Hai công ty cùng yêu cầu Nguyễn Xuân Sơn bồi thường 49 tỷ đồng

Mạnh Hùng| 24/04/2018 16:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 24/4, phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) cùng đồng phạm tiếp tục được diễn ra ở phần xét hỏi với những người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Theo đó, có hai công ty của cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm là Công ty trách nhiệm hữu hạn VNT (VNT) và Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (OGC). Cả hai công ty này đều kháng cáo bản án sơ thẩm với cùng nội dung gồm: Bản án sơ thẩm số 303 ngày 29/09/2017 của TAND TP.Hà Nội tuyên Nguyễn Xuân Sơn buộc phải bồi thường cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) số tiền 49 tỷ đồng.

Đây là 20% của số tiền 246 tỷ đồng OceanBank đã chi lãi ngoài cho các đối tác Dầu khí thông qua Nguyễn Xuân Sơn nhưng Sơn bị cáo buộc chiếm đoạt số tiền này, tương ứng tỷ lệ 20% PVN sở hữu tại OceanBank.

Có mặt tại tòa, bà Lâm Khánh Hồng, đại diện theo pháp luật Công ty VNT và bà Nguyễn Thủy Trang, đại diện theo ủy quyền của OGC cùng cho rằng: VNT và OGC mỗi bên đều sở hữu 20% cổ phần của OceanBank, nhưng bản án sơ thẩm lại chỉ tuyên Nguyễn Xuân Sơn bồi thường 49 tỷ đồng cho PVN, trong khi VNT và OGC cũng là cổ đông.

Hai công ty cùng yêu cầu Nguyễn Xuân Sơn bồi thường 49 tỷ đồng

Bị cáo Hà Văn Thắm trong phần xét hỏi sáng nay

Theo đó, cả hai công ty này cho rằng cũng phải được nhận bồi thường từ Nguyễn Xuân Sơn 20% của 246 tỷ đồng, tức mỗi bên phải được nhận 49 tỷ đồng. Bà Lâm Khánh Hồng nói: “VNT là một cổ đông chiếm 20% của OceanBank nên đòi quyền lợi ngang bằng PVN, trong tổng số 1.576 tỷ đồng OceanBank chi lãi ngoài có 246 tỷ đồng chi qua Nguyễn Xuân Sơn. Ông Sơn phải trả cho PVN 49 tỷ thì VNT cũng phải được 20% của 246 tỷ đồng là 49 tỷ đồng. VNT cũng là một cổ đông sở hữu 20% tại OceanBank nên quyền lợi phải là ngang bằng với PVN”.

Tiếp tục tại phiên tòa, cả VNT và OGC cùng kháng cáo là hai pháp nhân này phải được bồi thường thiệt hại từ việc chi lãi ngoài trong tổng số 1.576 tỷ đồng, quyền lợi này họ không được hưởng giống như PVN. Tuy nhiên, hai công ty này không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường thiệt hại mà đề nghị HĐXX tuyên các khách hàng từng nhận tiền lãi ngoài của OceanBank phải bồi hoàn cho các cổ đông. Điều này dễ hiểu khi cả VNT và OGC đều là những công ty do Hà Văn Thắm thành lập, trong đó OGC đã là công ty đại chúng nhưng Hà Văn Thắm vẫn là cổ đông lớn.

Đại diện theo pháp luật Công ty VNT nói: “Chúng tôi là một cổ đông chiếm 20%, khi NHNN mua 0 đồng thì chúng tôi không được có ý kiến và đương nhiên bị mất khoản vốn đầu tư từ khi thành lập ngân hàng, chúng tôi cần quyền lợi ngang bằng để có sự công bằng”.

Ngay sau đó, chủ tọa phiên tòa Ngô Hồng Phúc giải thích với đại diện của VNT: “Nếu đòi hỏi như thế sẽ còn rất nhiều cổ đông khác. Trong nội dung đơn kháng cáo VNT yêu cầu tất cả các tổ chức cá nhân nhận tiền bất hợp pháp cùng trả lại cho VNT 20%. Đòi hỏi này là có lý nhưng không thực tế vì các khách hàng ở trên toàn quốc, họ được OceanBank cảm ơn nên không dễ gì đòi được....".

Hai công ty cùng yêu cầu Nguyễn Xuân Sơn bồi thường 49 tỷ đồng

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tại phiên tòa xét xử

Chủ tọa phiên tòa cho rằng, sau khi bản án phúc thẩm được tuyên sẽ ngay lập tức có hiệu lực, tuy nhiên VNT có quyền khởi kiện trong một vụ án dân sự khác để đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Cũng trong phần xét hỏi hôm nay, bà Võ Thị Thanh Xuân (vợ của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - nguyên TGĐ OceanBank) trình bày trước HĐXX và nói: “Sau khi chồng tôi bị kết tội tham ô, gia đình đã đi tìm sự thật và xin được kêu oan tới cùng cho chồng tôi”.

Theo quy kết, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng Giám đốc OceanBank chiếm đoạt 246 tỷ đồng, vợ bị cáo này cho biết sẵn sàng đền bù thay chồng, nhưng xin HĐXX không kê biên ngôi biệt thự tại Ciputra. Tuy nhiên, theo bà Xuân, hiện nay ngôi nhà mà bà đang ở cùng người mẹ (tại Khu đô thị Ciputra) được mua trước khi chồng bà về ngân hàng. Bà Xuân nói: “Đó là nguồn tiền của mẹ tôi, hiện bà đã cao tuổi nên anh chị em chúng tôi đã thỏa thuận cho mẹ tôi ở ngôi nhà đó. Xin HĐXX không kê biên để mẹ tôi có chỗ dưỡng già và có nơi để thờ cúng liệt sĩ”.

Vợ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tiếp tục trình bày: “Tài sản của hai vợ chồng tôi được hình thành từ trước giai đoạn anh Sơn làm ngân hàng. Tôi có nghe nói anh Sơn chiếm đoạt và làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng; giả sử anh Sơn bị quy buộc vào tội này thì tôi, với tư cách người vợ chăm lo cho gia đình, tôi sẵn sàng dùng tài sản riêng của mình, xin được bồi hoàn để chồng tôi được hưởng khoan hồng”.

Bản án sơ thẩm xác định, trong số tiền hơn 246 tỷ đồng mà bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm đoạt từ OceanBank có 20% là tiền của Nhà nước do PVN góp vốn, tương ứng hơn 49 tỷ đồng. Bị cáo Sơn đã nhận và sử dụng số tiền này, nên hành vi của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã cấu thành tội “Tham ô tài sản”. Vì vậy, HĐXX cấp sơ thẩm TAND TP Hà Nội buộc bị cáo Nguyễn Xuân Sơn phải bồi hoàn số tiền này cho PVN.

Phiên tòa đã khép lại phần xét hỏi, ngày 26/4 phiên tòa sẽ bước sang phần tranh luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hai công ty cùng yêu cầu Nguyễn Xuân Sơn bồi thường 49 tỷ đồng