽ ra, trước việc con cái ngược đãi, bất hiếu với cha mẹ, ông cần báo với chính quyền địa phương xử lý theo quy định pháp luật, không nên tùy tiện trút giận bằng bạo lực để rồi gánh hậu quả, gia đình tan nát, còn ông phải ra Tòa nhận hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.

Cũng cần nói thêm về việc chính quyền địa phương và cơ quan bảo vệ pháp luật ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu quan tâm, xử lý hành vi phạm tội xuất phát từ mâu thuẫn gia đình. Trong vụ án ông Tính, nếu như chính quyền xã, Công an huyện vào cuộc ở thời điểm Hoạt phóng hỏa thiêu ông Tính, đánh mẹ ruột gãy xương… thì đã có thể phòng ngừa được tội phạm. Mức án 13 năm tù về tội “Giết người” mà HĐXX dành cho ông Tính là đã có sự chiếu cố đến những tình tiết giảm nhẹ như bị cáo là người dân tộc thiểu số, trình độ thấp, bị kích động về tinh thần, có thái độ thành khẩn khai báo.

Phiên tòa kết thúc, ông Tính lê bước chân nặng nhọc ra xe về trại giam, bỏ lại phía sau những người thân đang đau khổ vì một sai lầm không thể tha thứ của người chồng, người cha nông nổi. 

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bi kịch gia đình “con đòi rẫy, cha cho… rựa”