UBTVQH đồng ý phân bổ 7.497,732 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại của 3 CTMTQG cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Nội dung được đưa ra tại phiên họp chiều 28/11, UBTVQH về việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại của 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về phương án phân bổ 7.497,732 tỷ đồng trong tổng số 7.942,139 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại của của 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia.
Cụ thể, về việc phân bổ 2.942,139 tỷ đồng vốn còn lại của Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Chính phủ đề nghị phân bổ 2.138,811 tỷ đồng cho Ủy ban Dân tộc; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Liên minh Hợp tác xã để thực hiện một số nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14-10-2021 và Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30-12-2021.
Chính phủ cũng đề nghị phân bổ 358,921 tỷ đồng bổ sung cho các địa phương thực hiện nội dung “đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý”, “hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại Ủy ban nhân dân cấp xã để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh trật tự” theo Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Còn lại 444,407 tỷ đồng, Chính phủ đề nghị chưa phân bổ. Đây là số vốn dự kiến để thực hiện đầu tư cơ sở vật chất cho Trường Hữu nghị T78 và Trường Hữu nghị 80.
Về việc phân bổ 2.000 tỷ đồng vốn còn lại của Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Chính phủ đề nghị phân bổ cho 17 tỉnh thực hiện đầu tư một số côg trình giao thông liên xã trên địa bàn 22 huyện nghèo theo quy định tại Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 22-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Về 3.000 tỷ đồng vốn còn lại của Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Chính phủ đề nghị phân bổ 2.050 tỷ đồng cho 45 tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và các tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi theo các tiêu chí, hệ số phân bổ quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 5 Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; phân bổ 300 tỷ đồng cho 30 tỉnh thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 theo quy định tại Quyết định số 919-TTg ngày 1/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ; phân bổ 650 tỷ đồng cho các tỉnh để thực hiện một số nhiệm vụ đột xuất, phát sinh trong quá trình triển khai chương trình theo quy định tại khoản 5, Điều 3, Mục 1, Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị bổ sung 88,6 triệu USD (tương đương 2.050 tỷ đồng) vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á vào Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới để thực hiện chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn, nguồn bổ sung từ kế hoạch vốn nước ngoài chưa phân bổ (90.342,102 tỷ đồng); phương án phân bổ số vốn này cho 16 tỉnh tham gia chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn.
Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đánh giá, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các nội dung trên là đúng thẩm quyền. 100% các Ủy viên UBTVQH tán thành, UBTVQH đã biểu quyết thông qua phương án phân bổ 7.497,732 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại của 3 CTMTQG cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Với kế hoạch sử dụng vốn nước ngoài 88,6 triệu USD, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cơ bản nhất trí với phương án chi tiết phân bổ cho các địa phương theo đề xuất của Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý Chính phủ sử dụng số vốn này đúng mục đích, tránh dẫn tới tranh cãi chi thường xuyên hay chi đầu tư, vốn sự nghiệp hay vốn đầu tư.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện Nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.