Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC Group) vừa giành được giải thưởng 'Ý tưởng và Mô hình Quốc gia Thông minh xuất sắc nhất' tại lễ trao giải Cuộc thi toàn cầu về ý tưởng và mô hình quốc gia thông minh ở Anh.
Và đó cũng là lí do cho cuộc trò chuyện này, để hiểu sâu hơn về những quyết sách và chiến lược mang đến lợi ích cho toàn xã hội...
Sáng tạo, lợi ích thiết thực và tính khả thi cao
Nữ Viện sỹ, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC Group) có tiếng trong giới doanh nhân, nhưng ít khi nói về mình trước truyền thông báo chí. Người phụ nữ nhất mực từ chối rất nhiều mỹ từ mà mọi người ưu ái, chị chỉ nhận mình thành công là nhờ biết học hỏi những tiến bộ, không ngừng nỗ lực từng ngày và có những cộng sự đầy tâm huyết trên con tàu AIC suốt gần 20 năm qua. Giải pháp Quốc gia Thông minh do chị sáng tạo và thiết kế toàn hệ thống cùng với đội ngũ cán bộ của Tập đoàn AIC, được đánh giá cao nhất trong cuộc thi mang tầm vóc thế giới vừa qua là bởi đã thể hiện được quy mô kết nối đồng bộ từ các cơ quan lãnh đạo Trung ương cho tới các bộ, ngành, các tỉnh thành và thậm chí tới cả các cấp cơ sở như nhà trường, bệnh viện, doanh nghiệp...
“Bao trùm lên mô hình kết nối này là các tiện ích và hàng loạt ứng dụng thông minh dựa trên nền tảng dữ liệu lớn, thông tin thời gian thực, trí tuệ nhân tạo, thuật toán phân tích dự báo, tạo thành hệ thống Trung tâm điều hành tích hợp các cấp, hiện thực hóa mô hình tương tác đa chiều và lợi ích bao trùm cho hơn 20 nhóm đối tượng hưởng lợi: từ lãnh đạo, nhà quản lý, các cơ quan chuyên môn, nhà nghiên cứu, bác sĩ, bệnh nhân, giáo viên, học sinh, du khách cho tới người dân nói chung và mọi thành phần khác trong toàn xã hội”- Tổng Giám đốc AIC nhấn mạnh.
Trên thực tế, mô hình quốc gia thông minh không phải là mới bởi nó đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Nhưng điểm cốt lõi trong mô hình quốc gia thông minh mà chị Nhàn xây dựng đó chính là hướng tới các đối tượng hưởng lợi và tính khả thi của nó để có thể biến ý tưởng thành hiện thực. Chị chia sẻ rằng, khi tham dự nhiều hội thảo về thành phố thông minh hay quốc gia thông minh, phần lớn đều không đưa ra được rằng các đối tượng khác nhau trong xã hội sẽ được hưởng lợi gì hoặc có nhưng không đầy đủ. Ngoài ra, làm thế nào để triển khai thành công mô hình này thì không có nơi nào hướng dẫn cụ thể cả.
“Ở Việt Nam cũng đã có nơi áp dụng một số mô hình quản lý thông minh về Giao thông, Y tế, Giáo dục... nhưng chưa có hệ thống đồng bộ và tích hợp. Chính vì vậy mà tôi đã xây dựng mô hình quốc gia thông minh trên cơ sở cụ thể hoá các tính năng hỗ trợ cho các đối tượng khác nhau như thế nào, đồng thời có phân tích các giải pháp đồng bộ để có thể triển khai, hiện thực hoá mô hình quốc gia thông minh” - nữ doanh nhân Thanh Nhàn chia sẻ.
Chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ”
Dĩ nhiên, không có thành công nào trải hoa hồng, với doanh nhân Thanh Nhàn cũng vậy. Chị khẳng định rằng, mô hình quốc gia thông minh không hề mới trên thế giới, trong cuộc cách mạng 4.0, nếu mình không làm thì mình lạc hậu.
Thế giới đã áp dụng rồi, việc của chúng ta là học tập kinh nghiệm và đưa vào ứng dụng thực tế. Với chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ” nữ doanh nhân đã dành rất nhiều năm để nghiên cứu hàng trăm mô hình, làm việc với hàng trăm công ty chuyên về công nghệ, từ đó sàng lọc và cho ra đời một mô hình riêng biệt phù hợp với Việt Nam.
“Hệ thống mà tôi xây dựng có nhiều phần riêng biệt dựa trên kinh nghiệm những chương trình đã được áp dụng thành công tại nhiều nước trên thế giới như Israel, một số nước châu Âu, Hàn Quốc, Singapore...Thậm chí, tôi còn nghiên cứu cả những mô hình thất bại để làm bài học cho mình”, chị tâm sự.
Có thể nói, chặng đường thử thách đã qua, thủ lĩnh AIC đặt ra trước mặt chúng tôi một đáp án rất khoa học, bài bản. Câu chuyện về quốc gia thông minh không còn là lý thuyết suông, không phải mô hình đơn điệu mà bằng những dẫn chứng rất cụ thể. Ở đó cả thế giới như thu nhỏ vào những tiện ích của con người, con người thực sự trở thành trung tâm của mọi sự sáng tạo.
“Chẳng hạn như với người dân trong một quốc gia thông minh sẽ đều được sử dụng trực tiếp tất cả các dịch vụ công, các chương trình đào tạo hỗ trợ miễn phí, những chính sách đặc biệt ưu tiên cho người dân. Thậm chí các vấn đề người dân cần kiến nghị, đề xuất cụ thể với Chính phủ sẽ được giải quyết kịp thời hơn...chứ không mất thời gian chờ đợi hay làm thủ tục rườm rà. Còn với học sinh sinh viên, để tạo sự công bằng giữa các khu vực thành thị, miền núi, các em sẽ được hưởng lợi từ việc đăng kí tham gia các chương trình học từ mẫu giáo đến đại học, hay như thay vì đến lớp luyện thi thì bây giờ có thể luyện thi trên hệ thống mạng với những giáo viên giỏi nhất, có thể tìm kiếm được những bài dạy mẫu, những đề thi để luyện, thậm chí hệ thống còn có thể tự chấm điểm, tự đánh giá xem học sinh đang thiếu kỹ năng gì để tiếp tục bồi dưỡng thêm...Với bác sĩ và bệnh nhân sẽ có hệ thống kết nối Hội chẩn Quốc tế. Chúng tôi có liên kết với 12 quốc gia hàng đầu của thế giới cùng với đội ngũ y bác sĩ giỏi tại Việt Nam theo từng chuyên ngành. Chúng tôi sẽ kết nối Hội chẩn Quốc tế với trí tuệ nhân tạo để đưa ra hướng điều trị phù hợp cho các căn bệnh hiểm nghèo, có tính chất phức tạp...” – Doanh nhân Thanh Nhàn bật mí.
Để có thể đem sự tiện ích ấy đến với người dân, để một quốc gia thông minh mà ở đó con người được hưởng lợi toàn diện, rõ ràng không thể là câu chuyện ngày một ngày hai. Vì thế, AIC đã có những tính toán từng giai đoạn một, làm cái gì chắc chắn nhất, phù hợp nhất. Chẳng hạn có 10 tiện ích dành cho người dân thì giai đoạn đầu có thể triển khai một phần, rồi theo lộ trình, ngắn hạn, trung hạn, dài hạn sẽ có những bước đi cẩn trọng và không ngừng nâng cấp để phù hợp với tình hình thực tiễn. “Không thể nói một tham vọng lớn mà có thể triển khai trong khoảng thời gian ngắn, đó là điều bất khả thi. Nhưng chúng tôi phấn đấu đến năm 2019 một số vấn đề cơ bản sẽ có thể triển khai được ở một số địa bàn cụ thể” – doanh nhân Thanh Nhàn khẳng định.
Cái thông minh là cái đơn giản
Vấn đề đặt ra là, sự tâm huyết ấy, lộ trình hiện thực hóa mô hình ấy ở Việt Nam sẽ ra sao khi mà chỉ nhắc đến hai từ “công nghệ” đã là cả một nỗi trăn trở với người Việt. Và rõ ràng từ ý tưởng đến thực tế luôn là một khoảng cách không dễ vượt qua. Đem suy nghĩ ấy để bàn với Tổng giám đốc AIC, mọi lo lắng của tôi như được giải tỏa khi chị nhận định: "Đừng nghĩ quốc gia thông minh là điều gì đó trừu tượng, phức tạp. Cái thông minh là cái đơn giản, dễ hiểu nếu như áp dụng mô hình của chúng tôi. Công nghệ thế giới đã có sẵn, mỗi người dân chỉ cần học trong 15 phút là có thể sử dụng. Với các cơ quan chuyên môn thì chỉ cần đào tạo khoảng hai tuần. Cơ quan quản lý Nhà nước chắc mất khoảng một tiếng là các lãnh đạo có thể sử dụng thành thạo hệ thống này”.
Cái cách mà chị trả lời, nhanh, gọn và cương quyết đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về sự tự tin, quyết liệt và tâm thế sẵn sàng chia sẻ, sẵn sàng tham gia vì trách nhiệm xã hội của AIC. Và quả thực, điều ấy khiến chúng tôi cảm thấy cuộc hành trình mà đích đến là “lợi ích cho tất cả mọi người” không còn xa vời nữa.
Có thể nói, đó là một chiến lược kinh doanh được đầu tư rất lớn, cả về tâm sức, thời gian và tiền bạc. “Thiên thời, địa lợi” chỉ còn đợi “nhân hòa” là tâm niệm của người phụ nữ “đứng mũi chịu sào” ấy. Chị nhấn mạnh thêm: “Để có thể triển khai mô hình này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chúng tôi đã phân tích ra 20 giải pháp đồng bộ để triển khai thành công mô hình này. Ở Việt Nam, trong 20 yếu tố đó thì hơn một nửa đã có tính khả thi. Điều quan trọng không phải là công nghệ, mà quan trọng nhất là hành lang pháp lý và sự quyết tâm của con người. Trong thành phố thông minh thì con người phải thông minh. Chúng ta có được hai yếu tố quan trọng này thì chắc chắn sẽ thành công”.
Trên thực tế, hành lang pháp lý và sự quyết tâm của con người mà nữ thủ lĩnh này nhấn mạnh đang rất khả thi ở nước ta. Những quyết tâm được thể hiện ngày một rõ nét từ chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ cũng như chính quyền các cấp trong thời gian gần đây liên quan tới việc xây dựng chính phủ số và đô thị thông minh đã là hành lang pháp lý cơ bản, tạo đà cho một quốc gia thông minh sớm đi vào hoạt động. Dĩ nhiên vẫn còn cần bổ sung hệ thống quy định, quy chế cho riêng quốc gia thông minh, hệ thống khung kiến trúc chung, quy chuẩn chung để hoàn thiện khung pháp lý. “Nếu triển khai được mô hình quốc gia thông minh sẽ tạo ra một sự đột phá của Việt Nam trong tương lai và đặc biệt là các đối tượng trong xã hội đều được hưởng lợi là điều mà tôi rất mong muốn” – Tổng giám đốc AIC khẳng định.
Quả thực, sự tiên phong của nữ doanh nhân “nói ít làm nhiều” này không khiến chúng tôi quá ngạc nhiên bởi nhìn lại chặng đường mà chị đã đi qua, có quá nhiều dấu ấn về sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm trên thương trường. Cứ có cảm giác như, sự “tiên phong” ấy đeo đẳng chị như là số phận để mỗi quyết định đầu tư đều trở thành cơ duyên, gặt hái thành quả và tháo gỡ những nút thắt khó hay mang đến một sự kiến tạo đáng giá cho cuộc sống tươi đẹp hơn. Điều đặc biệt là những lựa chọn của chị, dù lớn dù nhỏ đều có một mẫu số chung là luôn gắn vai trò của doanh nghiệp với trách nhiệm xã hội. Đó có thể là một đề án về xử lý nước thải, biến đổi khí hậu...đến các chương trình hỗ trợ về y tế, giáo dục, văn hóa...và hiện tại là mô hình quốc gia thông minh này. Tất cả đều hướng đến một triết lý kinh doanh sâu sắc mà chị theo đuổi nhiều năm nay: “Doanh nghiệp luôn phải hướng đến sự phát triển bền vững. Muốn làm được như vậy phải hài hòa tất cả các lợi ích, từ người chủ doanh nghiệp đến các cán bộ trong doanh nghiệp đặc biệt là lợi ích của cộng đồng, làm việc gì cũng phải có ích cho xã hội”. Tôi nghĩ đến câu ngạn ngữ của người Nhật “Cái giá phải trả cho sự vĩ đại là trách nhiệm” thật đúng với AIC và doanh nhân Thanh Nhàn. Bởi những cống hiến của chị trong việc xây dựng mô hình “Quốc gia thông minh” này sẽ luôn song hành với trách nhiệm của một doanh nhân “tâm, tài”. Vậy nên, hy vọng rằng, sự tâm huyết ấy sẽ được đón nhận, để mỗi người đều được hưởng lợi từ đó, để đất nước ta ngày một phát triển xứng tầm hơn.
Chiều muộn, kết thúc buổi phỏng vấn, chị vẫn tiếp tục công việc như thể một ngày mới lại bắt đầu. Người phụ nữ kiến tạo nên những đổi thay mang nhiều giá trị cho cộng đồng và xã hội ấy, đặc biệt ấn tượng bởi tốc độ nói nhanh, gọn, sang sảng dù một ngày làm việc liên tục không nghỉ. Cắt nghĩa cho đam mê, nhiệt huyết và sự tận tâm với công việc, chị bảo rằng với chị “Thanh Nhàn” là phải từ tâm, từ thành công trong một dự án ý nghĩa và “điểm tựa tinh thần” chính là niềm vui mà chị mang đến cho người thân, gia đình và xã hội. Nữ doanh nhân có sở thích dùng màu son nhạt, yêu tha thiết các loài hoa, có bàn tay ấm và đôi mắt biết nói cứ làm tôi nhớ mãi. Chỉ gặp chị trong ít phút thôi mà tôi như được truyền lửa, truyền nguồn năng lượng tích cực và thấm thía thêm về chân lý:“Nếu có điều gì đáng làm, hãy làm nó bằng tất cả trái tim”...