Dù TP.HCM thực hiện lộ trình mở cửa, các hoạt động văn hóa, giải trí nhưng sân khấu kịch tại đây vẫn chưa mở cửa sau 7 tháng. Điều này khiến cuộc sống của các nghệ sĩ già càng trở nên khó khăn trong đại dịch.
Từ khi TP.HCM thực hiện lộ trình mở cửa, các hoạt động văn hóa, giải trí dần hồi sinh trở lại. Rạp chiếu phim, sân khấu âm nhạc, phòng trà... sáng đèn để đón khách sau thời gian dài đóng cửa vì dịch.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, sân khấu kịch tại TP.HCM là đơn vị nghệ thuật chưa mở cửa sau 7 tháng. Đại diện các sân khấu kịch cho hay hiện đơn vị vẫn chưa xác định cụ thể ngày tái hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
NSƯT Trịnh Kim Chi chia sẻ dựa vào tình hình dịch bệnh với số lượng ca nhiễm SARS-CoV-2 tại TP.HCM vẫn còn tăng cao, chị chưa đưa ra quyết định về ngày sáng đèn sân khấu.
"Sau 7 tháng đóng cửa sân khấu, tôi cũng mong chờ ngày đón khách trở lại. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, số lượng F0 nhiều khiến tôi lo lắng. Tôi cũng đang chờ đợi thêm để đưa ra quyết định cuối cùng", nữ nghệ sĩ cho biết.
Theo Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, nếu tình hình thuận lợi, khả quan nhất thì vào dịp Tết Nguyên đán 2022, sân khấu mới có thể tái hoạt động.
NSƯT Trịnh Kim Chi nói nếu rạp phim có thể phân bổ, giãn cách người xem, sân khấu với số lượng ghế ít ỏi, không gian hẹp, khó có thể thực hiện.
Đồng quan điểm, anh Ngọc Hùng, Giám đốc Nghệ thuật sân khấu Thế giới Trẻ, chia sẻ sân khấu không thể hạn chế khán giả hay thực hiện giãn cách như các địa điểm khác. Đặc thù của sân khấu kịch là sự tương tác giữa diễn viên và khán giả. Nghệ sĩ cũng lấy cảm hứng và làm mới mình thông qua những tràng vỗ tay của khán giả.
"Nếu người xem ngồi rải rác trong khán phòng nhỏ khiến cho không khí buổi diễn mất đi phần nào", anh Ngọc Hùng bày tỏ.
NSƯT Mỹ Uyên chia sẻ hiện chị chưa rõ ngày sân khấu kịch 5B sáng đèn trở lại sau 7 tháng. Nếu mở cửa thời điểm hiện tại, bà bầu sân khấu cũng lo lắng không biết khán giả có mua vé đến xem kịch trong bối cảnh số lượng người mắc Covid tại TP.HCM chưa thuyên giảm.
Ngoài ra, một số diễn viên và nhân viên của sân khấu 5B cũng phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 trong thời gian qua. Vì thế, NSƯT Mỹ Uyên tỏ ra thận trọng, dè dặt trong việc đưa ra quyết định mở cửa đón khách.
"Bây giờ, mỗi ngày TP.HCM vẫn có gần 2.000 người trở thành F0. Vì thế, việc mở cửa sân khấu thời điểm này là chưa phù hợp. Tôi bỏ tiền đầu tư cho sân khấu kịch nhiều nhưng hiện tại vẫn chưa thu hồi được", chị cho biết.
Chị chia sẻ bản thân đối diện với khó khăn từ thời điểm đầu của mùa dịch. Khi đó, nữ nghệ sĩ phải cầm cố nhà, vay ngân hàng 800 triệu đồng để đầu tư, dựng vở mới. Sân khấu đóng cửa càng lâu, khó khăn về tài chính của chị càng tăng lên.
Đối với những nghệ sĩ trẻ thì dù khó khăn nhưng họ vẫn còn sức để tranh thủ làm thêm những công việc khác. Như kinh doanh online, hay dạy học trực tuyến.
Còn riêng những nghệ sĩ đã có tuổi, đã già thì giờ khó khăn lại tăng lên gấp bội. Sức khoẻ không còn tốt nhưng cuộc sống vẫn phải mưu sinh.
7 tháng đóng cửa các sân khấu cũng là gần đó thời gian họ phải hưu hắt sống dựa vào những cứu trợ của các mạnh thường quân.
Nhiều người còn đã ra đi mãi mãi vì dịch bệnh. Như nghệ sĩ Bạch Mai, nghệ sĩ Kim Phượng, nhạc sĩ Thanh Châu, diễn viên Thanh Linh, nhạc sĩ Thanh Dũng.
Giờ nhìn về phía trước, nhiều nghệ sĩ đã cảm thấy buông xuôi vì không còn đủ can đảm với nghề. Với họ sân khấu mãi mãi là những kỉ niệm tốt đẹp, nhưng để sống cùng nó không phải là chuyện đơn giản.