Tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 2 vào tháng 1/2023

Mai Thoa| 28/11/2022 14:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 28/11, sau khi khai mạc Phiên họp thứ 17, UBTVQH đã cho ý kiến về việc tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội.

UBTVQH cũng cho ý kiến bước đầu chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

281120220838-cqh_5139.jpg

Kỳ họp bất thường tháng 1/2023

Báo cáo tại phiên họp về Tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại văn bản số 7828/VPCP-QHĐP ngày 22/11/2022, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội các nội dung sau tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 bao gồm: Xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch; Xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách (gồm: giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT; việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan năm 2021; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài năm 2021; điều chỉnh vốn vay lại của các địa phương năm 2022).

Kỳ họp này, Quốc hội cho ý kiến về 3 dự án luật: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND. Hiện nay, Chính phủ chưa có đề nghị bổ sung 3 dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, 2023, do đó, đề nghị Chính phủ thực hiện các quy trình, thủ tục xây dựng pháp luật bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phát biểu sau đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, ngày 10/9/2022 Bộ Chính trị đã họp cho ý kiến, Đảng đoàn Quốc hội chủ trì, phối hợp Ban Cán sự đảng Chính phủ nghiên cứu ý kiến của Bộ Chính trị và ý kiến của các cơ quan. Theo đề nghị của đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội báo cáo UBTVQH bổ sung các dự án luật nêu trên. Trước đó, ngày 23/1/2022, Tổng Thư ký Quốc hội cũng đã có văn bản thông báo ý kiến của UBTVQH đề nghị Chính phủ làm rõ sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý... để bổ sung.

z3916327330761_18752e6d64be1e03a-1669606634245.jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu tại phiên họp

Ngày 27/11/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 7967 thông báo ý kiến của Thủ tướng, giao đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an thừa uỷ quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo và có tờ trình báo cáo về các dự án luật nêu trên với UBTVQH.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng trình Quốc hội quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch; xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Đối với nội dung về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, UBTVQH đã cho ý kiến bằng văn bản về nội dung này và cho rằng, đề xuất của Chính phủ chưa có đủ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn cho việc sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý hỗ trợ/thanh toán các hợp đồng dự án giao thông BOT, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ bám sát hơn Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Về nguyên tắc, kỳ họp bất thường chỉ thực hiện theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu của UBTVQH, Chủ tịch nước, Thủ tướng, hoặc 2/3 đại biểu Quốc hội kiến nghị.

Tại kỳ họp bất thường cũng chỉ xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đã chín, đã rõ, được sự đồng thuận, thống nhất cao, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Về thời gian tổ chức kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội nêu hai phương án, trong đó phương án 1 là: Trường hợp toàn bộ nội dung trình tại kỳ họp bất thường được xem xét xong trong tháng 12/2022 và đủ điều kiện trình thì đề nghị tổ chức họp trước Tết Nguyên Đán (đầu tháng 1/2023). Chủ tịch Quốc hội cho rằng phương án này phù hợp với thời điểm các địa phương phải tập trung vào việc triển khai công tác năm 2023 và các hoạt động trước Tết Nguyên Đán.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thống nhất với các ý kiến phát biểu trước đó là sẽ tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 2 trong thời gian tuần đầu tháng 1/2023, sau khi nghỉ Tết Dương lịch, có thể họp trực tuyến hoặc tập trung, cần cân nhắc kỹ thêm cho phù hợp.

Kỳ họp thứ 5 dự kiến 17 ngày

Về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 5, Tổng Thư ký Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 6 dự án luật, dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; cho ý kiến 6 dự án luật. Trong đó, bố trí thời gian thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) như đã thực hiện tại Kỳ họp thứ 4.

281120220834-cqh_5101.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Đối với các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, Quốc hội xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; quyết toán ngân sách nhà nước; xem xét báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; thực hiện giám sát chuyên đề; xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2024.

Đồng thời, UBTVQH báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác...

Dự kiến Quốc hội làm việc trong 17 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày thứ hai, 22/5/2022 (do ngày 20/5 là thứ bảy) và bế mạc vào ngày 13/6/2023. Trong đó, đề nghị không bố trí Quốc hội làm việc ngày thứ Bảy, Chủ nhật để ĐBQH có thời gian nghiên cứu tài liệu, các cơ quan của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý các nội dung trước khi trình Quốc hội thông qua.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ch biết, chúng ta đã tiếp tục theo định hướng đổi mới tổ chức hoạt động của Quốc hội, giải quyết một khối lượng lớn công việc mà thời gian được rút ngắn hơn so với thông lệ... Đổi mới, nâng cao chất lượng theo hướng phát huy dân chủ và tăng tính pháp quyền XHCN Việt Nam. Mọi ý kiến của ĐBQH đều được tổng hợp, tiếp thu, giải trình, kể cả những ý kiến thảo luận tại tổ. Quốc hội rất cầu thị, lắng nghe, qua đây càng thấy được vai trò ĐBQH là trung tâm trong hoạt động của Quốc hội...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 2 vào tháng 1/2023