Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 17/9 tuyên bố giữ nguyên lãi suất ở mức gần bằng 0, với lý do nền kinh tế toàn cầu đang bấp bênh và tốc độ tăng trưởng trong nước chậm lại.
Tuyên bố kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày của Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC) có đoạn: "Những diễn biến tài chính và toàn cầu gần đây có thể cản trở hoạt động kinh tế và có nguy cơ gây sức ép khiến lạm phát giảm trong tương lai gần".
Trong bài phát biểu sau khi công bố quyết định trên, Chủ tịch Fed - bà Janet Yellen nói rằng, FOMC cần có thêm thời gian để đánh giá những điều kiện kinh tế, song khẳng định Fed có thể sẽ vẫn tăng lãi suất trong năm nay, và một đợt tăng vào tháng 10 tới vẫn là một "phương án đang được cân nhắc".
Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Tờ "Người hướng dẫn Khoa học Cơ đốc giáo" có trụ sở tại New York (Mỹ) cho biết, giới phân tích không bất ngờ trước quyết định trên của Fed, mặc dù trước đó nhiều người đã dự đoán ngược lại. Chuyên gia kinh tế Chris Williamson của Công ty Markit nhận định: "Mặc dù nền kinh tế Mỹ có vẻ đang khá lành mạnh, song những quan ngại về tốc độ tăng trưởng chậm lại của những nền kinh tế khác, đặc biệt là Trung Quốc và những hỗn loạn gần đây trên thị trường tài chính khiến Fed đưa ra quyết định rằng, giờ không phải là thời điểm thích hợp để Fed tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần 1 thập niên qua. Tuy nhiên, quyết định giữ nguyên lãi suất khiến cho chính sách tài chính của Mỹ trở nên không rõ ràng, và điều này chắc chắn sẽ gây ra những biến động hơn nữa trên các thị trường".
Ngay sau khi Fed đưa ra quyết định trên vào cuối buổi chiều 17/9 (giờ New York), đồng USD đã giảm giá mạnh so với rổ các đồng tiền chủ chốt trong khi thị trường chứng khoán New York giảm nhẹ khi đóng cửa phiên giao dịch.
Dưới đây là một số nhân tố khiến Fed gặp khó khăn trong việc đưa ra các quyết định về lãi suất:
- Việc làm: Số việc làm ở Mỹ rõ ràng đã tăng mạnh trong năm 2015. Nền kinh tế đã bổ sung được trung bình mỗi tháng 247.000 việc làm, và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm còn 5,1% - mức mà nhiều nhà kinh tế trong quá khứ cho là "tình trạng đủ việc làm". Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng việc làm đã chậm lại trong mùa hè vừa qua, và một số điểm tối trong bức tranh việc làm vẫn tồn tại. Tỷ lệ người Mỹ tham gia thị trường lao động, hay còn gọi là tỷ lệ phần trăm người Mỹ đang làm việc hoặc tích cực tìm việc, đang ở mức thấp nhất trong 4 thập niên qua. Tình trạng này một phần là do thế hệ được sinh ra vào thời kỳ bùng nổ dân số đã đến tuổi "rút khỏi" thị trường lao động.
- Tiền lương: Do thu nhập của người lao động vẫn chưa tăng nên dù đã bước sang năm thứ 6 kinh tế phục hồi, hầu hết người dân Mỹ vẫn chưa yên tâm. Theo Chỉ số chi phí lao động (ECI) mới nhất, do Bộ Lao động Mỹ công bố hồi tháng 7, lương của người Mỹ đã tăng 2,1% trong vòng 12 tháng qua. Tuy nhiên, một báo cáo của tổ chức Dự án Lao động Quốc gia (NELP) - một tổ chức thiên tả lại cho rằng, nếu tính theo lạm phát thì lương trên thực tế giảm từ năm 2009 và những người lao động thu nhập thấp bị ảnh hưởng nhiều hơn cả.
- Lạm phát: Đây là điều Fed quan ngại nhất. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo lạm phát mà Fed thường lấy làm căn cứ đã tăng 1,24% trong tháng 7, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà Fed đề ra. Fed lưu ý: "Lạm phát cao khiến người dân khó có thể đưa ra những quyết định tài chính và kinh tế về lâu dài. Song ngược lại, lạm phát quá thấp sẽ có nguy cơ dẫn đến giảm phát".
- Chi tiêu tiêu dùng và GDP: Ở khía cạnh sáng sủa, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước đã khởi sắc sau sự khởi đầu ảm đạm hồi đầu năm. GDP đã tăng 3,7% trong quý 2 năm nay và đang trên đà tăng trưởng 2,45% trong quý 3. Tuy nhiên, lần gần đây nhất khi Fed tăng lãi suất (giai đoạn 2004-2006), tốc độ tăng trưởng GDP lúc đó là trên 4%.
Trong khi đó, theo trang tin "Nasdaq", việc Fed quyết định không tăng lãi suất cũng được cho là sẽ gây thêm áp lực buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải tăng cường các nỗ lực kích thích nền kinh tế để giữ cho đồng euro không tăng giá quá nhiều và làm trật bánh đà phục hồi kinh tế mong manh của khu vực này. Carsten Brzeski, nhà kinh tế thuộc Ngân hàng ING cho biết: "ECB sẽ buộc phải tăng cường gói nới lỏng định lượng (QE). Fed giữ nguyên lãi suất càng lâu thì các thị trường trên toàn cầu càng có nhiều nguy cơ bị sụt giảm, và điều này càng gây áp lực buộc ECB phải hành động hơn nữa trong lĩnh vực chính sách tiền tệ".