Tại talk show “Giới hạn nào cho áo dài cách tân?” mới đây được tổ chức tại Hà Nội, NTK Huyền Nguyễn đã đưa ra những góc nhìn thú vị về áo dài cách tân.
Vừa qua, nhóm sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội với tên gọi Vượt Sóng đã tổ chức Talk show “Giới hạn nào cho áo dài cách tân?”. Talk show có sự góp mặt của Host, khách mời: TS. Trịnh Lê Anh; nhà văn Nguyễn Trương Quý; nhà thiết kế Nguyễn Huyền..
NTK Huyền Nguyễn chia sẻ những quan điểm và sự hiểu biết về áo dài tại talk show “Giới hạn nào cho áo dài cách tân?”
Nếu như Kimono là chiếc áo biểu tượng của Nhật Bản, hay Hanbok là quốc phục của Hàn Quốc thì chiếc áo dài có một vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá của dân tộc Việt Nam. Trong suốt tiến trình lịch sử, áo dài không ngừng biến đổi về kiểu dáng và chất liệu, phụ kiện để phù hợp với thị hiếu cũng như nhu cầu của người sử dụng. Trong những năm gần đây, bên cạnh áo dài truyền thống, áo dài cách tân đã trở thành xu hướng thời trang nhận được sự quan tâm của không tí ngường. Tuy nhiên, xu hướng này vẫn đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận. Mới đây, nhóm Vượt Sóng đã tổ chức Talk show “Giới hạn nào cho áo dài cách tân?” với mong muốn đem đến cho khán giả một cái nhìn khách quan và đa chiều hơn từ những chia sẻ của các chuyên gia trong lĩnh vực này. Talkshow nhằm bàn luận về những giới hạn cần thiết để sự sáng tạo, làm mới áo dài trở nên phù hợp với số đông, phù hợp với thuần phong mỹ tục, hiện đại nhưng vẫn mang đậm nét đẹp của dân tộc. Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Talkshow được tổ chức bằng hình thức livestream trên Fanpage chính thức của sự kiện. Tuy vậy, Talkshow cũng đã ghi lại nhiều ấn tượng đẹp, khó quên trong lòng khán giả. Chương trình mở đầu bằng tiết mục trình diễn thời trang, tập hợp những mẫu áo dài truyền thống và cách tân đang thịnh hành. Qua đó, sự kiện đã giúp khán giả có những góc nhìn rõ hơn về tà áo dài truyền thống và hai mẫu cách tân phổ biến hiện nay.
Đối với nhà thiết kế Huyền Nguyễn, chị chia sẻ: “Áo dài cách tân luôn luôn phải giữ được những nét truyền thống. Tôi nghĩ chúng ta thường cứ nghĩ cách tân là phải cách tân về kiểu dáng. Trong làng thiết kế áo dài, ngay cả với những nhà thiết kế có tên tuổi lớn như anh Sỹ Hoàng, anh vẫn đưa những đường nét hội họa truyền thống vào áo dài, hoặc với nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam thì anh đã đưa cả những di sản, làng nghề của Việt Nam lên trên áo dài. Đấy chính là ý nghĩa văn hóa mà các nhà thiết kế muốn truyền tải qua những tà áo dài. Từ đó có thể bảo vệ, lưu giữ và phát triển trang phục này nói riêng và những nét văn hóa của Việt Nam nói chung. Đây có thể gọi là sự mới lạ của áo dài hay còn gọi là cách tân trong áo dài. NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cũng chính là người thầy đã truyền cảm hứng cho Huyền Nguyễn về tình yêu áo dài và các giá trị truyền thống của dân tộc. Để ngày hôm nay Huyền Nguyễn có thể chia sẻ và lan tỏa tình yêu ấy đến với các bạn trẻ sinh viên và những người yêu áo dài trên cả nước.”
BST Mộc Bản của NTK Huyền Nguyễn được trình diễn tại Lễ hội Thời trang ASEAN Week 2019, diễn ra ngày 15/6/2019 tại Seoul, Hàn Quốc. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ ASEAN, được Trung tâm ASEAN – Hàn Quốc tổ chức nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN – ROK (Ủy ban Hợp tác lĩnh vực chung ASEAN - Hàn Quốc). Chương trình là một lễ hội văn hóa toàn diện với sự tham gia của 10 quốc gia thuộc ASEAN.
Diễn giả - NTK Huyễn Nguyễn trong các chương trình đào tạo học viên thiết kế thời trang
Với câu hỏi “Giới hạn nào cho áo dài cách tân?”, các khách mời đã có những chia sẻ, quan điểm thẳng thắn của bản thân. Theo nhà văn Nguyễn Trương Quý: “Đây là tùy vào cảm nhận văn hóa của bản thân mỗi người tiếp nhận mẫu áo dài cách tân nào đó hay không. Thời trang phụ thuộc vào những yếu tố khác, không chỉ riêng chức năng sử dụng mà còn vào tính thẩm mĩ và nhu cầu ở mỗi thời kỳ”.
Bước vào chủ đề bàn luận “Giới hạn nào cho áo dài cách tân”, “Cách tân đến đâu là đủ?”, BTC (Ban tổ chức) đã đưa ra năm mẫu áo dài cách tân gây nên nhiều ý kiến trái chiều: áo dài lai ao tắm, áo dài cúp ngực, áo dài xuyên thấu, áo dài phối với váy đụp, áo dài phối với quần jean. Cả 3 vị khách mời đều có những chia sẻ thú vị mà thẳng thắn đối với 5 mẫu được cho là “sáng tạo chưa phù hợp”.
Cuối chương trình, BTC trao giải cuộc thi thiết kế “Áo dài cách tân với màu sắc truyền thống” cho 2 bạn thí sinh có tác phẩm xuất sắc nhất. Đồng thời nói lời cảm ơn tới nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình, nhà văn Nguyễn Trương Quý, nhà thiết kế Huyền Nguyễn và các nhà tài trợ, đơn vị bảo trợ truyền thông đã đồng hành cùng sự kiện.
NTK Huyền Nguyễn chia sẻ chị rất trân quý tình cảm dành cho áo dài và các giá trị văn hoá truyền thống của nhóm “Vượt Sóng”. “Giới hạn nào cho áo dài cách tân?” là một hoạt động mang ý nghĩa văn hoá rất lớn và đáng được tuyên dương phát huy, đặc biệt trong giới trẻ. Các bạn sinh viên ngày hôm nay sẽ là người kế cận thế hệ cha anh về việc bảo tồn, phát huy và quảng bá các giá trị truyền thống của dân tộc.