Một nửa thế kỷ sau chiến tranh, nhiều vùng đất được mệnh danh là “vùng đất chết” ở Quảng Trị và Huế năm xưa đang hồi sinh mãnh liệt. Sự sống đã nảy mầm trên những hố bom, no ấm dần phủ xanh khắp các thôn làng.
Tái thiết từ hoang tàn, đổ nát
Trong kháng chiến chống Mỹ, Gio Linh là vùng đất “tiền đồn của Tổ quốc nơi đầu cầu giới tuyến”, “tọa độ lửa và là vùng đất chết”. 50 năm sau, Gio Linh đã hồi sinh, chuyển mình vươn lên mạnh mẽ, lớp lớp màu xanh mọc lên khắp mặt đất như một thế hệ trẻ đang đứng dậy.
Cách đây hơn 5 thập kỷ, quân và dân ta đã đồng loạt thực hiện cuộc “Tổng tấn công và nổi dậy” quét sạch đồn bốt Mỹ, ngụy ở mặt trận phía bắc Quảng Trị, giải phóng huyện Gio Linh và Cam Lộ vào ngày 2/4/1972, làm bệ phóng vững chắc cho chiến dịch giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị ngày 2/5/1972.
Hoang tàn, đổ nát, vành đai trắng… đó là những từ thường dùng để miêu tả khi Gio Linh bước ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc. Bức tranh Gio Linh sau ngày giải phóng đã được nhà thơ Tố Hữu khái quát trong bài thơ Nước non ngàn dặm: “Anh về Quảng Trị… Gio Linh/Trèo lên Dốc Miếu, lặng nhìn Quán Ngang/Bời bời cỏ lút đồng hoang/Chim kêu cành cụt, chang chang nắng cồn/Tả tơi mấy ấp khu dồn/Mái tôn, rào kẽm, tháp đồn chơ vơ”…
Ngày 2/4/1972, quê hương Gio Linh sạch bóng quân thù. Sau bao nhiêu năm sơ tán bởi chiến tranh, người dân Gio Linh từ các trại tập trung, từ khắp nơi trở về với gia tài chỉ gói trọn trong một đôi triêng gióng.
Trong lúc quân và dân huyện nhà đang sống những ngày sôi động, phấn chấn trong không khí chiến thắng, Huyện ủy Gio Linh đã nhanh chóng đưa ra chủ trương đẩy mạnh rà phá bom mìn, san lấp hố bom, hố pháo, khai hoang phục hóa đất đai và thành lập hợp tác xã, tập đoàn sản xuất…
Để chuẩn bị cho vụ đông xuân 1973 - 1974, UBND Cách mạng tỉnh Quảng Trị phát động chiến dịch khai hoang phục hóa ở cánh đồng bắc Dốc Miếu. Đích thân Chủ tịch UBND Cách mạng tỉnh Lê San trực tiếp chỉ đạo và cắt nhát cỏ đầu tiên mở màn cho chiến dịch vào ngày 2/9/1973.
Ông Nguyễn Thế Hiếu, 85 tuổi ở thị trấn Cửa Việt (Gio Linh) – một “nhân chứng sống” của “mùa hè đỏ lửa năm 1972”, nhớ lại: “Lúc đó, gian khổ, khó khăn không thể kể hết. Hầu như ngày nào cũng có người dẫm phải dây thép gai hay mảnh bom sót lại, tay, chân tứa máu. Để có chỗ ở tạm, chúng tôi phải cắt tranh làm lán trại, cứ ngày làm, đêm nghỉ. Thành quả lao động suốt gần ba tháng trời như thế là hàng chục héc ta cánh đồng bắc Dốc Miếu được khai hoang để phục vụ sản xuất”.
Máu đã đổ trong chiến tranh, và khi hòa bình, mồ hôi và cả máu lại tiếp tục đổ xuống trên mảnh đất này trong công cuộc khai hoang phục hóa bởi bom đạn còn sót lại. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ V, các phong trào thi đua lao động, sản xuất với khẩu hiệu “Biến đồng hoang thành ruộng lúa, đồi đỏ thành nương tiêu, biển khơi nhiều cá muối” được nhân dân đồng lòng hưởng ứng tích cực.
Để mở rộng diện tích cũng như tạo thuận lợi cho sản xuất, tháng 1/1976, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ra nghị quyết về kiến thiết đồng ruộng và quy tập mồ mả. Phong trào được phát động mạnh mẽ ở xã Trung Hải, xã được chọn làm điểm của huyện. Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Sỹ Thản đã bổ nhát cuốc đầu tiên mở màn chiến dịch.
Chỉ trong một tháng, trên địa bàn toàn huyện, mà điển hình là các xã Trung Hải, Trung Sơn, Gio Mỹ, Gio Hà (nay là các xã Gio Quang, Gio Mai) đã huy động hàng vạn ngày công san lấp hố bom, hố pháo, di dời, quy tập hàng ngàn ngôi mộ, cải tạo, kiến thiết, mở rộng hàng trăm héc ta đồng ruộng. Trong đó, Trung Hải là xã có cánh đồng lúa lớn nhất huyện. Trong năm 1977, toàn huyện đã khai hoang được 4.000 ha, trong đó có 300 ha ruộng để đưa vào sản xuất.
Cùng với đó, các công trình thủy lợi lớn, quan trọng như Hà Thượng, Kinh Môn, Trúc Kinh được đầu tư xây dựng đã giải quyết việc tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, là “đòn bẫy” để chuyển sản xuất lúa từ một vụ thành hai vụ/năm, tăng năng suất mỗi vụ. Đồng thời, các công trình thủy lợi còn có vai trò điều hòa khí hậu vùng đất gió Lào cát trắng vốn khắc nghiệt bao đời.
Và rồi đất không phụ công người, sau 50 năm tái thiết, Gio Linh đã hồi sinh mãnh liệt. Giờ đi qua những vùng đất hoang tàn, xác xơ của Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang … năm xưa đều thấy một màu xanh trù phú. Trên những hố pháo, hố bom ngày ấy, lúa đã nặng trĩu hạt, quả ngọt đã trĩu cành. Trên tuyến hàng rào điện tử và đồn bốt của địch giờ là bạt ngàn cao su, hồ tiêu tỏa bóng. Trên những trại tập trung năm xưa, những nhà máy, xí nghiệp đã mọc lên.
Mảnh đất trung dũng, kiên cường đi đầu trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm ở phía Nam đôi bờ Hiền Lương năm xưa, giờ đã và đang vững bước trên hành trình đi tới ấm no và thịnh vượng.
Sự sống mọc lên từ những hố bom
A Lưới là một huyện vùng cao, biên giới ở phía Tây của thành phố Huế (trước kia là tỉnh Thừa Thiên - Huế), với 17 xã và 1 thị trấn, là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em như Kơ Tu, Pa Cô, Tà Ôi, Kinh... Đây là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của chất độc màu da cam/dioxin. Trong chiến dịch “Ranch Hand”, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã phun rải hơn 400 nghìn lít thuốc diệt cỏ, trong có chứa dioxin xuống mảnh đất này.
Một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là xã Đông Sơn. Bởi đây là khu vực gần sân bay A So - nơi được quân đội Mỹ dùng làm sân bay dã chiến, tàng trữ, nạp chất diệt cỏ lên máy bay để đi phun rải và tẩy rửa máy bay sau khi phun.
Chất độc dioxin đã thấm sâu vào đất, làm nhiễm độc nguồn nước, biến nơi đây thành một “vùng đất chết”. Không chỉ làm chết người, nó còn để lại hậu quả cho nhiều đời sau, khiến những đứa trẻ ra đời mang trên mình vô số di chứng. Nó còn giết chết cây rừng, biến những cánh rừng bạt ngàn thành đất trống đồi trọc, khiến cho nhiều loài động vật quý, hiếm, có giá trị kinh tế chết dần.
Khó khăn là thế, người ta cứ tưởng người dân nơi đây sẽ gục ngã, tìm cách rời bỏ và đi tìm vùng đất mới. Nhưng không, họ vẫn yêu quý, gắn bó vùng đất này với quyết tâm vượt lên tất cả.
Thời gian đầu, do thiếu hiểu biết về tác hại của chất độc dioxin, bà con vẫn trồng các loại cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm ở khu vực sân bay A So thế nhưng không cây gì, con gì sống được. Thất bại hết lần này đến lần khác nhưng họ vẫn không dừng lại. Khu vực này không được, họ trồng trọt, chăn nuôi ở khu vực khác. Loại cây này không phát triển được, họ chuyển sang trồng loại cây khác. Nuôi gà, vịt, cá không sử dụng được, họ chuyển sang nuôi bò, dê, trâu... Cứ thế, họ dần dần phát hiện ra khu vực đất, loại cây, gia súc, gia cầm phù hợp, phát triển tốt và cho năng suất cao.
Thấu hiểu những khó khăn của bà con xã Đông Sơn, những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và huyện A Lưới đã quan tâm thực hiện nhiều biện pháp giúp đỡ bà con khắc phục khó khăn, gian khổ, vượt qua bệnh tật, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Từ năm 2001, các cấp, các ngành, địa phương đã khảo sát, di dời các hộ dân ra xa khu vực sân bay A So và tiến hành lắp đặt hệ thống nước sạch. Đồng thời cho trồng hàng ngàn cây bồ kết bao quanh khu vực sân bay A So, tạo thành một hàng rào xanh để hạn chế tác hại của dioxin, ngăn người dân và vật nuôi vào khu vực nguy hiểm.
Ngoài ra, chính quyền địa phương còn ra sức tuyên truyền cho bà con hiểu thấu tác hại, cảnh báo và đề nghị bà con tránh xa, không trồng trọt, chăn nuôi ở khu vực nhiễm độc.
Nhà nước cũng thực hiện chính sách xóa nhà tạm, thực hiện chương trình 135 với mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, cải thiện đời sống, tăng thu nhập, tạo điều kiện cho bà con nơi đây tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục; trợ cấp hàng tháng đối với các hộ dân có người nhiễm chất độc màu da cam.
Từ trung ương đến huyện, tỉnh đều tập trung hỗ trợ giải quyết một số nhu cầu bức thiết về kết cấu hạ tầng cho Đông Sơn như xây dựng trường học, trạm y tế, đường xá và các khu sản xuất nông nghiệp. Đến nay, tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp cấp mầm non đạt 100%, cấp tiểu học đạt 100%. Trong đó có nhiều trường đạt chuẩn quốc gia. Các tuyến đường liên thôn, liên xã cũng dần được nhựa và bê tông hóa...
Khi cơ sở hạ tầng được đầu tư, đời sống của người dân Đông Sơn bắt đầu khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, số hộ khá giả tăng lên. Nhiều người dân còn biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, trong đó chủ yếu đầu tư vào các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế như bưởi, cam, thanh trà ổi... để làm giàu ngay trên chính những hố bom.
Ngày 7/2/2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia địa điểm chứng tích hóa học sân bay A So. Năm 2016, Nhà trưng bày chứng tích chiến tranh chất độc hóa học tại sân bay A So cũng chính thức mở cửa đón khách thăm quan.
Theo thời gian, giấc mơ hồi sinh “vùng đất chết” A So nói riêng và huyện A Lưới nói chung đang dần thành hiện thực. Sự sống đã nảy mầm từ trên những hố bom.
Đặc biệt, năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định công nhận huyện A Lưới thoát nghèo. Đây là ghi nhận, niềm động viên, khích lệ rất lớn đối với chính quyền và nhân dân huyện biên giới của thành phố Huế. Và đó, cũng là động lực để vùng đất từng được mệnh danh là "vùng đất lửa" năm xưa ngày càng phát triển.