Những tâm sự thầm kín của thế giới người đồng tính (kỳ 2)

Quỳnh Lâm| 21/06/2014 08:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mỗi khi đến quán cà phê, Nguyễn Thân luôn chọn cho mình một góc tối để ngồi. Thân phân trần: “Từ ngày bị mẹ buộc phải đi chữa đồng tính, mình quá sợ, luôn muốn ngồi một mình trong bóng tối để quan sát mọi người...".

KỲ 2: ÁM ẢNH NHỮNG PHƯƠNG THỨC ĐIỀU TRỊ ĐỒNG TÍNH CHO CON CỦA CÁC BẬC PHỤ HUYNH

Từ rất lâu, các công trình nghiên cứu đều khẳng định giới tính không phải là bệnh. Thế nhưng, nhiều bậc phụ huynh khi phát hiện con cái mình đồng tính lại tìm mọi cách để chữa trị. Thậm chí, có người không ngần ngại đưa con mình vào bệnh viện tâm thần, đến các thầy pháp để trừ ma, tà. Chính những hành động này càng khiến con cái họ đau đớn, xót xa hơn.

Đẩy con vào bệnh viện tâm thần

Mỗi khi đến quán cà phê, Nguyễn Thân luôn chọn cho mình một góc tối để ngồi. Thân phân trần: “Từ ngày bị mẹ buộc phải đi chữa đồng tính, mình quá sợ, luôn muốn ngồi một mình trong bóng tối để quan sát mọi người. Đó cũng như là nơi bám víu để mình thoát khỏi những ám ảnh kinh hãi”.

Những tâm sự thầm kín của thế giới người đồng tính (kỳ 2)

Mặc dù đang khá thành công trong công việc nhưng những ám ảnh trong quá khứ vẫn đeo đẳng anh Thân

Năm nay Thân 29 tuổi, là phó giám đốc một công ty kinh doanh bất động sản lớn ở quận 1 (TP.HCM). Hồi còn đi học, bạn bè biết cậu là người đồng tính nhưng không mỉa mai, châm chọc mà thấu hiểu, cảm thông. Lắm khi, Thân cũng mong muốn cha mẹ mình biết và có động thái giống như bạn bè.

Ngày nhận giấy báo đậu vào Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc Gia TP.HCM), Thân viết một bức thư ngắn gọn bày tỏ giới tính thực cho cha mẹ biết. Lúc đó, Thân cho rằng, khi đậu đại học, cha mẹ sẽ cảm thông, thương cảm nên dễ dàng chấp nhận giới tính của mình hơn. Tuy nhiên, Thân không thể ngờ, khi đọc được bức thư ấy, mẹ quá sốc, lên cơn tăng-xông nên phải nhập viện. Cha lại buông lời miệt thị, chửi mắng Thân không thiếu một từ nào.

Ngày xuất viện, mẹ Thân chỉ tay thẳng mặt con trai: “Mày đừng nói với tao chuyện mày là người đồng tính. Mày còn quá nhỏ, không hiểu chuyện mày đang nói là gì đâu”. Thân khóc lóc, cố giãi bày cho mẹ biết rằng, mặc dù mình mang dáng hình của một đứa con trai nhưng bản chất, tính cách lại là con gái. Không cần nghe hết, mẹ Thân vung tay tát vào mặt con. Ngay sau đó, bà lại lên tăng-xông phải đưa đi cấp cứu lần nữa. Hai lần khiến mẹ phải nhập viện, Thân cảm thấy mình là đứa con bất hiếu.

Ngày mẹ ra viện, Thân không dám đả động gì đến chuyện giới tính nữa. Tối cùng ngày, vừa dùng bữa cơm xong, mẹ Thân gằn giọng: “Ngày mai, mẹ sẽ đưa con đi khám để chữa trị bệnh đồng tính”. Thân định cầu xin, định cãi lại nhưng sợ mẹ lại bị bệnh nên đành im lặng.

Sáng hôm sau, Thân lê từng bước nặng nề đến bệnh viện Thống Nhất (quận Tân Bình). Ở đây, bác sĩ giải thích cho mẹ Thân biết, đồng tính không phải là bệnh nên không thể chữa trị. Tuy nhiên, bà van bác sĩ hãy tiêm thêm hóc môn nam để con trai của mình trở thành một người dị tính. Bác sĩ vẫn giữ nguyên ý kiến, tiễn mẹ con Thân ra về. Mẹ Thân vẫn cho rằng, việc con trai mình bị đồng tính là thiếu hóc môn nam nên đưa cậu đến hầu hết các bệnh viện công trên địa bàn TP.HCM. Mỗi lần như thế, bác sĩ lại khẳng định đồng tính không phải bệnh và khuyên bà phải chấp nhận giới tính thực của con trai.

Vẫn không tin vào tất cả những bác sĩ trên, bà lại dẫn Thân đến một phòng khám quảng cáo có chữa trị nam học. Tại đây, một bác sĩ người Trung Quốc cho biết, vẫn có thể chữa trị đồng tính bằng cách tiêm hóc môn nam. Suốt ba tháng tiếp theo, mỗi ngày, Thân đến phòng khám này để tiêm hóc môn. “Lúc đó, mình tiêm nhiều đến nỗi mạch ven không còn tìm thấy nữa. Bác sĩ ở đây vì muốn kiếm tiền nên vẫn tiêm. Hết gần cả trăm triệu đồng, nhưng trong mình vẫn không chút gì thay đổi”, cậu chia sẻ. Sau cùng vì thấy phương thức chữa trị này không hiệu quả, mẹ cậu quyết định dừng tiêm hóc môn nam. Khi được hỏi, từ khi rời phòng khám đó, có bao giờ cậu quay trở lại không? Thân nói: “Mình cũng có quay lại nhưng phòng khám ấy đã đóng cửa từ lúc nào không hay”.

Thân chẳng biết, mẹ nghe thông tin từ đâu mà đưa cậu vào một bệnh viện tâm thần ở tỉnh Đồng Nai để chữa trị. Mỗi bữa, cậu phải uống một nắm thuốc lớn. Suốt ngày, đầu óc cậu lơ mơ, mệt mỏi, không suy nghĩ được gì. Mỗi khi tỉnh lại, Thân lại cầu xin mẹ cho mình thoát khỏi “địa ngục” này. Hai tháng trôi qua, Thân không thể chịu đựng nỗi nữa nên giả vờ: “Con hết bệnh đồng tính rồi”. Mẹ Thân vui mừng khôn xiết, hỏi đi hỏi lại nhiều lần để xác minh điều vừa mới nghe là chính xác hay không. Ngay hôm sau, cậu xuất viện. Tuy nhiên, lúc này, giấy đỗ đại học đã quá hạn.

Sau đó, do sợ mẹ sẽ đưa mình đi chữa “bệnh đồng tính”, Thân quyết định ôn lại và chọn một trường ở Thủ đô để thi. Năm đó, Thân đậu đại học và ra Hà Nội học. Suốt bốn năm, ngày nào, mẹ cũng gọi điện khuyên Thân nên tránh xa bọn “bệnh hoạn” đồng tính. Thân không dám cự cãi, chỉ dạ vâng cho qua chuyện. Đến nay, mặc dù đi làm nhưng Thân vẫn che giấu tình yêu với một nam thanh niên.

Trừ tà đồng tính

Ông Trần Thanh H. (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết, hai vợ chồng ông chỉ sinh được một cô con gái đặt tên là Trần Hoài Th.. Năm Th. học lớp 11, trong lúc dọn phòng, ông thấy bức thư của con gửi cho một người bạn. Trong thư, Th. dành tình cảm cho một người khác. Trong lòng, ông tự cười: “Con gái mình đã biết yêu rồi đấy”. Thế nhưng, khi đọc hết bức thư cũng là lúc ông nghẹn đắng phát hiện, người được Th. gửi thư là một cô bạn gái.

Ông H. liền đưa bức thư này cho vợ đọc. Ngay lập tức, vợ ông gọi điện yêu cầu Th. về nhà. Khi Th. vừa bước vào phòng, vợ ông liền dùng chổi đánh, chửi. Từ trước đến nay, chưa bao giờ Th. nghịch ý cha mẹ. Thế nhưng, trước những lời của mẹ, Th. đã cãi lại và khẳng định, đồng tính không có gì xấu. Trong lúc tức giận, lần đầu tiên, bà dùng tay tát vào mặt con gái yêu quý của mình.

Suốt nhiều tháng sau đó, cả gia đình ông sống trong ngột ngạt. Th. đi suốt ngày, đến tối khuya mới về. Vợ ông thì hỏi ý kiến của bạn bè với mong muốn chữa trị “bệnh đồng tính” cho con. Riêng ông, là người đứng giữa, luôn khuyên răn cả vợ lẫn con gái phải bình tĩnh trước mọi vấn đề. Thế rồi, vợ ông bắt đầu cười nói trở lại với con gái. Ông cứ ngỡ, bà đã được “khai trí”. Tuy nhiên, về sau, ông mới hay, bà “xuống nước” để khuyên con gái đi “chữa bệnh”.

Dường như, biết mình khiến cha mẹ buồn nhiều nên Th. cũng nghe lời mẹ hơn. Th. chấp nhận theo chân mẹ đến các thầy bói, thầy cúng để chữa bệnh. “Trong khoảng thời gian này, vợ tôi đưa con gái đến bao nhiêu chỗ tôi cũng không thể nhớ hết. Chỉ nhớ rằng, cứ đến bất kỳ thầy nào, họ cũng bắt phải cúng để đuổi con “ma” trong người Th. đi. Vợ tôi thì quá mong muốn con gái trở thành người dị tính nên bỏ ra cả đống tiền để cúng. Th. muốn làm vui lòng mẹ nên cũng im lặng làm theo”.

Có lẽ, phát hiện cúng bái không thể biến Th. thành người dị tính, nên vợ ông từ bỏ. Sau đó không lâu, chẳng biết, bà nghe ai “mách nước” đồng tính là do tà và bùa ngải nên đi tìm gặp các thầy pháp để trừ. Lắm khi ông thấy con gái mệt mỏi khi đi theo vợ cũng xót nhưng cố nuôi hy vọng: “Biết đâu bà ấy làm thế lại khiến con gái tôi trở thành dị tính” nên không nói gì.

Trừ những lúc đi cùng mẹ, còn lại Th. chú tâm vào việc học hành. Vợ chồng ông thấy vậy thì cũng vui mừng. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Th. đậu đại học.  Chỉ mới nhập trường được bốn tháng, Th. nhận được học bổng du học toàn phần của một trường danh tiếng ở Úc. Trước khi lên máy bay, Th. xin lỗi cha mẹ vì đã không thể trở thành một đứa con gái như hai người kỳ vọng. Đến lúc này, hai vợ chồng ông mới chợt phát hiện mình đã mất đứa con gái yêu thương.

Ở trên đất nước bạn, ngày nào, Th. cũng lên mạng, gọi điện về cho gia đình. Không ít lần, Th. bày tỏ quan điểm của mình và cho rằng, người đồng tính không có gì sai trái và cũng không phải là bệnh. Th. luôn mong muốn trở thành một đứa con hiếu thảo, thành đạt để cha mẹ được hãnh diện. Khi ở hai đất nước cách biệt, vợ ông mới chịu lắng nghe lời của con gái. Bà khóc và cho biết rất hối hận vì đã khiến con gái rơi vào khủng hoảng, lo sợ và ám ảnh...

Cũng từ đây, vợ ông thường xuyên tìm sách, lên mạng đọc các tài liệu về đồng tính nên cảm nhận được con gái đã phải nghe những gì, phải chịu đựng ra sao, tổn thương như thế nào do chính người thân gây ra. Bà viết một bức thư dài để xin lỗi con gái. Nhận được thư, qua chương trình chat trên mạng, cả ông bà lẫn Th. đều khóc.

Hạnh phúc muộn màng

Ông cho biết, hai năm rồi, Th. chưa về nước. Thế nhưng, khi nhận được thư, thấy những giọt nước mắt của cha mẹ, Th. nói cố gắng tháng 7 này sẽ về thăm gia đình. Hiện nay, cả ông và bà đều mong ngóng thời gian trôi qua thật nhanh để ngày con gái trở về nước sớm. Cuối cùng, gia đình ông đã tìm thấy được hạnh phúc sau quãng thời gian dài u tối...

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những tâm sự thầm kín của thế giới người đồng tính (kỳ 2)