Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh nội dung trên tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị.
Ngày 12/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình.
Theo thống kê, tại Việt Nam, bạo lực gia đình đã làm tổn hại tinh thần, ảnh hưởng tới kinh tế và năng suất lao động, ước tính gây thiệt hại khoảng 1,77% GDP mỗi năm. Các nghiên cứu về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam cũng cho thấy có tới 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ đã từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực gia đình. Đặc biệt, con số thống kê cũng cho thấy gần 80% số vụ ly hôn hằng năm có nguyên nhân từ bạo lực gia đình...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng phòng, chống bạo lực gia đình là một nhiệm vụ quan trọng, nằm trong tổng thể xây dựng đời sống văn hoá, con người, là hành động cần thiết để bảo vệ quyền con người, đặc biệt bảo vệ quyền trẻ em, bình đẳng giới.
Việc lần đầu tiên Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2008) là một nỗ lực rất lớn để luật hoá, điều chỉnh các hành vi vốn được coi là chuyện bình thường, riêng tư trong mỗi gia đình.
Quá trình thực hiện Luật đã góp phần thay đổi nhận thức, nhân rộng các điển hình tốt trong tất cả các khâu phòng ngừa, hỗ trợ, xử lý, can thiệp vào các hành vi, vụ việc bạo lực gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, cần tập trung đánh giá những việc chưa làm được, chỉ ra những khâu còn yếu kém, phân tích sâu từng điều khoản để kiến nghị sửa đổi bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình mới.
Phó Thủ tướng cũng đặt vấn đề trong thời gian chờ sửa luật, thì làm sao thực hiện tốt hơn các quy định pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay. Bởi công tác thống kê số vụ việc bạo lực gia đình của ngành Toà án đã khác với ngành văn hóa, thể thao và du lịch, rồi số liệu từ hội phụ nữ, các đoàn thể cũng có khác biệt.
“Không đánh giá được thực trạng làm sao có giải pháp đúng? Cái này chúng ta phải chấn chỉnh. Cùng với đó, phải tuyên truyền rất cụ thể những hành vi bị xử lý theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Chưa kể những khảo sát của các tổ chức quốc tế còn tính đến hàng chục phần trăm gia đình có bạo lực ở mức độ khác nhau chứ không chỉ là những vụ việc phải đưa ra xét xử, hoà giải”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Ngoài ra, Luật đã quy định rất cụ thể trách nhiệm cùng như công tác phối hợp giữa nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể xã hội nhưng thực tế vấn đề chưa được nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc, không có sự phối hợp để triển khai những nhiệm vụ, chương tình mang tính dài hạn.
“Tinh thần là phải lấy tổ chức xã hội, đoàn thể chính trị làm nòng cốt để huy động các tổ chức, bạo lực gia đình đã đến mức can thiệp thì phải xử lý nghiêm.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì phiên họp Hội đồng quốc gia nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững
* Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh đã chủ trì cuộc họp của Hội đồng.
Đại diện các bộ ngành, hiệp hội đã nghe, thảo luận nội dung dự thảo Nghị quyết 19 năm 2019, trong đó tập trung vào các giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu đề ra.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý thay đổi căn bản trong dự thảo Nghị quyết 19 năm 2019 là sẽ không liệt kê chi tiết các nhiệm vụ của từng bộ ngành mà tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ cơ bản.
Trước hết là tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hoá các quy định về điều kiện kinh doanh, thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách đã thực hiện trong năm 2018; thực hiện cải cách toàn diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia.
Đồng thời đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
“Trong tổ chức thực hiện, các bộ ngành phải hướng dẫn cụ thể xuống sở ngành ở địa phương để triển khai vì vẫn có cách hiểu việc cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh chủ yếu do Sở KH&ĐT thực hiện. Các bộ ngành phải chủ động đề xuất các ‘điểm nhấn’ trong nhóm nhiệm vụ, công việc, lĩnh vực thuộc bộ ngành mình”, Phó Thủ tướng nói.
Một trong những nhiệm vụ mới trong dự thảo Nghị quyết 19 năm 2019 được nhiều đại biểu tán thành là cần đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
“Đây là nhiệm vụ mới, phải tập trung làm cho bằng được, chứ không chỉ đặt ra chung chung”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Hội đồng cần tiếp tục phát huy vai trò của cơ quan tham mưu, xây dựng dự thảo Nghị quyết 19 hằng năm để Chính phủ ban hành, chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện.
Các thành viên Hội đồng đã nghe, thảo luận về nội dung dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững; hoạt động chính của Hội đồng trong năm 2018 và một số uỷ ban chuyên môn trực thuộc, xây dựng cơ chế thông tin giữa các bộ ngành thành viên để theo dõi tiến độ, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ được giao.