PGS.TS.BS Hoàng Thị Phượng là nhà khoa học đặc biệt, luôn say mê với lâm sàng, không ngừng tìm kiếm, đương đầu với các ca bệnh khó, bệnh hiếm gặp và luôn nhiệt huyết trong công tác giảng dạy cho lớp học trò đi sau.
“Ảo tưởng” trong chẩn đoán, yêu và say mê với lâm sàng
PGS.TS.BS Hoàng Thị Phượng - chuyên gia cao cấp, Hệ thống Y tế MEDLATEC, Phó chủ nhiệm Bộ môn Nội, Trường Đại học Y dược (Đại học Quốc gia Hà Nội), nguyên là Trưởng khoa Lao và Bệnh phổi (Viện Phổi Trung ương). Bà là người gắn bó với hàng ngàn bệnh án lớn nhỏ trong gần 40 năm làm nghề.
Được đánh giá là người có kỹ năng quản lý tốt, trong suốt quá trình công tác, chuyên gia từng có nhiều cơ hội thay đổi để không làm lâm sàng nữa. Tuy nhiên, bà từ chối tất cả vì “đã yêu và say mê với lâm sàng”.
“Bác sĩ lâm sàng như những người đi giải toán, ẩn số thường ảo mà đáp số thì thật. Những xét nghiệm nó là định lượng, nhưng các triệu chứng của bệnh nhân là định tính. Mà định tính sai, người dân thiệt. Chính vì thế, kinh nghiệm lâm sàng và kiến thức y học cập nhật là tối quan trọng.
Có những bệnh nhân, tôi muốn tự tay phải lấy mẫu bệnh phẩm và sinh thiết tổn thương để làm chẩn đoán, cuối cùng thành ra là những ca bệnh hiếm gặp, ca bệnh đầu tiên của Việt Nam. Từ sự nghiên cứu, mày mò qua các tài liệu y học trong và ngoài nước, từ kinh nghiệm lâm sàng của người làm nghề, tôi đưa ra chẩn đoán mà đã có người cho đó là ảo tưởng. Nhưng sự “ảo tưởng” đó, bệnh nhân được cứu sống, nó tạo cho tôi sự thanh thản”, PGS. Hoàng Thị Phượng mỉm cười chia sẻ.
Nhờ sự “ảo tưởng” của mình mà bà chẩn đoán và tìm ra được nhiều ca bệnh lạ, chữa trị thành công cho các ca bệnh khó, hiếm gặp như: trường hợp bệnh hiếm gặp đầu tiên tại Việt Nam nhiễm nấm đa tạng (Penicilin Marnerfei) trên bệnh nhân HIV âm tính; trường hợp bệnh hiếm gặp đầu tiên tại Bệnh viện Phổi TW: hội chứng thực bào máu/ Lao phổi AFB; trường hợp bệnh hiếm gặp đầu tiên tại Việt Nam: u nội mô mạch máu dạng biểu mô, bệnh Kikuchi hậu Covid-19…
Ngoài ra, chuyên gia đã cho ra cuốn cẩm nang lần đầu tiên xuất bản tại Việt Nam mang tên “Thực hành lâm sàng bệnh nhiễm trùng do Nontuberculous Mycobacteria (NTM)”.
Bà cũng sở hữu rất nhiều tài liệu nghiên cứu giá trị đăng tải trên các tạp chí; báo cáo tại các hội nghị khoa học trong nước và quốc tế, được giới chuyên môn đề cao.
Người “nghiện” giảng, nhiệt huyết truyền lửa, sẵn sàng dìu dắt thế hệ sau
Bên cạnh khám chữa bệnh, bà còn không ngừng say mê truyền lại những kiến thức, kinh nghiệm quý giá của mình cho lớp học trò kế cận. Tự nhận mình là người “nghiện” giảng, mỗi lần đứng lớp hay giảng giải về một ca bệnh nào đó, bà say mê đến quên giờ giấc.
Với bà, người bác sĩ ngoài khám chữa bệnh còn phải truyền nghề cho thế hệ sau, như thế mới làm tròn trách nhiệm của mình.
Bác sĩ Vũ Thị Ánh, một học trò xuất sắc của PGS. Phượng chia sẻ, thời sinh viên, mỗi lần đến tiết học của cô Phượng, các sinh viên đều rất hào hứng.
“Cô Phượng luôn lên lớp với 200% sức lực. Cô giảng dễ hiểu, sinh động và logic, chúng tôi ngày ấy nghe cuốn theo quên cả giờ nghỉ”, bác sĩ Ánh cho biết.
Nhận xét về đồng nghiệp, GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí - Chủ tịch Hội đồng cố vấn MEDLATEC GROUP chia sẻ: “PGS Phượng là người phụ nữ đặc biệt lắm. Ở người phụ nữ ấy, tôi thấy sự miệt mài học tập, tích cực phát hiện cái mới, cái khó và đặc biệt sẽ tìm mọi cách xử lý bằng được cái khó đó chứ không khi nào bỏ cuộc. Là người đi đầu, khởi xướng và song hành cùng các y bác sĩ trong chẩn đoán, chữa trị. Phó Giáo sư còn là người biết dìu dắt, truyền kinh nghiệm cho người đi sau… Đó là những điều khiến tôi nể phục Phó Giáo sư”.
Say mê công việc hơn khi chữa khỏi cho bệnh nhân
Chuyên gia chia sẻ, hạnh phúc nhất của đời bà là được làm nghề phù hợp với mình. Vì thế, bà luôn đam mê, say nghề một cách lạ thường.
Hiện tại, dù đến tuổi nghỉ hưu nhưng hằng ngày bà vẫn miệt mài làm việc. Theo chuyên gia, làm nghề y tuy vất vả, nhưng có niềm vui, mà niềm vui lớn nhất khi chữa khỏi cho bệnh nhân. Với bà đó còn là động lực để cố gắng hơn nữa mỗi ngày.
Ông Trần Văn Hòa (SN 1954, quê Hưng Yên), một bệnh nhân từng mắc bệnh phổi nghẽn mạn tính rất nặng, bị bệnh viện trả về. Tuy nhiên, sau khi gặp được chuyên gia này tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, ông đã hồi phục thần kỳ.
“Bác sĩ Phượng là một người rất giỏi, làm việc chuyên nghiệp và rất quan tâm bệnh nhân. Tôi sống được đến ngày hôm nay là do bác sĩ Phượng cứu. Tôi thực sự biết ơn bác sĩ Phượng”, ông Hòa tâm sự.
Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), kính chúc PGS.TS.BS Hoàng Thị Phượng cùng các Thầy, Cô có sức khỏe dồi dào để công tác tốt, vững vàng trong sự nghiệp “trồng người” và tiếp tục cống hiến, cứu chữa cho nhiều bệnh nhân.