Phao tin “bà Nguyễn Phương Hằng được tại ngoại” bị xử lý thế nào?

Hà An| 27/03/2022 15:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Luật sư cho biết, cá nhân thông tin giả lan truyền trên mạng việc: “Bà Hằng được ông Dũng bảo lãnh cho tại ngoại", "bà Hằng chỉ bị phạt 1,5 triệu, đã được thả về" có thể bị phạt từ 10 – 20 triệu đồng. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi và hậu quả mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Công an TP.HCM đang tiến hành xác minh, điều tra các thông tin giả lan truyền trên mạng xã hội sau khi bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt.

Cụ thể, các thông tin thất thiệt lan truyền như: "bà Hằng được ông Dũng bảo lãnh cho tại ngoại", "bà Hằng chỉ bị phạt 1,5 triệu, đã được thả về"... Hiện Công an TP.HCM đang thu thập thông tin, xác minh ai là người tung tin để làm căn cứ xử lý.

bat-nguyen-phuong-hang.jpg
Tin giả xuất hiện trên mạng sau khi bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt giam.

Theo cơ quan công an, hồ sơ vụ án bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam cũng được Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra (PC01) Công an TP.HCM chuyển sang Cơ quan an ninh điều tra Công an TP.HCM cùng phối hợp điều tra. Hiện các phòng nghiệp vụ Công an TP.HCM đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án và những người liên quan để xử lý.

Nhiều người quan tâm, việc người tung tin giả sẽ bị xử lý như thế nào, có bị xử lý hình sự hay chỉ xử phạt hành chính?

Giải đáp thắc mắc trên, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, ngày 24/3, bà Nguyễn Phương Hằng, (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo điều 331, Bộ luật hình sự. Các quyết định đã được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn. Đây là vụ việc thu hút sự quan tâm rất lớn từ dư luận bởi bà Hằng là người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, với lượng fan đông đảo.

Ngay sau khi bà Hằng bị khởi tố, trên mạng lan truyền những thông tin “Bà Hằng được ông Dũng bảo lãnh cho tại ngoại", "bà Hằng chỉ bị phạt 1,5 triệu, đã được thả về". Tuy nhiên đây là những thông tin giả đã bị cơ quan có thẩm quyền bác bỏ. Do đó, những người cố ý tung tin thất thiết lên mạng xã hội Facebook, Youtube, TikTok,… tùy vào tính chất mức độ của hành vi và hậu quả gây ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định, việc tung tin tức giả mạo, sai sự thật lên mạng xã hội sẽ bị xử phạt theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ 15/04/2020.

Cụ thể, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc. Ngoài phạt tiền, người vi phạm buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

Như vậy, đối tượng lan truyền tin sai sự thật trên mạng xã hội bị phạt 10 – 20 triệu đồng và buộc phải gỡ bỏ các thông tin sai sự thật theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Ngoài phạt tiền, người vi phạm buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

Đồng tình với quan điểm của luật sư Hòe, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng thời gian qua, tình trạng đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội có dấu hiệu gia tăng, gây tâm lý hoang mang và bức xúc.

Theo đó, hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, cá nhân hay cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân sẽ bị xử phạt hành chính lên đến 20 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nếu trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định hành vi đưa tin sai sự thật nhằm mục đích thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, theo Điều 288 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Khung hình phạt đối với tội danh này là phạt tiền từ 30 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phao tin “bà Nguyễn Phương Hằng được tại ngoại” bị xử lý thế nào?