Để rộng đường dư luận, BCL xin tiếp tục đăng tải một số ý kiến của bạn đọc xa gần quan tâm đến vấn đề đại tự “Nam Việt triệu tổ” trên Nghi môn Đền Thượng – khu di tích Đền Hùng.
Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về hộp thư banthukybcl@gmail.com
Nên tổ chức một hội thảo
Tôi hoàn toàn đồng ý cách đặt vấn đề của tác giả Bảo Thư trong bài báo “Đền Thượng – Khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ): “Nam Việt Triệu tổ”- hiểu sao cho đúng”.
Đền Hùng luôn là nơi nhân dân cả nước thành kính hướng về Ảnh: Bảo Thư
1- Tác giả Bảo Thư cho hay, theo Ban quản lý di tích Đền Hùng thì nghi môn được xây dựng theo kiến trúc thời Nguyễn thế kỷ 19. Sau lần trùng tu, năm 1917 đền Thượng được xây dựng kiểu dáng như ngày nay (có 3 cấp, kiểu chữ vương). Hiện nay trên nghi môn có bốn đại tự “Nam Việt triệu tổ”, nghĩa là “Vị tổ đầu tiên của nước Nam Việt”. Ghi như thế rõ ràng là không phù hợp với lịch sử, vì đây là nơi thờ các Vua Hùng, triệu tổ của nhà nước Văn Lang- nhà nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc.
Xem lại lịch sử ta biết, năm 1804 dưới thời vua Gia Long trị vì, quốc hiệu nước ta là Việt Nam, vậy tại sao trên nghi môn lại viết “Nam Việt” mà không viết là Việt Nam? Những ai quan tâm đến di tích lịch sử Đền Hùng đều rất thắc mắc điều này. Tôi tạm đưa ra các khả năng sau đây:
- Nhà Nguyễn muốn bảo lưu đề nghị của vua Gia Long với nhà Thanh chấp nhận quốc hiệu nước ta là Nam Việt (mặc dù năm 1804 vua Thanh vẫn khẳng định là Việt Nam).
- Những quan chức nhà Nguyễn phụ trách việc xây dựng nghi môn đã viết nhầm Việt Nam ra Nam Việt.
- Ở thế kỷ 19 thực ra các quan chức nhà Nguyễn không xây mới hoàn toàn nghi môn mà phục chế lại một kiến trúc đã có trước đó, không biết trên kiến trúc cũ này đã có bốn chữ “Nam Việt triệu tổ” hay chưa?
2- Bách khoa toàn thư mở Wikipedia viết “Theo các tài liệu khoa học đã được công bố, đa số đều thống nhất nền móng kiến trúc Đền
Hùng bắt đầu được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng trị vì. Đến thời Hậu Lê (thế kỷ 15) được xây dựng theo quy mô như hiện nay. Vậy thì bốn chữ “Nam Việt triệu tổ” thật sự xuất hiện từ thời điểm nào?
3. Tóm lại, bốn chữ “Nam Việt triệu tổ” ẩn chứa nhiều khúc mắc liên quan đến thời điểm xuất hiện, quá trình xây dựng, trùng tu các hạng mục ở Đền Hùng. Nhà Nguyễn lấy lại những chữ này từ công trình cũ hay khi xây dựng đền Thượng mới đề như vậy? Hoặc năm 1917 xây dựng như quy mô hiện nay mới có “Nam Việt triệu tổ”? Hoặc trùng tu nhiều lần mà có sự nhầm lẫn vị trí hai chữ Nam Việt – Việt Nam? Đó là những câu hỏi lớn đặt ra sau khi đọc bài báo trên đây.
Kính mong Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Viện Sử học và tỉnh Phú Thọ cùng tổ chức một hội thảo nhằm giải đáp những vấn đề mà bài báo đặt ra, mà người dân cả nước hướng về Đền Hùng như chúng tôi mong mỏi được sáng tỏ...
Nguyễn Quốc Toàn (Chung cư 21 tầng TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)
Quy tụ ý kiến các nhà khoa học để chọn giải pháp
Đọc bài báo “Nam Việt triệu tổ - hiểu sao cho đúng?”, tôi thật bất ngờ. Trước hết xin cảm ơn nhà báo Bảo Thư đã có một phát hiện sắc sảo, và qua bài báo, tôi nhận thấy ở tác giả cả một tấm lòng.
Tôi nghiêng về giả thuyết cho rằng việc dùng chữ “Nam Việt” trong nghi môn để chỉ tên nước mình là sơ suất của những người thợ trùng tu thời gian gần đây với vốn hiểu biết chữ Hán có hạn. Tuy nhiên, đó chỉ là giả thuyết.
Đền Hùng là biểu tượng của tâm thức hướng về nguồn cội của người dân Việt Nam từ Nam chí Bắc, từ trong và ngoài nước. Chuyện chữ nghĩa trong đền không thể là chuyện nhỏ. Chuyện tên nước càng không thể là chuyện nhỏ.
Vì thế, qua Báo Công lý, tôi rất mong Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch tổ chức một hội thảo, quy tụ ý kiến các nhà khoa học để có thể chọn giải pháp cho sự cố này.
Ths. Phan Văn Tú (Giảng viên Khoa Báo chí –Truyền thông, Đại học KHXH-NV TP HCM)
Thấy Đền Hùng gần gũi hơn
Thú thật là chúng tôi ở tận cùng đất mũi Cà Mau, luôn nghĩ đến Đền Hùng với niềm thành kính, với hình ảnh Nghi môn Đền Thượng và bốn chữ Hán đã quá quen thuộc. Có lẽ, vì không biết chữ Hán nên ai cũng mặc nhiên nghĩ nó chuẩn xác tự ngàn xưa. Kỳ này đọc Báo Công lý của ngành nêu nghi vấn xung quanh bốn chữ “Nam Việt triệu tổ” mới vỡ ra nhiều điều quý giá, chia sẻ những băn khoăn mà bài báo đặt ra, chúng tôi bỗng thấy Đền Hùng gần gũi hơn. Tôi xin đóng góp một vài ý kiến, với tâm niệm luôn được hướng về Đền Hùng…
Chúng tôi không biết chữ Hán nhưng qua đây có thể cảm nhận rằng, những người đã làm nên bốn chữ này ngày xưa có lẽ không nghĩ đến quốc hiệu Nam Việt của Triệu Đà, vì câu chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy, rồi mất nỏ thần, mất nước Âu Lạc vào tay Triệu Đà ai mà không biết… Hơn nữa, nơi đây thờ Vua Hùng, tổ sinh ra nước Văn Lang. Vì vậy, chúng tôi suy luận rằng đó chỉ là sự nhầm lẫn. Có thể nhầm lẫn do nghĩ đơn giản, do chơi chữ, hoặc nhầm lẫn do xếp nhầm vị trí các chữ của những người thợ…
Ngày nay, như bài báo và các ý kiến phản hồi đã nêu, không thể nghĩ khác rằng Nam Việt là quốc hiệu của Triệu Đà, vì trong lịch sử nước ta chỉ có một lần quốc hiệu này xuất hiện, do đó việc đặt vấn đề xem xét lại là rất hợp lý. Đã sai sót, nhầm lẫn thì phải sửa lại cho đúng, dù sai sót đó do nguyên nhân nào và từ bao giờ, có như thế mới bảo đảm tính tôn nghiêm của việc dùng chữ nơi đất Tổ. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng để bảo đảm kết luận chính xác, đúng đắn về mặt ngôn ngữ, lịch sử, tập quán... thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải đứng ra chủ trì, mời các nhà khoa học có uy tín cùng thảo luận để có kết luận cuối cùng…
Huỳnh Văn Út (Thẩm phán TAND TP Cà Mau,Cà Mau)
Cần rà soát lại chữ Hán tại Đền Hùng
Chúng tôi thấy rất thú vị, vì bài báo đã làm phát lộ một vấn đề mang tính văn hóa, lịch sử mà những người dân bình thường, không biết chữ Hán khó có thể biết. Nhân đó, tôi mang cuốn “Giới thiệu Khu di tích lịch sử Đền Hùng” do tác giả Vũ Kim Biên sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, Sở VHTT Phú Thọ xuất bản năm 2005 ra đọc lại. Đây là cuốn sách do một người đi ra thăm Đền Hùng mang về. Theo cuốn sách này thì kiến trúc còn lại của Đền Hùng là của thời Hậu Lê và Nguyễn. Tuy nhiên, “qua nhiều lần trùng tu, kiến trúc Hậu Lê chỉ còn đền Trung, đền Hạ, gác chuông” (trang 9). Như vậy là đền Thượng với nghi môn có đại tự “Nam Việt triệu tổ” là sản phẩm thời nhà Nguyễn với một số dấu mốc: Năm 1874, vua Tự Đức sai Tổng đốc Tam Tuyên xây lại đền Thượng và Lăng Hùng Vương. Từ 1917 đến 1922, nhân dân 18 tỉnh Bắc Bộ quyên góp được 6000 đồng (tiền Đông Dương) để tôn tạo đền Thượng và Lăng.
Sau 1954 cho đến nay Đền Hùng nói chung và đền Thượng nói riêng còn được trùng tu nhiều lần nữa. Không biết Ban quản lý di tích có còn lưu giữ được tư liệu về những lần trùng tu này hay không? Nếu có tư liệu thì chúng ta mới có thể khẳng định được bốn chữ này có từ khi nào, có bị nhầm lẫn khi xếp thứ tự chữ trong quá trình tu bổ hay nhầm từ lúc xây dựng nghi môn ...
Một điều bổ ích nữa mà chúng tôi có được qua bài báo là chữ “Triệu tổ” với tự dạng trên hình là vị tổ mở đầu, sáng lập, khác với cách hiểu của nhiều người, đặc biệt là trong cuốn sách đã dẫn của Sở VHTT Phú Thọ xuất bản cũng dịch “Nam Việt triệu tổ” là “Tổ muôn đời của nước Việt Nam”. Tức là nhầm chữ “Triệu” là mở đầu thành chữ “Triệu” là con số. Tương tự như vậy nên “Triệu tổ Nam Bang” ở Đền Trung cũng dịch là “Tổ muôn đời của nước Nam” (trang 53-55).
Vì vậy, chúng tôi tha thiết mong các vị có trách nhiệm, các nhà khoa học cùng nhau rà soát lại chữ Hán tại Đền Hùng, trước hết là làm sáng tỏ bốn chữ “Nam Việt triệu tổ” sau là những đại tự, hoành phi, câu đối khác, để nơi đây thật sự là đỉnh cao không chỉ về mặt lịch sử mà cả về mặt văn hóa.
Trương Lịch San (Long Thọ, Nhơn Trạch, Đồng Nai)
BTK