OCOP - Động lực mới phát triển kinh tế nông thôn

Tuấn Phong| 18/08/2021 14:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Qua 3 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (tên tiếng Anh: One commune one product, gọi tắt là chương trình OCOP”, được Thủ tướng Chính phủ phê quyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018, đã tạo động lực mới, tạo sức bật mạnh mẽ cho phát triển kinh tế nông thôn.

Tại tỉnh Lâm Đồng, chương trình OCOP đã giúp nhiều nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa giá trị, có thương hiệu, góp phần chuyển đổi mô hình sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Số lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp tăng cao

Hồng là loại cây ăn quả được trồng khá lâu tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Dù năng suất cao và chất lượng thơm ngon, nhưng thời gian dài trước đây, hiệu quả kinh tế từ cây hồng rất thấp do công nghệ chế biến lạc hậu. Từ năm 2018, hồng đã trở thành loài cây "hái ra tiền".

1(3).jpg

Lâm Đồng đã tổ chức 10 đợt xúc tiến thương mại trong nước giới thiệu các sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Ông Mai Xuân Long, giám đốc HTX Dịch vụ NN tổng hợp Đất Làng Cầu Đất chia sẻ: Hồng sấy gió là sản phẩm nông nghiệp được Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đã được UBND tỉnh Lâm Đồng đưa vào danh mục các sản phẩm tham gia chương trình OCOP của địa phương giai đoạn 2018-2020.

Nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia và nỗ lực của các thành viên, sản phẩm “hồng sấy gió theo công nghệ Nhật Bản” của HTX được người tiêu dùng ưa chuộng, được hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP tỉnh cấp chứng nhận 3 sao đầu năm 2021. Nếu 1kg hồng tươi chỉ bán được 15.000-20.000 đồng/kg, thì 1kg hồng sấy gió (làm từ 3kg hồng tươi) có giá 250.000 đồng/kg.

2(1).jpg
Hồng sấy gió, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đất Làng Cầu Đất, TP Đà Lạt.

Từ năm 2018, UBND tỉnh Lâm Đồng đưa mắc-ca vào danh mục sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Thông qua hàng loạt chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước mà diện tích, sản lượng cũng như giá trị của mắc-ca không ngừng gia tăng. Năm 2017, toàn tỉnh có khoảng 1000ha mắc-ca, đến nay đã mở rộng lên 5.160ha, tổng sản lượng quả khô ước đạt 2.204 tấn. Một số vùng trồng mắc-ca được công nhận vùng sản xuất nguyên liệu theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Nhiều sản phẩm như hạt mắc-ca sấy khô, sữa mắc-ca, chocolate mắc-ca đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Vài năm trở lại đây, HTX sản xuất NN và Dịch vụ Quyết Tâm, xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh đã xây dựng thành công thương hiệu lúa nếp Quýt Đạ Tẻh với 326ha được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo quy trình VietGAP. Trong đó, có 30ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Từ chỗ chỉ được biết và sử dụng tại địa phương, nay nếp Quýt Đạ Tẻh đã có mặt tại nhiều siêu thị, cửa hàng trong cả nước. Đơn vị này cũng vừa được Bộ NN và PTNT tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020.

Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, sau 3 năm thực hiện, sản phẩm OCOP của địa phương tăng nhanh về số lượng và giá trị. Khi bắt đầu triển khai chương trình, tỉnh Lâm Đồng đề ra mục tiêu xây dựng 20 sản phẩm, giờ đây đã xây dựng được 123 sản phẩm, vượt xa so với mục tiêu ban đầu đề ra. Trong số đó, có 51 sản phẩm được công nhận 3 sao, 65 sản phẩm được công nhận 4 sao, 7 sản phẩm đã trình Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP Trung ương công nhận 5 sao.

3.jpg

Dứa Lê Dương - sản phẩm OCOP của huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.

Thông qua chương trình này, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Lâm Đồng như: Mắc-ca Lâm Hà, trà Ôlong, rau hoa Đà Lạt, hồng sấy gió theo công nghệ Nhật bản, atiso, cà phê Catimo và Arabica Cầu Đất, lúa nếp Quýt Đạ Tẻh, lúa Hạt Ngọc Cát Tiên; chuối LaBa Phú Sơn, rượu cần Châu Mạ bản Buôn Go... đã “có sao, có vạch”, không ngừng vươn xa trên thị trường.

Các sản phẩm OCOP đã góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp của Lâm Đồng từ 150 triệu đồng/ha năm 2018 lên 180 triệu đồng/ha vào năm 2020, giúp công cuộc xóa đói, giảm nghèo và phong trào xây dựng nông thôn mới về đích sớm. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 104/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới; nhu nhập bình quân đầu người đạt 71 triệu đồng người/năm; mỗi năm có 3.100 hộ thoát nghèo.

Đồng bộ, sáng tạo về giải pháp

Trang trại Rau thủy canh Trường Phúc tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương là một trong những chủ thể có sản phẩm được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP của tỉnh. Để đạt được chứng nhận này, thời gian qua, chủ trang trại đã chi 2,2 tỷ đồng xây dựng nhà kính và 5,5 tỷ đồng lắp đặt hệ thống thủy canh hồi lưu và các thiết bị phụ trợ. Trang trại còn áp dụng quy trình chăm sóc, đóng gói rau theo tiêu chuẩn châu Âu.        

4.jpg

Cà phê GOT - sản phẩm OCOP của huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 490/QĐ-TTg, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 2301/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng xác định rõ số lượng, danh mục các sản phẩm cần xây dựng; đối tượng thực hiện, cơ chế hỗ trợ, kinh phí và nguồn vốn triển khai".

Cũng theo ông Châu, quá trình thực hiện, địa phương ưu tiên phát triển sản phẩm đặc thù, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao và chế biến theo hướng chuyên sâu nhằm gia tăng giá trị; đẩy mạnh các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất mà trọng tâm là thực hiện phát triển những chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân; thực hiện tốt việc đánh giá xếp hạng sản thẩm theo tiêu chuẩn OCOP; ưu tiên đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm của chương trình OCOP.

Tham gia chương trình OCOP, nông dân được tập huấn kỹ thuật, kiến thức marketing, được vay vốn với lãi suất ưu đãi, tham gia những chương trình xúc tiến thương mại do tỉnh và huyện tổ chức. Từ năm 2018 đến nay, Lâm Đồng đã huy động gần 23 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương hơn 12,5 tỷ đồng, địa phương hơn 750 triệu đồng và huy động từ chủ thể, người dân là hơn 9,5 tỷ đồng để thực hiện kế hoạch phát triển chương trình OCOP.

5.jpg

Sản phẩm chuối laba tươi của HTX Chuối Laba Đạ K’Nàng, Huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.

Phát huy kết quả đã đạt được, tỉnh Lâm Đồng đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2025 sẽ phát triển thêm 168 sản phẩm OCOP, trong đó có 70 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao; 80 sản phẩm đạt 4 sao; 18 sản phẩm đạt 5 sao. Hiện đã có 130 chủ thể đăng ký tham gia chương trình, trong đó, có 26 HTX, 95 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 9 cơ sở và hộ cá thể.

Hiệu quả của chương trình OCOP đã và đang tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với nhiều hợp tác xã, hộ nông dân, doanh nghiệp; góp phần chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và cải thiện thu nhập cho người dân khu vực nông thôn tỉnh Lâm Đồng cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
OCOP - Động lực mới phát triển kinh tế nông thôn