PGS.TS Nguyễn Đức Bình, Chánh án TAND TP Hà Nội: Hoàn thiện chế định Thẩm phán để đảm bảo thực hiện quyền tư pháp

Theo Trần Minh Giang| 16/03/2014 10:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thẩm phán có vị trí, vai trò quan trọng trong việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án, vì vậy việc xây dựng một chế định Thẩm phán hoàn thiện sẽ góp phần đảm bảo thực hiện quyền tư pháp của TAND.

Phóng viên Báo Công lý đã có buổi trao đổi với PGS. TS Nguyễn Đức Bình, Chánh án TAND TP Hà Nội để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

PGS.TS Nguyễn Đức Bình, Chánh án TAND TP Hà Nội: Hoàn thiện chế định Thẩm phán để đảm bảo thực hiện quyền tư pháp

PGS. TS Nguyễn Đức Bình góp ý vào Dự thảo Luật tổ chức TAND (sửa đổi)

Phóng viên: Thưa ông, nhận thức về tư pháp và quyền tư pháp cần phải được hiểu như thế nào?

PGS. TS Nguyễn Đức Bình: Khi đề cập đến “tư pháp” là đề cập đến hoạt động của Nhà nước trong việc phân xử và phán xét các hành vi vi phạm pháp luật và các tranh chấp dân sự. Bản chất của tư pháp hay hoạt động tư pháp bắt nguồn từ quyền lực đặc biệt của Nhà nước cầm quyền. Trong đó, quyền tư pháp là một trong 3 nhánh quyền lực nhà nước: quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp. 3 nhánh quyền lực này độc lập nhau, hỗ trợ và kiểm soát lẫn nhau. Trong chính thể nhà nước được thiết chế theo mô hình nhà nước cộng hòa, đều tồn tại 3 nhánh quyền lực, Nhà nước tổ chức thực hiện quyền lực thông qua hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Quyền tư pháp mà trung tâm là quyền xét xử, là việc Thẩm phán và Hội đồng xét xử nhân danh Nhà nước ra các phán quyết để giải quyết các tranh chấp, xung đột xã hội. Quyền tư pháp do đó mà phân biệt với quyền lập pháp (xây dựng chính sách, tạo lập ra các quy tắc chung làm khuôn mẫu cho các hành vi); quyền hành pháp (quản lý nhà nước, thực thi pháp luật, tổ chức đời sống theo pháp luật). Bên cạnh đó, quyền tư pháp còn bao gồm quyền giải thích pháp luật chính thức, quyền tuyên các hành vi vi phạm Hiến pháp của các cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước và quyền phát triển, áp dụng án lệ… Quyền tư pháp còn có nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý, công bằng xã hội.

Phóng viên: Cơ quan nào có chức năng thực hiện quyền tư pháp, thưa ông?

PGS. TS Nguyễn Đức Bình: Quyền tư pháp được thừa nhận là một loại quyền lực nhà nước đặc biệt do một hệ thống cơ quan đặc biệt thực hiện. Theo pháp luật hiện hành thì Nhà nước đang giao cho các cơ quan như Công an, Quân đội, Viện kiểm sát, Tòa án, Bộ tư pháp và Ủy ban nhân dân các cấp. Trong đó, xác định Tòa án là trung tâm. Chủ thể thực hiện quyền tư pháp về mặt lý luận phải được tiến hành một cách độc lập, không phục thuộc vào bất cứ tác động nào từ bên trong và bên ngoài trong quá trình thực thi quyền lực. Hiện nay, hầu hết các quốc gia đều xác định: chủ thể quyền tư pháp là Tòa án và Tòa án muốn thực hiện quyền tư pháp, quyền xét xử phải thông qua đội ngũ Thẩm phán.

Phóng viên: Vậy theo ông, vị trí, vai trò của Thẩm phán trong việc thực hiện quyền tư pháp?

PGS. TS Nguyễn Đức Bình: Trong các chức danh tư pháp, Thẩm phán có vị trí, vai trò đặc biệt, quyết định đến việc đảm bảo thực hiện quyền tư pháp của TAND. Thẩm phán được tuyển chọn và bổ nhiệm theo quy định của pháp luật, được Nhà nước trao cho các quyền và nghĩa vụ nhất định để làm nhiệm vụ xét xử và giải quyết các vụ án, vụ việc thuộc phạm vi và thẩm quyền của Tòa án.

Hoạt động xét xử của Thẩm phán có những nét đặc thù mà các lĩnh vực hoạt động khác không có, thể hiện ở những vấn đề sau: Hoạt động xét xử của Thẩm phán mang tính quyền lực nhà nước - quyền tư pháp; hoạt động này mang tính độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, được thực hiện không nhân danh cá nhân Thẩm phán hay cơ quan Tòa án, mà nhân danh Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Lao động của Thẩm phán là lao động trí óc đặc biệt, công khai đặt dưới sự giám sát chặt chẽ, nghiêm ngặt của cơ quan, tổ chức và công dân. Hoạt động nghề nghiệp của Thẩm phán phải tuân theo một trình tự, thủ tục tố tụng pháp luật chặt chẽ.

Thẩm phán là nhân vật trung tâm có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động xét xử. Thẩm phán thay mặt Hội đồng xét xử nhân danh Nhà nước tuyên các bản án, quyết định và chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân về các phán quyết của mình. Các phán quyết của Hội đồng xét xử là kết quả cuối cùng của quá trình xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc.

Phóng viên: Với chức năng chính là xét xử, Thẩm phán có vai trò như thế nào đối với xã hội, thưa ông?

PGS. TS Nguyễn Đức Bình: Hoạt động xét xử của Thẩm phán có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Thẩm phán có ảnh hưởng lớn đối với xã hội, có vai trò to lớn trong việc góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, duy trì trật tự pháp luật, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào nền công lý. Một bản án, quyết định đúng đắn, thấu tình, đạt lý sẽ có tác động lớn đến đời sống xã hội, tạo được sự đồng thuận trong xã hội, được người dân ủng hộ, từ đó nâng cao ý thức pháp luật của người dân. Ngược lại, một bản án oan, sai sẽ khiến cho một bộ phận không nhỏ người dân mất lòng tin nơi công lý.

Phóng viên: Để đảm bảo thực hiện quyền tư pháp, theo ông chế định Thẩm phán cần được quy định trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) như thế nào?

PGS. TS Nguyễn Đức Bình: Thẩm phán có vị trí, vai trò quan trọng trong việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án, vì vậy việc xây dựng một chế định Thẩm phán hoàn thiện sẽ góp phần đảm bảo thực hiện quyền tư pháp của TAND. Tôi đồng tình với 5 quan điểm chỉ đạo của Ban cán sự Đảng TANDTC trong Tờ trình Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Tuy nhiên, theo tôi cần mở rộng nguồn xem xét, bổ nhiệm Thẩm phán theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Quy định cơ chế giám sát đối với đội ngũ Thẩm phán; chuẩn hóa các tiêu chuẩn tuyển chọn Thẩm phán, kết hợp giữa thi tuyển với tuyển chọn Thẩm phán nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán. 

Vì tầm quan trọng về tính chính trị, pháp lý của chức danh Thẩm phán, không nên dùng khái niệm “nhiệm kỳ” đối với Thẩm phán, tạo điều kiện cho Thẩm phán yên tâm làm việc, thực hiện tốt nguyên tắc độc lập xét xử; cần quy định tuổi làm việc của Thẩm phán thành hai giai đoạn: Bắt buộc và không bắt buộc. Giai đoạn bắt buộc kéo dài đến hết độ tuổi lao động; giai đoạn không bắt buộc có thể kéo dài từ 5 năm đến 10 năm mà vẫn được hưởng đầy đủ các chính sách mà Nhà nước đãi ngộ cho Thẩm phán.

Phóng viên: Xin cảm ơn! 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
PGS.TS Nguyễn Đức Bình, Chánh án TAND TP Hà Nội: Hoàn thiện chế định Thẩm phán để đảm bảo thực hiện quyền tư pháp