Kỳ thi THPT Quốc gia 2015 sắp kết thúc và sau mỗi kỳ thi lại có các con số thống kê được đưa ra. Và tại kỳ thi năm nay cũng có khá nhiều trường hợp thí sinh "đặc biệt".
Thí sinh "tí hon" trong kỳ thi THPT Quốc gia
Thí sinh Nguyễn Văn Ngân được sinh viên tình nguyện hỗ trợ trong suốt kỳ thi THPT Quốc gia. Ảnh: VNE
Nguyễn Văn Ngân (trú thôn Triều Thủy, xã Phú An, Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) được xem là thí sinh "tí hon" trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, khi em chỉ cao 95cm và nặng 36kg.
Căn nguyên của sự nhỏ bé trên là do Ngân bị phơi nhiễm chất độc da cam bẩm sinh, vậy nên 18 tuổi mà nhìn Ngân chẳng khác một cậu bé mới 5-6 tuổi là mấy. Ngân là thí sinh của Hội đồng thi trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế).
Ngân cho biết, năm nay em dự định đăng ký xét tuyển vào ngành Công nghệ thông tin của trường ĐH Khoa học (ĐH Huế), nên các môn học thuộc khối A, A1 em ôn rất kỹ.
Ngân chia sẻ rằng, niềm đam mê em dành cho máy tính có từ những năm học cấp 2, khi em bắt đầu được học môn tin học và tiếp xúc với chiếc máy tính để bàn của nhà trường. Cũng như trong suốt 12 năm học qua, kỳ thi này bố Ngân là ông Nguyễn Ngọc (65 tuổi) chính là người đồng hành cùng Ngân trên những chặng đường.
Trên 50 tuổi vẫn đi thi tốt nghiệp THPT
Cũng tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, ở cụm thi số 33 Trường THPT Nam Đông (huyện miền núi Nam Đông), xuất hiện nhiều thí sinh trên 50 tuổi vẫn đi thi tốt nghiệp.
Đó là thí sinh Phạm Văn Ngôn, Chủ tịch HĐND xã Thượng Nhật (SN 1959), thí sinh Nguyễn Hồng Hương (SN 1959), thí sinh Lê Văn Họt, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Nhật, thí sinh Nguyễn Văn Thân, Huỳnh Minh Chòn, Trần Đình Khởi (cùng sinh năm 1960)…
Tất cả các thí sinh trên 50 tuổi này đều là người dân tộc Cơ Tu, học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Nam Đông.
Cũng tại một điểm thi có nhiều thí sinh lớn tuổi người vùng cao là trường THPT huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Có tất cả 71 thí sinh lớn tuổi thuộc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện này thi ở đây, trong đó người cao tuổi nhất là 55 và ít nhất là 30 tuổi.
Những ông bố quyết lấy bằng tốt nghiệp THPT
Nhiều ông bố quyết tâm lấy tấm bằng tốt nghiệp THPT sau nhiều năm trượt vỏ chuối
Dù đã thi rất nhiều lần THPT nhưng chưa đỗ, trong khi đó đã có vợ con, điều kiện kinh tế lại eo hẹp nhưng nhiều ông bố ở tỉnh Kon Tum vẫn băng rừng, vượt núi đi thi với quyết tâm thi khi nào đỗ thì mới thôi.
Trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, tại các cụm thi ở tỉnh Kom Tum người ta thấy nhiều thí sinh lớn tuổi đi thi, một trong số đó là trường hợp thí sinh A Biêng, SN 1978, người dân tộc Xơ Đăng (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum). A Biêng cho biết, năm nay anh làm bài không tốt, nhưng không vì thế mà A Biêng chán nản. Anh nói rằng, nếu trượt thi lần nữa thì năm sau anh vẫn tiếp tục đi thi.
Cũng giống như anh A Biêng, thí sinh A Sép, SN 1984, dân tộc Xơ Đăng (xã Tu Mơ Rông, huyện Tư Mơ Rông, Kon Tum) cũng quyết tâm đi thi sau khi đã trượt vỏ chuốt ở 5 mùa thi trước.
Còn thí sinh A Kring Quê, SN 1979 (xã Tê Xăng, huyện vùng sâu Tu Mơ Rông, Kon Tum) cho hay, do điều kiện kinh tế khó khăn nên phải gác việc học lại, sau khi cưới vợ, ổn định được kinh tế anh mới đi học trở lại. Sau khi đã trải qua 4 lần tham gia kỳ thi THPT nhưng may mắn vẫn chưa mỉm cười với anh. Anh A Kring Quê tâm sự, sẽ thi đến khi nào đậu mới thôi.
Bà bầu sắp sinh vẫn đi thi
Tại trường Đại học Luật Hà Nội (thuộc cụm thi do Đại học Thủy Lợi chủ trì) cho có một thí sinh mang bầu gần đến ngày sinh nhưng vẫn đi thi. Dù thời tiết nắng nóng đỉnh điểm, nhiều thí sinh bị ngất trong phòng thi, tâm lý, sức khỏe không ổn định thì người ta vẫn thấy trong suốt kỳ THPT, thí sinh đặc biệt này vẫn tham dự đầy đủ cả các môn thi.
Tại điểm thi bố trí phòng y tế trực để sẵn sàng xử lý kịp thời những trường hợp thí sinh gặp vấn đề sức khỏe. Trường hợp cần thiết, như thí sinh mang thai trở dạ thì sẽ gọi xe cấp cứu đưa thí sinh vào bệnh viện.