Phóng sự - Ghi chép

Niềm tin từ những nụ cười dân bản

Đan Hà 14/02/2024 08:30

Cứ mỗi dịp năm mới, tôi lại kiếm lý do để đi biên giới, lên thăm bộ đội biên phòng và thăm bà con nơi tuyến đầu của Tổ quốc. Năm nay, điểm đến của tôi là tuyến biên giới giáp ranh Đắk Lắk và tỉnh Mondulkini (Vương quốc Campuchia), vùng đất xa nhất và cũng khó khăn nhất của tỉnh Đắk Lắk.

Chiếc xe bán tải địa hình đưa tôi và Lân, phóng viên Truyền hình Biên phòng rời xa thành phố, vào sâu trong buôn làng để đến với Đồn Biên phòng la Rve thuộc huyện Ea Sup. Con đường biên giới đầy những ổ voi, ổ trâu, vẫn còn những vũng nước lầy do cơn mưa từ hôm nào đọng lại.

niem-tin-tu-nhung-nu-cuoi-dan-ban-2-.jpg
Bộ đội biên phòng giúp dân làm nhà.

Cái xe vốn cao đến nỗi ngồi trên buồng lái tôi cứ có cảm giác như mình lênh khênh, ấy thế mà có lúc gầm xe cũng cạ sàn sạt xuống những mấp mô mặt đường. Cái xe như con chiến mã, lúc nghiêng bên này, lúc ngả bên kia, có lúc lại gầm gào rít lên từng hồi để có thể vượt qua vũng lầy trũng sâu nhầy nhụa.

Hai bên đường, từng tán rừng khộp cháy nham nhở loang loáng vượt qua. Lân giải thích với tôi, giờ đang mùa đốt thực bì, là một cách đốt rừng có kiểm soát.

Cứ đầu mùa khô, khi lớp lá khô mới chỉ phủ một lớp mỏng, kiểm lâm, bộ đội sẽ chủ động đốt đi lớp lá đó, vừa làm mùn bồi thêm màu mỡ cho đất, vừa đủ tầm để không gây hại đến những cây non mới một vài năm tuổi.

Không đốt thực bì, lớp lá khô dày lên, đến cuối mùa khô, lỡ xảy ra cháy là dễ cháy hết đến cả cây cả cành. Hóa ra, đốt rừng đúng cách cũng là một cách bảo vệ rừng.

Rong ruổi gần 3 tiếng trên đường thì chúng tôi cũng tới được Phòng khám quân dân y của Đồn Biên phòng Ia Rve, một cái phòng nho nhỏ đơn sơ với vài giường bệnh, một tủ thuốc bé xinh. Người thầy thuốc chủ trì phòng khám này, Thiếu tá Hoàng Ngọc Linh còn đang bận rộn với 3 bệnh nhân đang châm cứu chạy tia, hơn một chục bệnh nhân khác đang chờ.

Câu chuyện về Linh chắp vá bởi lời kể của những bệnh nhân mà Linh đang cứu chữa, người thì đau nhức xương khớp, người thì đau đầu, người thoát vị đĩa đệm và ấn tượng nhất là những bệnh nhân đến điều trị di chứng tai biến, lần 1 có, lần 2 có, nhẹ có, nặng đến đã liệt rồi cũng có.

Và điều đặc biệt là, bệnh nhân nào đến với Linh cũng đều cải thiện sức khỏe. Nặng như ca di chứng sau tai biến lần 2 dẫn dến liệt, chỉ sau 2 lần Linh dùng phương pháp trường châm (châm cứu bằng kim dài 30cm) thì đã chống gậy tự nhúc nhắc đi lại được.

Người dân ở đây, không chỉ Ia Rve mà còn các làng xã khác xung quanh, thậm chí ở huyện khác, tỉnh khác cũng đều tin tưởng vào bàn tay “vàng” của Linh trong việc chữa bệnh.

Làng thì xa bệnh viện, đường xá lại khó đi, họ không thể tưởng tượng nếu không có Linh, không có cái Phòng khám quân dân y này thì người dân ở đây khi đau bệnh biết bám víu vào đâu.

Dân họ yêu quý và coi trọng Linh đến mức, họ còn làm cả kiến nghị gửi đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND để đề nghị can thiệp với lãnh đạo biên phòng không được điều chuyển Linh đi nơi khác. Còn Linh thì bảo, anh chỉ ước tủ thuốc của phòng khám đầy đủ cơ số thuốc hơn thì những bệnh nhân của anh Tết này chắc sẽ khỏe mạnh, an vui.

Đồn Biên phòng Ia Rve cùng với Đồn Biên phòng Ea Hleo bảo vệ 13,2km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Monđukini (Campuchia) thuộc hai xã Ia Rve và Ia Lop, huyện Ea Sup.

Là hai xã được thành lập và đi vào hoạt động theo chủ trương dự án di dân phát triển kinh tế mới của Binh đoàn 16 - Bộ Quốc phòng với mục tiêu “Phát triển kinh tế bền vững, cải thiện môi trường sinh thái, kết hợp kinh tế với an ninh, quốc phòng, trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”, Ia Rve và Ia Lop có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Do địa bàn trải rộng, các cụm dân cư cách xa nhau, có cụm nằm sát biên giới đến mức dân bên này có thể nghe vang vọng tiếng gà gáy bên kia, nên thế trận an ninh nhân dân là điều mà bộ đội biên phòng ở đây luôn đặt lên hàng đầu.

Bất cứ khi nào dân cần là bộ đội có mặt, việc gì dân gặp khó khăn là bộ đội cũng đều chung tay gỡ khó. Do đặc điểm thổ nhưỡng và thời tiết không thuận lợi nên kinh tế người dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo rất cao dẫn đến nhiều gia đình gian nan trong việc cho con đến trường.

Thấu hiểu những khó khăn của người dân, chương trình “Cán bộ chiến sĩ nâng bước em đến trường” đã được cán bộ chiến sĩ hai đồn nỗ lực thực hiện với 120 cháu thuộc xã Ia Rvê và 40 cháu thuộc xã Ia Lop được các chiến sĩ biên phòng đỡ đầu, hỗ trợ tiền ăn, học hàng tháng trong năm học này.

Trước đó, chương trình “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn biên phòng” cũng đã giúp nhiều em học sinh trên địa bàn có thêm điều kiện để đến trường. Thấu hiểu tình cảm của các chú bộ đội, đa phần các em đều nỗ lực và đạt kết quả tốt trong học tập.

Những ngày cuối năm, cái nắng mùa khô biên giới như càng gay gắt hơn, thì cũng là lúc bộ đội tất bật hơn trong việc lao động giúp dân. Người dân ở đây, đa phần đều chịu thương chịu khó làm vườn làm rẫy nhưng kinh tế cũng chẳng khấm khá được là bao.

Phần thì do thổ nhưỡng đất đai bạc màu, cây trồng gần như không cho năng suất tốt, phần thời tiết khí hậu không thuận lợi, nên thu nhập không cao. Nhiều gia đình, một căn nhà khang trang sạch sẽ luôn chỉ nằm trong giấc mơ.

Vì vậy, bộ đội biên phòng kết hợp với các chương trình “Mái ấm biên cương”, “Nhà đại đoàn kết”, “Nhà tình thương” đã chung tay xây dựng nên nhiều căn nhà mơ ước cho người dân nơi đây.

Khi chúng tôi xuống, cũng là lúc 3 căn nhà mới xây của các chương trình hỗ trợ nhà cho người dân nghèo, gia đình chính sách… đang được bộ đội giúp dân hoàn thiện.

Hình ảnh những người lính quân hàm xanh tay xẻng tay bay trộn vữa làm hồ, xây tường, quét sơn trong những căn nhà còn đang dần thành hình, sao mà đẹp đến thế. Cái nắng chiều biên giới như cũng chợt dịu đi.

Chỉ có thoát nghèo, cuộc sống ấm no thì người dân mới thật sự gắn bó keo sơn với mảnh đất này, mới yêu thương và bảo vệ nó, cũng chính là góp phần bảo vệ dải đất biên cương thiêng liêng của Tổ quốc. Mệnh đề đó luôn canh cánh trong lòng những người lính nơi đây. Càng gần dân, các anh càng thấu hiểu, người dân cũng khát khao làm giàu lắm đấy chứ.

Nhưng làm gì để vượt khó ở cái mảnh đất khắc nghiệt này lại là một bài toán khó. Trồng trọt thì đã thử biết bao thứ cây rồi vẫn chẳng khá nổi, đất gì mà lạ kỳ, trồng cây gì dù chăm bón đến mấy cũng chỉ được vài vụ là héo úa lụi tàn. Muốn chăn nuôi thì phải có vốn. Vốn ở đâu ra?

Chẳng biết gặp dân, thủ thỉ tâm sự thế nào mà Thiếu tá Từ Văn Sương, đội công tác quần chúng Đồn Biên phòng Ea Hleo về nhà thuyết phục vợ xin cấp vốn cho mình để hùn với người dân nuôi bò.

Hai hộ dân xã Ia Lop đã được vợ Thiếu tá Sương đồng ý hùn vốn với số vốn hơn 200 triệu đồng. Mô hình hùn vốn kể cũng lạ, “Bò thì chú Sương mua giao cho gia đình tôi chăn thả chăm nom, kỹ thuật chăn nuôi chú Sương lo, hễ bò trái gió trở trời chúng tôi gọi chú Sương mua thuốc chạy vào chữa cho bò.

Bận công tác thì thôi, chứ rảnh lúc nào là chú Sương cũng đảo qua thăm nom đàn bò cùng chúng tôi. Thời hạn sau 5 năm chú Sương sẽ rút vốn, dành để quay vòng cho gia đình khác”- Bà Sáu Triều, người được Thiếu tá Sương giúp vốn chăn nuôi bò kể.

Bà Sáu Triều cũng hồ hởi khoe với chúng tôi mới bán được 4 con bò đực, đàn bò còn 19 con, những con bò cái trong đàn đều đang mang bầu, qua Tết sẽ cho đàn bê mới.

Dù năm nay giá bò không cao nhưng số tiền thu được từ việc bán bò cũng đủ giúp gia đình bà sửa sang lại ngôi nhà mới, Tết này gia đình bà đã có mái nhà khang trang đón xuân mới trên quê hương thứ hai này.

Mắt người phụ nữ tuổi ngoài 60 ánh lên niềm vui rạng rỡ. Bà chỉ tay vào từng con bò khoe, đây là con Nâu, đấy là con Tai to, kia là con Sừng dài, còn có cả con Chương trình, vì con bò đó được mua từ chương trình cấp bò giống cho người nghèo biên giới chăn nuôi. Tiếng gọi bò sao nghe cũng dịu dàng thân thương đến lạ.

Xuân về, những chồi non từ rừng khộp sẽ lại lên xanh. Những nụ cười vùng biên lại thêm rạng rỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Niềm tin từ những nụ cười dân bản