Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hoàng Minh Sơn chủ trì cuộc họp kết thúc đợt đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học (SAHEP) năm 2022.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế như hiện nay đòi hỏi giáo dục đại học Việt Nam phải có sự chuyển biến mạnh mẽ; chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của hệ thống giáo dục đại học đáp ứng được nhu cầu nhân lực trình độ cao, góp phần nâng cao chất lượng và năng suất lao động, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, tăng cường năng lực cạnh tranh của quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Nhận thức được vai trò quan trọng của giáo dục đại học đối với sự phát triển nguồn nhân lực của quốc gia, Đảng và Nhà nước đã sớm có những chủ trương và chính sách về nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Luật Giáo dục đại học sửa đổi đã được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019. Điểm nổi bật của Luật chính là mở rộng quyền tự chủ cho các trường đại học; trong đó có những quy định cụ thể về việc giao quyền tự chủ cho các trường trong học thuật và hoạt động chuyên môn.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 69/QĐ-TTg ngày 15/1/2019 phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025, trong đó đã nêu cụ thể mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của các Bộ, Ngành trong việc đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
Dự án “Nâng cao chất lượng giáo dục đại học” được xây dựng nhằm hỗ trợ việc thực hiện Đề án của Chính phủ. Mục tiêu của Dự án là nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy, nghiên cứu, quản trị đại học và quản lý dự án của các trường đại học tham gia Dự án, đồng thời tăng cường hệ thống quản trị giáo dục đại học của Việt Nam.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hoàng Minh Sơn chủ trì cuộc họp kết thúc đợt đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học (SAHEP) năm 2022.
Phát biểu tại cuộc họp, bà Stefanie Stallmeister - Giám đốc Danh mục dự án của World Bank tại Việt Nam đã đưa ra những đánh giá khả quan về tiến độ dự án, trong đó có 2/3 chỉ số mục tiêu phát triển dự án vượt mức mục tiêu đặt ra, 7/10 chỉ số trung gian đạt hoặc vượt.
Các kết quả đầu ra quan trọng của Dự án bao gồm: Hoàn thành xây dựng phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS), phần mềm đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục, phần mềm thư viện điện tử, thiết bị (máy chủ),...
Về đổi mới quản lý ở các trường - một trong các mục tiêu của dự án cũng có những bước tiến nhất định. Hoạt động hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu và nâng cao năng lực tiếp tục diễn ra đều đặn tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Học viện Nông nghiệp Việt Nam, với 41 hợp tác nghiên cứu mới được phê duyệt và 2,8 triệu USD được huy động cho nghiên cứu thông qua cạnh tranh vào năm 2022.
Công tác giảng dạy và học tập được nâng cao với 10 chương trình đào tạo được kiểm định quốc tế mới tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Học viện Nông nghiệp Việt Nam, 192 chương trình đào tạo đại học được kiểm định trong nước. Việc sử dụng thiết bị và phòng thí nghiệm mới có tác động tích cực đến việc dạy và học của các trường đại học.
Bà Stefanie Stallmeister cho rằng, đây là quá trình lâu dài, đồng thời, đưa ra một số lưu ý, đề nghị để đảm bảo tiến độ, kế hoạch dự án trong thời gian tới.
Tham dự cuộc họp, ông Michael Drabble - chuyên gia giáo dục cao cấp, chủ nhiệm dự án SAHEP cùng đại diện các bên liên quan cũng đóng góp ý kiến cũng như bày tỏ sự cam kết nỗ lực trong giai đoạn còn lại của dự án.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn ghi nhận những nỗ lực và tiến bộ của các đơn vị thực hiện dự án cùng với các kết quả đạt được.
Nhấn mạnh về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thứ trưởng chỉ đạo dự án cần tập trung tổng hợp những việc còn lại để xây dựng kế hoạch, quy trình, thủ tục chuẩn bị cho giai đoạn cuối của dự án.
Xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết trong thời gian tới, phân tích rủi ro, dự phòng các phương án, kịch bản giải quyết rủi ro. Ngoài ra, các đơn vị thực hiện dự án cần phải được hướng dẫn cụ thể các thủ tục liên quan đến cấp vốn cho giai đoạn còn lại của dự án.
Thứ trưởng cũng yêu cầu, các vụ, cục liên quan cần tích cực khai thác sử dụng phần mềm HEMIS để kịp thời phát hiện, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện; đồng thời chú trọng công tác hỗ trợ các trường kết nối hệ thống này, đảm bảo thông suốt, cập nhật kịp thời, làm sạch dữ liệu.