Công trình sẽ là tác phẩm nghệ thuật có tính thẩm mỹ cao, giàu sức biểu cảm, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chứa đựng và chuyển tải những thông điệp của lịch sử và thời đại về TAND- cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp.
Vua Lý Thái Tông- biểu tượng của công lý
Vua Lý Thái Tông (1028-1054) (tên húy là Phật Mã/ Đức Chính), vị Hoàng đế thứ hai của nhà Lý. Được vua cha Lý Thái Tổ rèn dạy và trưởng thành trong thực tế gian nan, hào hùng của những thập kỷ đầu xây dựng Vương triều và kinh đô Thăng Long, Lý Thái Tông từ sớm đã là người nhân triết thông tuệ, có đại lược về văn võ, biết trước mọi việc, đánh đâu được đấy, vũ công lừng lẫy. Khi trở thành Hoàng đế, ông thân oan, đặt luật, trị quốc thân dân, đưa đất nước bước vào thời kỳ hoàng kim, thái bình, thịnh trị và trở thành tấm gương bảo vệ công lý tiêu biểu nhất trong thời đại quân chủ Việt Nam.
Mẫu phác thảo số 1.
Vua Lý Thái Tông đã Ban hành bộ “Hình thư” - Bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, khai mở nền pháp luật thân dân Đại Việt. Thiết lập và thi hành chế độ xét xử theo pháp luật, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, đưa hoạt động xét xử trong cả nước vào khuôn phép, sòng phẳng, rõ ràng; xã hội đi vào ổn định, phát triển, công bằng và văn minh. Trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ của vị Hoàng đế rất mực thương yêu dân. Đúc chuông lớn đặt ngay trước cửa chính điện Thiên An để người dân trong nước nếu có oan ức, thì đến đánh chuông bày tỏ nỗi oan ức lên Hoàng đế và được thấu xét. Chăm lo rèn dạy, tin giao toàn bộ việc xử kiện cho Khai Hoàng Vương và đào tạo trở thành vị quan xử án mẫu mực và lừng danh trước khi trở thành Hoàng đế anh minh Lý Thánh Tông, để lại bài học thành công trong đào tạo người thi hành pháp luật, bảo vệ công lý cho mọi thời đại.
Ngày 5/2/2020, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã thống nhất tôn vinh Hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam.
Việc xây dựng tượng vua Lý Thái Tông là hành động thiết thực, ý nghĩa để tri ân và tôn vinh những cống hiến to lớn cho đất nước, dân tộc của các bậc tiền nhân, đặc biệt, là những công trạng trong lĩnh vực xét xử và tư pháp. Mục đích dựng tượng vua Lý Thái Tông còn hướng tới xây dựng một hình tượng lịch sử, đại diện cho hoạt động xét xử của Việt Nam, biểu tượng của công lý trong lịch sử Việt Nam.
Việc xây dựng công trình này vừa thể hiện tình cảm, lòng thành kính; vừa là nguyện vọng, mong ước của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống TAND với các bậc tiền nhân. Thông qua bức tượng về vua Lý Thái Tông nhằm khơi dậy niềm tự hào, giáo dục truyền thống cho các thế hệ về giá trị lịch sử và truyền thống vẻ vang của TAND.
Công trình sẽ là tác phẩm nghệ thuật có tính thẩm mỹ cao, giàu sức biểu cảm, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chứa đựng và chuyển tải những thông điệp của lịch sử và thời đại về TAND- cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Công trình không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt kiến trúc, nghệ thuật mà còn góp phần thể hiện tầm vóc, sự uy nghiêm của cơ quan tư pháp cao nhất của đất nước.
Cùng với công trình trụ sở mới và trụ sở cũ của TANDTC, bức tượng sau khi được hoàn thành sẽ phối kết với không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh, tạo thành một quần thể kiến trúc, văn hóa, lịch sử thống nhất, thể hiện được bề dầy lịch sử, trở thành một công trình tiêu biểu của hệ thống TAND; góp phần tạo thêm điểm nhấn cho cảnh quan, không gian kiến trúc của thủ đô Hà Nội và đất nước.
Khắc họa hình tượng vua Lý Thái Tông
Trong thời gian qua, lãnh đạo TANDTC đã mời các nhà điêu khắc nghiên cứu, tìm hiểu và phác thảo mẫu tượng vua Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam.
Theo đó, khắc họa vua Lý Thái Tông vừa là người có nhiều công trạng và cống hiến trong việc xây dựng, phát triển đất nước vừa là nhân vật tiêu biểu nhất trong hoạt động xét xử, bảo vệ công lý trong lịch sử Việt Nam; là một biểu tượng của công lý Việt Nam.
Tượng phải thể hiện được tính trang nghiêm, trang trọng, lột tả được thần thái, ý chí của nhân vật biểu tượng cho hoạt động xét xử; thể hiện vẻ đẹp, trí tuệ của người làm công tác xét xử, bảo vệ công lý. Độ tuổi của tượng thể hiện là trên 50 tuổi. Chân dung, khuôn mặt, tướng mạo phải thể hiện được những phẩm chất cao quý của một vị vua, một biểu tượng công lý; thể hiện được tính cách mạnh mẽ, cương trực và thận trọng nhưng cũng thể hiện được tính cách nhân ái, nhân từ của ông.
Mẫu phác thảo số 2.
Trang phục gồm: mũ, quần áo, giầy,… thể hiện phù hợp với thời kỳ lịch sử và ý tưởng sáng tác của nhà điều khắc. Tượng phải sinh động, mang tính hình tượng, khái quát cao; có hình khối chắc khỏe, rõ ràng; phải gây được xúc cảm, ấn tượng với người xem và có tính giáo dục; phù hợp với không gian kiến trúc, cảnh quan xung quanh. Tượng là tác phẩm nghệ thuật vừa mang tính truyên thống, lịch sử, vừa mang tính thời đại. Tượng được đúc là loại tượng đứng thẳng, toàn thân, có chân đế. Việc đúc tượng đứng phải thể hiện được sự trang nghiêm, cũng như lột tả được toàn bộ thần thái, tướng mạo, tính cách của nhân vật biểu tượng cho xét xử, công lý. Dự kiến tượng và khối phụ trợ được đúc bằng chất liệu đồng đỏ (nguyên khối). Chân đế tượng dự kiến chất liệu do nhà điêu khắc thống nhất đề xuất.
Vị trí đặt tượng ở chính giữa sảnh tầng 1 trụ sở Tòa nhà TANDTC tại 43 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Sảnh tầng 1 có đường kính sảnh là 23,2 m, chiều cao sảnh là 16,28 m. Hướng chính của tượng: hướng Bắc - Đông Bắc; kích thước tượng chiều cao dự kiến 5,3 m (bao gồm cả chân đế).
Hiện tại, các nhà điêu khắc đã tạo hình xong 3 mẫu tượng vua Lý Thái Tông. Mẫu phác thảo số 01 tượng hoàng đế Lý Thái Tông được tạo hình ở dáng đứng hiên ngang đường bệ. Bố cục đường nét, hình khối là không gian mở. Chân dung tươi vui, tràn đầy năng lượng. Ánh mắt sáng phúc hậu, giao thoa với công chúng khi chiêm ngưỡng vua. Tay trái vua nâng cuốn Hình thư áp vào ngực trái, hàm ý sâu xa như truyền dạy việc xử án phải có một trái tim nhân hậu. Bàn tay phải vua nâng cao hai ngón tay như chỉ dạy, như khuyên bảo, răn đe. Đây là động thái đa ngữ nghĩa tùy theo trình độ hiểu biết của người xem mà phân tích, suy diễn.
Thực tế bậc Đế vương chưa chắc đã đeo gươm, nhưng trong nghệ thuật điêu khắc có thể tạo hình vua như vị quan tòa, chấp pháp với thanh gươm thể hiện sự nghiêm minh, sức mạnh trừng phạt của công lý. Trang phục, cân đai, áo mão theo mẫu tư liệu của tượng tại đền thờ Vua Đinh Lê - Hoa Lư, Ninh Bình.
Các họa tiết như rồng, sóng nước được sao chép từ các di tích thời Lý còn sót lại, không nhiều. Bệ tượng mặt trước khắc biển tên ghi danh và năm sinh năm mất vua Lý Thái Tông. Phía dưới khắc biểu ngành Tòa án (cán cân công lý). Phía sau gắn biển chữ về sự nghiệp của vua.
Hai bên tạc hình quả chuông về sự tích chuông kêu oan của dân chúng do Lý Thái Tông cho đúc. Nhật vật cao 3,4 m đúc bằng đồng đỏ mắt cua truyền thống; bệ ốp đồng tấm phía trong lõi bê tông chịu lực cao 1,9 m.
Mẫu phác thảo số 3.
Mẫu phác thảo số 02 tượng bố cục tạo hình dáng đứng đường bệ, chân phải tiến về phía trước, tư thế động trong dáng tĩnh. Chân dung tươi vui, tràn đầy năng lượng. Ánh mắt sáng phúc hậu, giao thoa với công chúng khi chiêm ngưỡng tượng. Tay trái vua nâng cuốn Hình thư áp vào ngực trái, hàm ý sâu xa như truyền dạy việc xử án phải có một trái tim nhân hậu. Tay phải vua chống thanh gươm bên sườn hàm ý liên kết nội dung với cuốn Hình thư: xét xử theo hình luật, đúng sai nghiêm minh, nghiêm trị.
Trang phục, cân đai, áo mão theo mẫu tư liệu của tượng tại đền thờ Vua Đinh Lê - Hoa Lư, Ninh Bình. Bệ tượng mặt trước khắc tên, năm sinh năm mất của vua Lý Thái Tông. Mặt trước bệ khắc biểu tượng Tòa án (cán cân công lý). Mặt trái và phải khắc hình chuông đồng nói về sự tích nhân nghĩa của vua khuyến khích dân tình xin thỉnh chuông minh oan. Phía sau bệ tượng khắc công tích của vua.
Nhật vật cao 3,4 m đúc bằng đồng đỏ mắt cua truyền thống; bệ ốp đồng tấm phía trong lõi bê tông chịu lực cao 1,9 m.
Mẫu phác thảo số 03 tượng bố cục tạo hình dáng đứng hiên ngang đường bệ. Chân dung tươi vui, tràn đầy năng lượng. Ánh mắt sáng phúc hậu, giao thoa với công chúng khi chiêm ngưỡng. Tay phải vua cầm cuốn Hình thư thể hiện tư thế của vị vua anh minh, người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam ban hành bộ luật để xét xử và quy chuẩn đạo đức răn dạy thần dân tránh phạm tội. Tay trái vua nâng cao cán cân công lý, bởi vì vua tuy trị vì đất nước nhưng đã trực tiếp xét xử nhiều vụ án công minh.
Trang phục, cân đai, áo mão theo mẫu tư liệu của tượng tại đền thờ Vua Đinh Lê - Hoa Lư, Ninh Bình. Các họa tiết như rồng, sóng nước được sao chép từ các di tích thời Lý. Bệ tượng mặt trước khắc tên Vua Lý Thái Tông; mặt bên phải khắc hình biểu tượng Tòa án (cán cân công lý), bên trái khắc quả chuông đồng minh oan; phía mặt sau bệ gắn biển đồng ghi danh sự nghiệp công trạng lịch sử khai mở của vua đối với ngành Tòa án Việt Nam. Nhật vật cao 3,4 m đúc bằng đồng đỏ mắt cua truyền thống; bệ ốp đồng tấm phía trong lõi bê tông chịu lực cao 1,9 m.
Theo kế hoạch, lãnh đạo TANDTC sẽ tổ chức các hội thảo, tọa đàm, trao đổi với các nhà điêu khắc, nhà khoa học và lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, các cán bộ, công chức TAND trên toàn quốc để đóng góp ý kiến và hoàn thiện mẫu tượng vua Lý Thái Tông để đúc và khánh thành vào dip kỷ niệm 75 năm ngày Truyền thống TAND 13/9/1945- 13/9/2020.