Tình hình biển đông chiều 25/5: 6 tàu Trung Quốc rượt đuổi tàu Kiểm ngư, Quân đội Thái trao quyền cho tổng tư lệnh là thông tin đáng chú ý nhất trong vòng 24h qua.
Tình hình biển đông chiều 25/5: 6 tàu Trung Quốc rượt đuổi tàu Kiểm ngư
Tàu Kiểm ngư 22 bị tàu Trung Quốc đâm húc, xịt vòi rồng làm hư hại cabin, chập điện, 4 kiểm ngư viên bị thương.
6h30 ngày 25/5, trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam 6 tàu Trung Quốc tăng tốc rượt đuổi tàu tàu Kiểm ngư 22 và tàu Kiểm ngư 768 của Việt Nam cách khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép 8 hải lý. Dưới sự chỉ huy của Biên đội trưởng biên đội tàu Kiểm ngư 4 Vũ Đức Tạo, các tàu Kiểm ngư 768, 7, 22 liên tục tăng tốc vòng tránh để không đẩy tình trạng căng thẳng lên cao, nhưng các tàu hải cảnh, hải tuần, ngư chính của Trung Quốc vẫn hung hăng bám đuổi áp sát chặn đầu.
Thậm chí, các tàu hải cảnh, hải tuần số hiệu 37101, 37102, 32101, 44001, 32102 của Trung Quốc còn đồng loạt mở bạt pháo uy hiếp các tàu chấp pháp của Việt Nam. Tài CSB Trung Quốc áp sát tàu CSB Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc còn tăng cường tàu hàng hải Trường Đại di chuyển với tốc độ 11 hải lý/giờ, thị uy, rượt đuổi các tàu chấp pháp của Việt Nam.
Tới 7h, tàu lai dắt đẩy ủi Hữu Liên 9 của Trung Quốc hú còi rượt đuổi đâm húc tàu Kiểm ngư 22 của Việt Nam. Ở cự li gần, tàu Hữu Liên 9 mở vòi rồng áp lực cao phun vào cabin, hệ thống truyền thanh của tàu Kiểm ngư 22.
Sau hơn 30' bị quần thảo, tàu Kiểm ngư 22 bị tàu Hữu Liên 9 làm hư hại hệ thống cabin, chập điện. Nghiêm trọng hơn, 4 kiểm ngư viên trên tàu bị thương, trong đó có cả Hải đội trưởng và thuyền trưởng tàu Kiểm ngư 22.
Hai đối tượng đầu tiên trong vụ gây rối ở Bình Dương lĩnh 48 tháng tù
Sáng 25/5, tòa án tuyên Châu Minh Tường (12 tháng) và Lê Văn Nghiêm (36 tháng) tù vì trộm cắp, gây rối trật tự và làm hỏng tài sản.
Qua phần xét hỏi và lời khai của nhân chứng T. (14 tuổi, người đi cùng) tại tòa, bị cáo Tường thú nhận mình đã chạy xe thẳng vào Công ty Tân Viễn, vào khu văn phòng để lấy tài sản.
Theo lời khai của bị cáo trước tòa: “Bị cáo chở T. theo đoàn công nhân biểu tình để xem chơi thôi. Tuy nhiên khi đến Công ty Tân Viễn xem công nhân tràn vào công ty, đập phá tài sản nên tiện tay lấy nhiều tài sản như máy tính, chuột, màn hình máy vi tính....Bị cáo dự định lấy máy tính để về chơi trò chơi điện tử”.
Sau phần xét hỏi và tranh luận tại tòa, đại diện VKSND đã đề nghị mức án phạt từ 12- đến 15 tháng tù đối với bị cáo Châu Minh Tường về tội “Trộm cắp tài sản”.
Tuy nhiên, luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng, mức hình phạt mà VKS đưa ra là quá nghiêm khắc, vì trước đó bị cáo không có ý định trộm cắp tài sản. Khi thấy nhiều công nhân đập phá nên đã vào lấy máy tính. Bên cạnh đó bị cáo chưa đủ tuổi vị thành niên, khi bị bắt tỏ ra hối hận. Vì vậy, luật sư đề nghị HĐXX xem xét để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Sau giờ nghị án, HĐXX ra quyết định tuyên phạt bị cáo Châu Minh Tường mức án 12 tháng tù giam về tội Trộm cắp tài sản.
Sáng cùng ngày, TAND thị xã Bến Cát (Bình Dương) xét xử lưu động bị cáo Lê Văn Nghiêm về hành vi Gây rối trật tự công cộng và Cố ý làm hư hỏng tài sản. Nghiêm là một trong số hơn 800 đối tượng có liên quan đến việc kích động, gây rối, đập phá tài sản các công ty nước ngoài ở Bình Dương.
Theo cáo trạng, Nghiêm làm công nhân tại Công ty Cổ phần Chấn Việt (ấp An Thành, xã An Tây, thị xã Bến Cát, Bình Dương).
Tối 13/5, Nghiêm về ngang qua Công ty Chấn Việt, thấy nhiều người tụ tập hò hét, phản đối Trung Quốc nên Nghiêm vào xem.
Tại đây có khoảng 200 người trong thái độ rất kích động, hô hào những khẩu hiệu phản đối Trung Quốc. Thấy vậy, Nghiêm chạy vào xưởng của công ty, kêu gọi thêm nhiều người tham gia. Lực lượng dân quân xã An Tây đến giải tán đám đông đã bị Nghiêm la hét, chửi bới.
Một lúc sau ông Nguyễn Văn Tòng - Trưởng Công an xã An Tây (thị xã Bến Cát), cùng 6 công an xã đi ô tô riêng đến làm nhiệm vụ đã bị Nghiêm xông ra chặn đầu. Do Nghiêm tưởng là xe của người Trung Quốc nên lấy đèn pin đập móp đầu ôtô, gây thiệt hại hơn 4 triệu đồng. Nghiêm bị bắt giữ ngay sau đó.
HĐXX đã tuyên phạt bị cáo 36 tháng tù giam về các tội Gây rối trật tự công cộng và Cố ý làm hư hỏng tài sản.
Chiến đấu cơ Trung - Nhật vờn nhau trên biển Hoa Đông
Theo các quan chức Nhật, chiếc SU-27 của Trung Quốc đã bay với khoảng cách rất gần, chỉ cách máy bay trinh sát OP-3C của Nhật 50m và cách máy bay do thám điện tử YS-11EB 30m. Tokyo còn tố chiếc SU-27 này được trang bị tên lửa.
Theo các quan chức Nhật, chiếc SU-27 của Trung Quốc đã bay với khoảng cách rất gần, chỉ cách máy bay trinh sát OP-3C của Nhật 50m và cách máy bay do thám điện tử YS-11EB 30m. Tokyo còn tố chiếc SU-27 này được trang bị tên lửa.
Đây là lần đầu tiên máy bay chiến đấu Trung Quốc áp sát máy bay trinh sát Nhật ở khoảng cách gần như thế. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera nhấn mạnh với báo giới “đây là cuộc chạm trán tầm gần, một hành động quá thể”.
Nhật đã gửi phản đối qua đường ngoại giao. Bắc Kinh chưa đưa ra bình luận trước cáo buộc của Tokyo.
Ba tháng đầu năm nay, Nhật đã cho máy bay chiến đấu ra ngăn máy bay Trung Quốc đến 415 lần khi chúng thâm nhập vào vùng trời gần quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư đang tranh chấp giữa hai nước.
Bắc Kinh cũng liên tục gây hấn với các nước láng giềng nhằm xác lập “chủ quyền” trên những vùng biển tranh chấp trên biển Hoa Đông và biển Đông. Ngày 1/5, Trung Quốc còn đưa cả giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khiến cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ.
Quân đội Thái trao quyền cho tổng tư lệnh
“Thượng viện bị giải tán. Trách nhiệm với bất kỳ luật nào cần được quốc hội hay thượng viện phê chuẩn sẽ do lãnh đạo chính quyền quân sự nắm giữ”, AFP dẫn một bản tin của quân đội trên đài truyền hình quốc gia Thái Lan.
Các nhà phân tích cho rằng động thái này của quân đội Thái Lan là một dấu hiệu đáng lo ngại, cho thấy tướng Prayuth Chan-ocha có thể nắm quyền rộng khắp và lâu dài.
Trong khi đó, những cuộc biểu tình ở Bangkok vẫn tiếp tục với hàng trăm người bất chấp lệnh cấm tụ tập để phản đối việc quân đội đảo chính. Khoảng 200 người khác cũng tụ tập tại Chiang Mai.
Quân đội Thái Lan cho biết sẽ giam giữ các lãnh đạo vừa bị lật đổ một tuần. Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra có tên trong danh sách này.
Quan chức quân đội nói bà Yingluck đang được giam giữ tại một doanh trại quân đội không rõ địa điểm ở Bangkok. Một sĩ quan khác cho hay bà Yingluck đang ở một nơi an toàn.
Một nguồn tin khác từ đảng Pheu Thái của bà Yingluck nói bà không được tự do hoàn toàn vì có lính canh gác. Một số cựu bộ trưởng đang bị giữ ở các đơn vị quân đội tại Saraburi, theo Reuters.