Ngày 26/10, tỉnh An Giang đã có buổi làm việc, nghe Tập đoàn NovaGroup cùng các đối tác như Công ty Công nghệ đa quốc gia Google, Công ty tư vấn toàn cầu Mc Kinsey, các đơn vị tư vấn như Tedi, EAI, Công ty Quản lý Quỹ Red Capital … báo cáo “Đề án quy hoạch và cơ chế ưu đãi đặc thù kinh tế cửa khẩu Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, An Giang.
Đây là đề án hưởng ứng chương trình hành động của Chính phủ, thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 02/04/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII.
Buổi làm việc do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình chủ trì. Tham dự có lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên môi trường; Sở Tài chính; Sở Giao thông vận tải; Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Sở Công Thương; Ban Quản lý Khu Kinh tế; Uỷ ban Nhân dân thị xã Tân Châu và lãnh đạo Tập đoàn NovaGroup.
Tại buổi họp ngày 26/10, NovaGroup cũng chuyển giao các ý tưởng quy hoạch, phân kỳ đầu tư, các chính sách ưu đãi theo đề xuất của các nhà đầu tư để góp phần phát triển khu Kinh tế Cửa khẩu Vĩnh Xương - An Giang. NovaGroup cũng đã chuyển giao Đề án Quy hoạch Khu Kinh tế Cửa khẩu Đồng Tháp cho Tỉnh Đồng Tháp vào ngày 14/10 vừa qua.
Đây là đề án quy hoạch liên vùng, gồm khu biên giới cửa khẩu của 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp với kỳ vọng nơi đây sẽ là một đô thị biên mậu thông minh bao gồm Trung tâm Du lịch của khu vực (nhờ vào vị trí nối kết sông Mekong giữa 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và tiểu vùng sông Mekong mở rộng bao gom cac nuoc :Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây Trung Quốc); Trung tâm Logistic GMS (tận dụng hạ tầng giao thông GMS đang phát triển (đường sắt, đường cao tốc, sân bay, đường thủy) và trung tâm chế biến nông thuỷ sản của Quốc gia (Tỉnh An Giang và Đồng Tháp có lợi thế về thuỷ sản, lúa gạo và cây trái).
Đề án quy hoạch bao gồm các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), trung tâm thương mại, bệnh viện, trường đào tạo, Trung tâm vui chơi giải trí…
Với kinh nghiệm là đơn vị phát triển dự án bất động sản quy mô, NovaGroup nhận thấy đây là vùng đất còn sơ khai, còn rất nhiều khó khăn và sẽ khó thành công nếu chỉ quy hoạch cục bộ thiếu nối kết với các nước tiểu vùng sông Mekong, với các Thành phố lớn, không triệt để tận dụng lợi thế có vị trí rất thuận lợi để trở thành trung tâm giao thương của các nước GMS.
Đề án thành công cũng sẽ góp phần xoá bỏ các điểm nghẽn của Đồng bằng Sông Cửu Long về nối kết hạ tầng giao thông, phát triển đô thị, giáo dục, y tế tạo ra một điểm đến mới của du lịch tiểu vùng sông Mekong, một khu đô thị kinh tế biên mậu kiểu mẫu, một biểu tượng nối kết tình hữu nghị của hai nước Việt Nam và Campuchia, tạo ra rất nhiều việc làm, giảm nghèo, giảm nạn sinh kế ly hương của người dân miền Tây Nam bộ. Đồng thời dự án cũng giúp tăng nguồn thu ngân sách, nâng cao vị thế của Tỉnh An Giang nói riêng và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung.
NovaGroup đã nhờ sự tư vấn của McKinsey - công ty tư vấn quản lý toàn cầu, và đã trao đổi thông tin, thảo luận từ các đối tác, mời gọi các nhà đầu tư như: Công ty công nghệ đa quốc gia Google, Công ty DeepC (Bỉ), Amata (Thái Lan), JICA (Nhật Bản), Ngân hàng Tái thiết Đức, CPG Corporation (Singapore), tập đoàn Sokimex (Campuchia), Công ty Vedan và các doanh nghiệp trong nước như Tập đoàn Viglacera, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hố Nai, Tập đoàn Viettel, Tổng Công ty Tân Cảng, Công ty Quản lý Quỹ Red Capital và nhận được phản hồi tích cực. Đây cũng là cơ sở để tỉnh nhà đẩy nhanh quá trình phê duyệt quy hoạch và đề xuất Chính phủ xin các ưu đãi đặc biệt cho nhà đầu tư.
Hiện, Chính phủ vẫn tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng và dành nhiều cơ chế đặc thù giúp Đồng bằng sông Cửu Long phát triển; tuy đã phát huy tác dụng nhưng chưa có sự tập trung, chưa có sự đột phá. Đây là thời điểm để tỉnh cùng các doanh nghiệp hợp sức triển khai, đặc biệt sau khi Bộ Chính trị đã ban hành Nghị Quyết 13/NQ-BCT, nhằm tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, thúc đẩy sự đi lên một cách mạnh mẽ hơn của vùng đất trù phú này.
Đây cũng là cơ hội cho An Giang, một tỉnh có diện tích lớn nằm ở hạ nguồn sông Mekong, có những vùng canh tác nông nghiệp trải dài, nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những di tích lịch sử lâu đời, những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, những làng nghề có truyền thống hàng trăm năm và đặc biệt tiếp nối với Campuchia có hạ tầng nối kết GMS đang phát triển (sân bay mới, đường cao tốc)...
Việc mạnh dạn quy hoạch lại Khu Kinh tế cửa khẩu An Giang, Đồng Tháp, tạo nhiều tiện ích và xin cơ chế đặc thù để tạo sức bật, hòa nhập, nối kết hạ tầng vào cộng đồng GMS, vào Đông Nam bộ (qua tuyến Xuyên Á) và các Thành phố lớn là bước đi đột phá giúp An Giang phát triển bền vững.
Có mặt tại buổi báo cáo, đại diện NovaGroup nêu hy vọng “sẽ nhận được sự quyết tâm đồng hành của Đảng bộ, Chính quyền và Hội đồng Nhân dân cùng các Sở, Ban, Ngành trong tỉnh cùng nghiên cứu đề xuất xin những cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư thật mạnh mẽ, đủ sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư và cộng đồng quốc tế”.
Ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh An Giang đánh giá cao đề án của NovaGroup, đồng thời khẳng định, An Giang sẵn sàng đồng hành cùng NovaGroup và các đối tác, cùng biến ý tưởng này thành hiện thực trong tương lai. Đối với các cơ chế chính sách thuộc phạm vi của tỉnh, tỉnh sẵn sàng hỗ trợ, đồng thời sẽ đề xuất lên Chính phủ và Quốc hội về các cơ chế chính sách đặc thù.
Với Đề án quy hoạch và cơ chế ưu đãi đặc thù kinh tế cửa khẩu Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, Novaland và NovaGroup rất mong muốn góp phần phát triển cộng đồng, hợp lực đưa tỉnh An Giang và Đồng bằng Sông Cửu Long bứt phá vươn lên. Tại buổi báo cáo, đại diện NovaGroup cho biết, nếu tham gia đầu tư, nguồn lợi nhuận có được NovaGroup sẽ tập trung phát triển 2 lĩnh vực: Giáo dục và Y tế cho hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp nhằm phát triển an sinh xã hội.