Ô nhiễm không khí đang là vấn đề “thảm họa” của nhân loại khi mỗi năm có hàng triệu người chết vì nguyên nhân này.
Theo thông tin mới nhất được công bố gần đây, cứ 8 người chết trên thế giới mỗi ngày thì trong đó có 1 người chết vì ô nhiễm không khí, làm cho tổng số người chết lên đến 7 triệu người riêng trong năm 2012. Đây thực sự là vấn đề đáng lo ngại mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa cảnh báo, đặc biệt là đối với môi trường ô nhiễm do giao thông, xây dựng, sinh hoạt (đun nấu)… Đáng buồn là Việt Nam nằm trong số những quốc gia ấy.
Dẫn đầu Đông Nam Á
Theo thông tin từ AFP ngày 26/3/2014, tính chung trên toàn cầu cứ 8 người chết thì có một là do ô nhiễm không khí trong năm 2012. Những thủ phạm gây chết nhiều nhất liên quan đến ô nhiễm là bệnh tim, đột quị, bệnh phổi và ung thư phổi. Ngoài ra nó còn để lại những hậu quả lâu dài như khuyết tật bẩm sinh và suy giảm chức năng tâm thần do chất lượng không khí kém. Số tử vong bao gồm 4,3 triệu người chết do ô nhiễm không khí trong nhà, chủ yếu do đun nấu bằng bếp than, củi. Tác động của ô nhiễm không khí ngoài trời ước tính là 3,7 triệu người, với nguồn gây ô nhiễm từ đốt than tới động cơ diesel. Nhiều người phải hứng chịu cả hai dạng ô nhiễm này, và do không thể tách riêng số tử vong nên đã đưa tới con số ước tính chung là 7 triệu người.
Ở châu Phi, số tử vong tính chung là 680.000 người, trong khi có khoảng 400.000 người chết ở Trung Đông, 287.000 người chết ở các nước châu Âu có thu nhập thấp và trung bình, và 131.000 người chết ở châu Mỹ La tinh do ô nhiễm không khí. Số tử vong ở các nước thu nhập cao là 295.000, với 96.000 ở Bắc Mỹ và 68.000 ở các nước thuộc Thái Bình Dương gồm Australia và Nhật. Những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là khu vực Đông Nam Á, bao gồm Ấn Độ và Indonesia, và khu vực Tây Thái Bình Dương, từ Trung Quốc tới Philippines. Những khu vực này có 3,3 triệu người chết liên quan đến ô nhiễm không khí trong nhà và 2,6 triệu người chết do ô nhiễm ngoài trời – với tổng số tính chung là 5,1 triệu người.
Còn ở Hà Nội, theo khảo sát của Sở Y tế Hà Nội, 72% hộ gia đình có người mắc bệnh do ô nhiễm không khí. Đây là tỷ lệ quá cao so với các khu vực khác bởi Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được nhận định là hai thành phố ô nhiễm không khí nặng nhất. Ông Jacques Moussafir, chuyên gia người Pháp chuyên cung cấp giải pháp phần mềm tính toán, mô phỏng ô nhiễm môi trường không khí và hỗ trợ dự báo khí tượng khẳng định tại một cuộc hội thảo về cải tạo chất lượng không khí và giao thông đô thị đã khẳng định: “Tại các đô thị lớn ở Việt Nam, ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới hoạt động của người dân mọi lúc, mọi nơi, nhất là ở thủ đô Hà Nội. Đây là một trong những thành phố ô nhiễm không chỉ đứng đầu Đông Nam Á mà còn ở châu Á”. Còn theo một nghiên cứu được công bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Việt Nam nằm trong 10 quốc gia có chất lượng không khí thấp nhất và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Thủ phạm
Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng ô nhiễm này, không gì khác các chuyên gia môi trường đánh giá: chính là do giao thông đô thị với lưu lượng phương tiện dày đặc, đặc biệt là phương tiện giao thông cá nhân. Lượng phương tiện giao thông ấy thải ra lượng lớn khí độc hại như SO2, NO2, CO… và tạo ra bụi khí. Người ta đã thống kê, hiện nay trên toàn quốc đã có 37 triệu xe máy và 2 triệu xe ôtô. Tuy nhiên, đó mới là những xe đã đăng ký, còn những xe chưa đăng ký nhưng vẫn lưu hành thì chưa kể (xe máy). Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về số xe máy được sử dụng làm phương tiện. Điều đó đồng nghĩa với việc lượng phát thải khí độc từ phương tiện được coi là chính ở Việt Nam rất… khủng khiếp, khác hẳn với những quốc gia phát triển trên thế giới.
Trên cơ sở tiêu chuẩn cho phép của thế giới về đánh giá chất lượng không khí (Air Quality Index- AQI), nếu mức độ sạch của không khí từ 150-200 điểm thì đã bị coi là ô nhiễm, từ 201-300 thì coi là cực kỳ cấp bách, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Trong khi đó, tại Việt Nam, cụ thể hai khu vực ô nhiễm nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chỉ số trong ngày lúc nào cũng ở mức 152-156. Còn vào giờ giao thông cao điểm phải lên tới gần 200 điểm. Ông Jacques Moussafir cho biết, số điểm nói trên cho thấy một trong những tình trạng ô nhiễm là lượng bụi PM10 (bụi khí) cao gấp 4 lần mức khuyến cáo của WHO. Mà bụi PM10 lại là loại hạt vỡ cỡ rất nhỏ, bay lơ lửng trong không khí, có thể xuyên qua các loại khẩu trang để lọt vào và đọng lại trong phổi, gây bệnh về đường hô hấp cho người hít phải.
Trung tâm Quan trắc môi trường, Tổng cục Môi trường Việt Nam lại đưa ra một con số khủng khiếp hơn khi họ đo được tại nhiều trục giao thông lớn như Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Văn Linh… những khu vực đông dân cư, nồng độ bụi thường cao hơn mức cho phép lên đến 11 lần. Chưa kể đến các khí thải như CO, SO2, NO2… Ông Jacques Moussafir cảnh báo: “Với mức độ ô nhiễm hiện nay và tốc độ tăng số lượng phương tiện giao thông cá nhân ở mức khoảng 15%/năm đối với xe máy và 10%/ năm đối với ôtô, nồng độ bụi ở Hà Nội sẽ có khả năng tăng lên hơn 200mg/m3, gấp 10 lần khuyến cáo của WHO”.
“Đầu độc” bằng khí thải
Không chỉ bụi, phương tiện giao thông còn thải ra các khí độc như đã nói. Từng có một nghiên cứu của Viện Khoa học Khí tượng - Thủy văn và Môi trường về môi trường Hà Nội công bố, mỗi năm nồng độ các khí SO2, NO2 trung bình tăng từ 10-60%, nồng độ CO tại các trục giao thông lớn luôn có xe máy và xe buýt lưu thông, lúc nào cũng cao hơn khoảng 5 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Nghiên cứu này viết: “Trong khi chất lượng nhiên liệu chưa tốt, chứa nhiều tạp chất tác động đến môi trường, cụ thể là hàm lượng Benzen trong xăng quá cao (5% so với 1%), hàm lượng lưu huỳnh trong diesel cao 0,5-1% so với 0,05% cùng với lượng than tiêu thụ trung bình 250 nghìn tấn/năm, xăng dầu 250 nghìn tấn/năm, đã thải ra một lượng lớn bụi, SO2, CO, NO2, gây tác động xấu đến chất lượng không khí”.
Bên cạnh giao thông, sinh hoạt gia đình với hình thức đun nấu bằng than, củi, xây dựng, hoạt động của các khu công nghiệp cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các nhà khoa học đã nghiên cứu nếu ở Hà Nội, dùng bếp than tổ ong để đun nấu với lượng tiêu thụ trung bình 2kg than/ngày, tức 50-60kg than/tháng thì lượng khí thải của tất cả những gia đình sử dụng hình thức đun nấu này cũng góp phần không nhỏ vào tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay.
Hệ lụy khôn lường
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong những năm gần đây, các bệnh nhân về đường hô hấp có tỷ lệ mắc cao nhất trên toàn quốc, nguyên nhân chủ yếu là do ô nhiễm không khí gây ra.
Kết quả thống kê cứ 100.000 dân có đến 4,1% số người mắc các bệnh về phổi; 3,8% viêm họng và viêm amidan cấp; 3,1% viêm phế quản và viêm tiểu phế quản.
Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Chẳng hạn ở thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hải Phòng, tỷ lệ bệnh nhân lao được phát hiện cao gấp 4-5 lần những địa phương có hoạt động công nghiệp ít phát triển như Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu.
Ô nhiễm không khí có thể nói là nguyên nhân của rất nhiều bệnh nghiêm trọng dẫn đến hoặc là tử vong lập tức hoặc là “chờ đón cái chết”. Bởi những bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường được các chuyên gia y tế thống kê bao gồm: Đột quỵ, tim, bệnh phổi, ung thư phổi, khuyết tật bẩm sinh, suy giảm chức năng tâm thần do chất lượng không khí kém, tai, mắt…
Ô nhiễm không khí nhìn từ các nguyên nhân phân tích trên đây có thể thấy thủ phạm gây ra chính là con người. Để phục vụ cho đời sống hằng ngày mà quên đi tính bền vững lâu dài, họ đã tự “đầu độc” bầu không khí đang hít thở, tự làm giảm năng lượng sống để rồi đẩy mình vào vòng luẩn quẩn “chết người”.