Dịch sốt xuất huyết đang vào mùa cao điểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đe dọa tới sức khỏe của nhân dân. Tại Ninh Bình, tới đầu tháng 7/2002, dịch sốt xuất huyết đã xuất hiện tại 8/8 huyện, thành phố với hàng chục người phải nhập viện.
Theo các chuyên gia, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, đặc biệt là vào các tháng 7, 8, 9, 10. Bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện khá đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Cho đến nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Bệnh thường gây dịch lớn với nhiều người mắc cùng một lúc khiến công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong, đặc biệt là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Khi có các dấu hiệu của bệnh thì người dân cần vào viện để khám, điều trị. Giai đoạn đầu thì điều trị dễ dàng nhưng để chuyển nặng thì có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Thống kê của Trung tâm dịch bệnh tỉnh Ninh Bình hiện đang có 3 ổ dịch sốt xuất huyết. Trong đó, huyện Yên Mô có 2 ổ dịch gồm tại xã Yên Hưng và xã Yên Mạc, còn lại 1 ổ dịch tại xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư). Các ca bệnh có lịch sử di chuyển về từ phía Nam. Trong đó 1 số ca đã phải chuyển lên tuyến trung ương.
Trước nguy cơ dịch lan nhanh, trên diện rộng, cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình đang tích cự phối hợp với chính quyền địa phương để huy động đông đảo người dân cùng vào cuộc.
Tuyên truyền rộng rãi cho người dân biết các triệu trứng để phòng, chống sốt xuất huyết chủ động phòng, chống và điều trị, không để diễn biến nặng, nguy hiểm. Nhà cửa luôn thoáng mát, sạch sẽ ngăn nắp. Không để các dụng cụ chứa nước hoặc nếu có phải đậy nắp và thường xuyên thay rửa, loại bỏ các ổ nước đọng. Ngủ màn, không để trẻ chơi ở chỗ tối, thoa kem chống muỗi.
Ngoài những hướng dẫn trên, bạn hãy lưu ý luôn theo dõi sát thân nhiệt, báo ngay cho bác sĩ nếu nhận thấy dấu hiệu sốt lên, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
Cùng với đó, triển khai tập huấn cho cán bộ y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh về công tác giám sát và xử lý ổ dịch sốt xuất huyết. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, hóa chất, trang thiết bị, sẵn sàng hỗ trợ các huyện, thành phố xử lý dịch khi có yêu cầu.