Phản hồi về bài báo “Khách hàng kêu cứu vì bị Bảo hiểm Prudential bỏ rơi”

Tùng Anh| 05/09/2019 16:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau khi Báo Công lý đăng bài “Khách hàng kêu cứu vì bị Bảo hiểm Prudential bỏ rơi”, phía Prudential đã có báo cáo phản hồi về sự việc.

Trước đó, Báo Công lý đã có bài phản ánh về việc ông Lê Đắc Chung (SN 1959, trú tại thôn 4 cũ – nay là làng Vĩnh Gia 3, xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) bức xúc khi người được bảo hiểm là vợ ông - bà Nguyễn Thị Quý bị bệnh tăng huyết áp, nhồi máu não, nhưng công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam (gọi tắt là Prudential) đã viện dẫn nhiều lý do không có căn cứ để từ chối thanh toán bảo hiểm, tự ý hủy hợp đồng khiến khách hàng lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”.

Liên quan đến sự việc trên, Prudential đã có văn bản phản hồi về quyết định giải quyết quyền lợi "Bệnh hiểm nghèo và Chăm sóc sức khỏe" đối với NĐBH Nguyễn Thị Quý của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ số 74133491.

Phản hồi về bài báo “Khách hàng kêu cứu vì bị Bảo hiểm Prudential bỏ rơi”

Prudential đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng và không giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng

Ông Lê Đắc Chung cho rằng Công ty cử nhân viên xác minh bệnh tật của bà Quý tại Trạm Y tế xá Hoằng Phượng và lập văn bản là không minh bạch và rõ ràng. Trước thắc mắc này của ông Chung, Prudential đã chính thức trả lời: Dựa vào chứng từ do khách hàng Lê Đắc Chung cung cấp, Prudential được biết NĐBH Nguyễn Thị Quý đã nhập viện tại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 22/12/2018 đến 11/01/2019 với chẩn đoán: Nhồi máu não/ Rối loạn Lipid máu/ Tăng huyết áp. Phần tiền sử trong Bệnh án ghi nhận: Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, điều trị không thường xuyên.

Mặt khác, nội dung Biên bản làm việc được lập ngày 26/3/2019 giữa đại diện Prudential và Bên mua bảo hiểm Lê Đắc Chung, NĐBH Nguyễn Thị Quý, ghi nhận: NĐBH Nguyễn Thị Quý có bệnh tăng huyết áp cách đây 3 năm, thường xuất hiện đau đầu, chóng mặt, mỗi khi đau đầu do huyết áp cao, bà Quý hay ra Trạm y tế để kiểm tra sau đó mua thuốc về nhà tự uống. Tuy nhiên, những thông tin quan trọng này đã không được cung cấp cho Prudential khi lập Hồ sơ yêu cầu bảo hiểm số 210137822 (Hợp đồng 74133491) ngày 19/04/2018.

Dựa vào căn cứ trên, Prudential có đủ cơ sở để khẳng định rằng thông tin về tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh được kê khai, cung cấp trong Hồ sơ yêu cầu quyền lợi bảo hiểm của bà Nguyễn Thị Quý là không đầy đủ và chính xác theo yêu cầu của Prudential và quy định của pháp luật hiện hành.

Quyết định này của Prudential được đưa ra một cách độc lập, công bằng sau khi xem xét không chỉ Biên bản làm việc ngày 26/03/2019 giữa đại diện Prudential và Bên mua bảo hiểm Lê Đắc Chung, NĐBH Nguyễn Thị Quý, mà còn dựa trên thông tin trong Bệnh án của NĐBH Nguyễn Thị Quý tại Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội do chính khách hàng Lê Đắc Chung cung cấp.

Do vậy, khiếu nại của ông Lê Đắc Chung về việc Prudential cử nhân viên xác minh bệnh tật của bà Quý tại Trạm y tế xã Hoằng Phượng và lập văn vản là không minh bạch và rõ ràng là chưa chính xác và đầy đủ.

Bên cạnh đó, ông Lê Đắc Chung khiếu nại Prudential “lừa” người được bảo hiểm, không hỗ trợ lại còn tự đình chỉ hợp đồng và cũng không trả lại số tiền hơn 13 triệu đồng. Trước thắc mắc này, Prudential khẳng định: Dựa vào căn cứ được nêu phía trên, có đủ cơ sở để khẳng định rằng thông tin về tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh được kê khai, cung cấp trong Hồ sơ yêu cầu quyền lợi bảo hiểm số 210137822/74133491 của NĐBH Nguyễn Thị Quý là không đầy đủ và chính xác theo yêu cầu của Prudential và quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là quy định tại Điều 19 – Luật Kinh doanh Bảo hiểm và điều 11.2a(ii) Điều khoản hợp đồng bảo hiểm nhân thọ Pru- Cuộc Sống Bình An.

Căn cứ theo quy định tại Điều 19.2b của Luật Kinh doanh Bảo hiểm, khi Bên mua bảo hiểm (tức khách hàng Lê Đắc Chung) đã không thực hiện các nghĩa vụ trong việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp bảo hiểm (tức Prudential), thì “Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm”.

Ngoài ra, ông Lê Đắc Chung còn cho biết thêm khi ký hợp đồng bảo hiểm, Tư vấn viên đã tự đánh dấu vào các điều khoản và ông chỉ biết ký tên. Khi đó, bà Quý không ở nhà, nhân viên này bảo rằng cứ ký thay sau này sẽ bổ sung hồ sơ sau. Trước thắc mắc này của ông Chung, Prudential chính thức trả lời: Ngày 19/04/2018, Prudential đã nhận được Hồ sơ yêu cầu bảo hiểm nhân thọ số 210137822 do khách hàng Lê Đắc Chung lập. Căn cứ lời khai trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, Prudential đã chấp nhận bảo hiểm và cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ số 74133491, có hiệu lực từ ngày 19/04/2018.

Để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng tham gia bảo hiểm, bên cạnh sự tư vấn của đại lý, ông Lê Đắc Chung có thời gian cân nhắc 21 ngày kể từ ngày nhận được bộ HĐBH để quyết định lại việc có hay không tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, trong thời gian cân nhắc 21 ngày nói trên, Prudential Việt Nam đã không nhận được bất cứ thắc mắc hoặc phản ánh nào từ ông Lê Đắc Chung về việc không đồng nhất giữa nội dung tư vấn của đại lý với điều kiện, điều khoản HĐBH nêu trên cũng như văn bản từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm, nhận lại phí bảo hiểm đã đóng. Vì vậy, Prudential có căn cứ để xác nhận rằng ông Lê Đắc Chung không có bất cứ thắc mắc nào liên quan đến nội dung hợp đồng và HĐBH số 74133491 chính thức có hiệu lực theo các điều kiện và điều khoản đã ký kết.

Như vậy, căn cứ vào hợp đồng bảo hiểm, quy định và nguyên tắc của bảo hiểm, Prudential không giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho bà Nguyễn Thị Quý. Chính vì thế mà khách hàng khi tham gia bảo hiểm nhân thọ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng những lợi ích và điều kiện ràng buộc khi mình tham gia. Có như vậy khi xảy ra xung đột pháp lý, khách hàng mới không bị “tiền mất, tật mang”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phản hồi về bài báo “Khách hàng kêu cứu vì bị Bảo hiểm Prudential bỏ rơi”