Mưa lớn từ bên kia biên giới, lượng nước đổ về hồ lớn, cơ quan chức năng đã kích hoạt cơ chế xả lũ tại hồ Cửa Đạt chứa nước lớn nhất xứ Thanh. Người dân được khuyến cáo theo dõi mực nước sông, các thông báo của chính quyền địa phương để kịp thời ứng phó.
Theo báo cáo, do lưu lượng nước về hồ lớn, chỉ từ sáng đến 15 giờ chiều ngày 22/9, mực nước hồ Cửa Đạt đã dâng lên 1,2m. Hiện tại, lượng nước từ Lào đổ về hồ Hủa Na khoảng 2.700m3/giây, nước về hồ bao nhiêu xả bấy nhiêu nên từ trưa ngày 22/9, lưu lượng nước về hồ Cửa Đạt khoảng 2.000m3/giây.
Trước tình hình đó, Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 3 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện chế độ trực ban trong điều kiện cấp bách tại Chi nhánh khai thác công trình thủy lợi Cửa Đạt.
Từ 15h chiều ngày 22/9, sau khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý, Chi nhánh Khai thác công trình Thủy lợi Cửa Đạt đã vận hành cửa xả, thực hiện quy trình xả lũ hồ chứa nước Cửa Đạt. Việc xả lũ được vận hành căn cứ vào lưu lượng nước về hồ và đảm bảo mực nước hồ ở mực nước dâng bình thường, đồng thời, tuân thủ quy chế vận hành liên hồ để đảm bảo an toàn cho công trình và giảm thiểu thiệt hại cho hạ du.
Tuy nhiên, do hồ Hủa Na đang xả lũ với lưu lượng 2.700m3/ giây, nên từ 17 giờ chiều ngày 22/9, cả 5 cửa xả của hồ chứa nước Cửa Đạt đã được mở và xả với lưu lượng 2.200m3/giây. Theo báo cáo của Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi Cửa Đạt, đến 18h chiều ngày 22/9, lưu lượng nước về hồ Cửa Đạt là khoảng 3.300m3/giây, vì thế, trong những giờ tới, sẽ xả lũ với lưu lượng khoảng 3.000m3/giây.
Việc xả lũ của thủy điện Cửa Đạt và các thủy điện trên sông Mã sẽ làm ảnh hưởng lớn tới các khu vực hạ du, nhất là tại các nơi thấp trũng. Nhiều địa phương như Cẩm Thủy, Thọ Xuân, Hoằng Hóa, TP Thanh Hóa đã phải huy động lực lượng hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc, tài sản lên khu vực cao.
Ngay trong đêm 22/9, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa Lại Thế Nguyên cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra, đề nghị Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi Cửa Đạt duy trì chế độ trực 24/24 giờ, đảm bảo 100% quân số, chủ động trong mọi tình huống; đồng thời đảm bảo vận hành công trình theo quy trình được phê duyệt. Cùng với đó kiểm tra xem lưu lượng nước về hồ bao nhiêu thì xả bấy nhiêu và phải giữ được mực nước ở hồ là dưới 110m để đảm bảo an toàn mặt đập cũng như hồ chứa.
Tiếp tục cảnh báo cho các địa phương của vùng hạ du để bà con chủ động kê cao đồ đạc, bảo vệ nhà cửa, không bị động, bất ngờ, không để trôi tài sản, đặc biệt không ảnh hưởng đến tính mạng con người. Trong quá trình xả lũ phải tính toán đến thời điểm nào là phải dừng lại không xả nữa, để vừa đảm bảo nước chứa, vừa đảm bảo an toàn cho vùng hạ du và đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất vụ chiêm năm 2025.
Đến kiểm tra điểm ngập tràn tại cầu Vụng Láu nằm trên tuyến tỉnh lộ 519, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hoá đề nghị chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng thường xuyên túc trực thực hiện cắm biển cảnh báo và cử lực lượng canh gác 24/24; đồng thời phải đóng bè, mảng để nhân dân đi lại được thuận lợi. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hoá giao cho Sở Giao thông vận tải báo cáo UBND tỉnh công bố tình trạng khẩn cấp để sớm xử lý tình trạng ngập tràn tại cầu Vụng Láu.
Đến kiểm tra công tác ứng phó với nước sông Chu dâng cao tại xã Thọ Hải (Thọ Xuân), ông Nguyên hoan nghênh tinh thần của địa phương trong việc quán triệt tinh thần chỉ đạo của tỉnh, đã chủ động di dân và vận động bà con bảo vệ tài sản.
Yêu cầu chính quyền địa phương tiếp tục bám sát tình hình để có phương án, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân và tài sản; đồng thời triển khai thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”.