Thanh Hóa là địa phương có tới 11 huyện miền núi, do nhiều yếu tố mà hiện nay vẫn còn hàng nghìn hộ dân đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá cần sớm được di chuyển tới nơi ở mới. Trong khi chờ các cơ quan chức năng bố trí, xây dựng khu tái định cư, người dân nơm nớp lo sợ trước nguy cơ sạt lở đất, đá.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, thực hiện đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi giai đoạn 2021 - 2025, đến nay, tỉnh đã thực hiện tái định cư xen ghép và tái định cư liền kề được 282 hộ.
Thế nhưng vẫn còn 2.564 hộ đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất mà chưa được bố trí được nơi tái định cư mới, chủ yếu tại 11 huyện miền núi. Các hộ dân này không có đủ kinh phí để di chuyển đến nơi ở mới, họ mong chính quyền sớm có phương án di dời đến nơi tái định cư mới để ổn định cuộc sống.
Người dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất cao đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, họ đã sống nhiều năm tại khu vực này. Do điều kiện tài chính eo hẹp và cũng không có quỹ đất phù hợp, nên người dân đang phải đánh cược tính mạng của mình, nhất là mỗi mùa mưa lũ đến.
Trước tình hình thời tiết ngày càng cực đoan, khó lường, mưa lũ diễn ra thường xuyên những năm qua trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa gây thiệt hại nặng về người, tài sản. Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã thống kê, triển khai thực hiện đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực nguy cơ cao.
Trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa, đã triển khai thực hiện tái định cư xen ghép, tái định cư liền kề được 282 hộ, xây dựng được 4 dự án tái định cư tập trung để sắp xếp cho 151 hộ dân tái định cư theo hình thức khẩn cấp.
Cùng với đó, đã có 17 khu tái định cư tại các huyện miền núi được phê duyệt chủ trương đầu tư và đang thực hiện quy trình tiếp theo để thực hiện ổn định đời sống cho 556 hộ dân; và 18 khu tái định cư đang được rà soát lại số hộ, địa điểm tái định cư cho phù hợp.
Thế nhưng nhiều địa phương không tìm được quỹ đất phù hợp để xây dựng khu tái định cư. Một số nơi đã xây dựng khu tái định cư, người dân tới ở nhưng lại rơi vào tình trạng có nguy cơ sạt lở cao. Vậy là người dân chưa kịp an cư đã phải tính chuyện di chuyển đi nơi khác.
Đơn cử như huyện Quan Hóa đang có nhiều hộ dân có nguy cơ ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Địa phương này đã nỗ lực để đưa người dân vào các khu tái định cư xen ghép và tập trung, nhưng thiếu kinh phí nên thực hiện còn chậm. Những hộ dân buộc phải di dời thì đa số không có đủ kinh phí để di chuyển đến nơi ở mới và luôn sống trong tâm trạng bất an khi mùa mưa bão về.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, để sớm bố trí nơi ở mới an toàn cho người dân cần sự vào cuộc quyết liệt của nhiều cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương. Khó khăn của đề án không chỉ là nguồn vốn eo hẹp mà còn khó tìm được mặt bằng thuận lợi, thủ tục pháp lý triển khai khu tái định cư kéo dài. Đa phần trên miền núi sẽ đụng chạm vào đất rừng, quá trình chuyển đổi phức tạp.
Bên cạnh đó, do tập tục, thói quen của người dân ngại vào khu tái định cư tập trung. Một phần bởi xa khu vực sản xuất, diện tích đất cấp có hạn không phù hợp với sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Chưa kể, các tiện ích, cây xanh, không gian sinh hoạt chung của các khu tái định cư còn thiếu khiến người dân không mặn mà.
Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng không thể không làm vì sự an toàn của người dân. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần rốt ráo vào cuộc để người dân sớm di dời khỏi nguy cơ sạt lở cao, tạo sinh kế phù hợp để họ ổn định cuộc sống, góp phần bảo vệ an ninh vùng biên cương.