Ông Nguyễn Xuân Bình (BVS): Nhóm ngành tấn công và có “tái cơ cấu” hút dòng tiền

10/04/2014 10:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Khối Phân tích CTCK Bảo Việt (BVS), nhà đầu tư có thể chia danh mục ra làm hai phần, một phần dành cho việc tích lũy các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt, phần còn lại phân bổ sang các nhóm ngành có yếu tố “đột biến” đằng sau, đã trải qua quá trình tái cơ cấu và đang dần thoát khỏi giai đoạn khó khăn.

Ông Nguyễn Xuân Bình (BVS): Nhóm ngành tấn công và có “tái cơ cấu” hút dòng tiền

Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Khối Phân tích CTCK Bảo Việt (BVS)

Tâm lý nhà đầu tư khá hưng phấn khi VN-Index đã có thời điểm chinh phục thành công mốc 600 điểm, ông nhận xét gì về điều này?

Thị trường đang trong xu hướng hồi phục trung hạn và khi VN-Index vượt qua mốc kháng cự tâm lý tại 600 điểm, tâm lý nhà đầu tư tỏ ra khá hưng phấn. Điều này được thể hiện rõ nét trong những phiên giao dịch trung tuần của tháng 3 khi tổng giá trị giao dịch trung bình trên hai sàn đạt mức xấp xỉ trên 5,000 tỷ đồng mỗi phiên.

Theo tôi, có thể lý giải những chuyển biến tích cực trong tâm lý nhà đầu tư từ cả 2 cách tiếp cận theo cơ bản và kỹ thuật. Về mặt cơ bản, nền kinh tế đang tiếp tục phát đi những tín hiệu bình ổn trở lại sau một giai đoạn bất ổn kéo dài, đặc biệt là diễn biến thuận lợi của lạm phát và mặt bằng lãi suất trong thời gian vừa qua. Với một nhà đầu tư đang cầm tiền thì sự lựa chọn hợp lý nhất ở thời điểm hiện tại theo tôi chính là rót vốn vào kênh đầu tư chứng khoán, vừa mang tính cạnh tranh hơn các kênh đầu tư khác về tỷ suất lợi nhuận tiềm năng vừa tận dụng được những chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết. Còn về mặt kỹ thuật, các nhà đầu tư cũng đang đặt khá nhiều kỳ vọng bởi đây là lần đầu tiên trong vòng 4 năm, VN-Index chinh phục thành công mốc 600 điểm, mở ra cơ hội quay lại xu hướng tăng trưởng dài hạn cho TTCK Việt Nam.

Ông bình luận gì về dòng tiền khá mạnh trên thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây?

Nếu như dòng vốn ngoại là nhân tố chính tạo ra lực đỡ cho thị trường trong năm 2013 và kéo dài sang tháng đầu năm 2014 thì dòng vốn từ các nhà đầu tư trong nước lại là động lực chính cho đà đi lên của hai chỉ số trong 2 tháng còn lại của quý 1/2014.

Diễn biến của các yếu tố kinh tế vĩ mô đã đề cập ở trên, khiến dòng tiền của các nhà đầu tư trong nước, kể cả tổ chức và cá nhân, đang có xu hướng quay trở lại đổ dồn vào kênh chứng khoán. Đây cũng là nguyên nhân giúp thị trường duy trì xu hướng tăng điểm vững chắc ngay cả khi chịu áp lực bán ròng khá mạnh của khối ngoại trong tháng 3. Hoạt động cấp margin của một số công ty chứng khoán cũng tăng đột biến trong thời gian này.

Diễn biến này theo tôi là khá tích cực vì nó phần nào phản ánh niềm tin cũng như kỳ vọng của nhà đầu tư vào triển vọng của nền kinh tế và TTCK trong trung-dài hạn. Tuy nhiên mặt khác, chúng ta cũng phải nhìn nhận đến yếu tố rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn của thị trường đang dần tăng lên sau khi đã thu hút một lượng không nhỏ sự tham gia của các dòng tiền nóng – thường mang tính ngắn hạn và biến động theo từng thời điểm.

Trở lại với thị trường trong quý 2/2014, ông có cho rằng hai chỉ số chính trên sàn sẽ tiếp tục bứt phá không? Xin ông dự báo về con số cụ thể của VN-Index và HNX-Index?

Sau nhịp hồi phục khá mạnh trong 2 quý trở lại đây, với biên độ tăng trưởng tại nhiều cổ phiếu đóng vai trò dẫn dắt đã lên tới trên 100% thậm chí 200%, tôi thiên về một kịch bản điều chỉnh của thị trường trong quý 2/2014. Giá cổ phiếu cần một giai đoạn tích lũy, tạo mặt bằng mới và cần thêm các yếu tố hỗ trợ, xuất phát từ những chuyển biến trên thực tế trong kết quả hoạt động của các doanh nghiệp, để có thể tiếp tục bứt phá. Những rủi ro chính mang tính khách quan như lộ trình tiếp tục thu hẹp gói QE3 của Fed và những tín hiệu chậm lại, suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc cần được quan sát thêm trong giai đoạn này.

Mặc dù vậy, về tổng thể thị trường vẫn nằm trong xu hướng tăng trung hạn và nhịp điều chỉnh ngắn hạn này nhiều khả năng sẽ mang tính giằng co, phân hóa rõ nét giữa các dòng cổ phiếu. Các thông tin về mùa Đại hội đồng cổ đông 2014, triển vọng hoạt động sản xuất kinh doanh các quý tiếp theo, khả năng chính thức mở room ngoại sẽ đóng vai trò tác động chính và tạo ra sự phân hóa trên thị trường. Với kịch bản đó, tôi dự báo VN-Index và HNX-Index vào thời điểm cuối quý 2/2014 sẽ dao động quanh mức 600-630 và 90-95 điểm.

Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư nên chọn cổ phiếu nào để tham gia thị trường?

Nếu như hai năm trước, các nhịp tăng trưởng của thị trường được hỗ trợ chủ yếu bởi diễn biến dần bình ổn trở lại của nền kinh tế vĩ mô và đà hồi phục của nhóm các công ty lớn, đứng đầu các ngành mang tính ổn định cao trên HOSE thì năm nay tâm điểm thu hút dòng tiền lại có phần chuyển sang nhóm các công ty và các ngành với thiên hướng tấn công và có “câu chuyện tái cơ cấu” thành công đằng sau.

Như vậy, theo quan điểm của tôi, nhà đầu tư có thể chia danh mục ra làm hai phần, một phần dành cho việc tích lũy các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt nhờ được hưởng lợi từ bối cảnh chính sách vĩ mô và việc ký kết hiệp định TPP như xây dựng hạ tầng, chứng khoán, công nghệ, may mặc và một số ngành hàng tiêu dùng khác; phần còn lại có thể phân bổ sang các nhóm ngành có yếu tố “đột biến” đằng sau, đã trải qua quá trình tái cơ cấu và đang dần thoát khỏi giai đoạn khó khăn như bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, vận tải biển...

Cám ơn ông!

Mỹ Hà thực hiện

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ông Nguyễn Xuân Bình (BVS): Nhóm ngành tấn công và có “tái cơ cấu” hút dòng tiền