Những “người thủ lĩnh” luôn tận tâm vì đoàn viên, người lao động

Châu Loan| 25/07/2021 13:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Họ đều là những cán bộ công đoàn cơ sở (CĐCS), mỗi ngày phải làm việc hết công suất để lo nơi ăn chốn ngủ cho người lao động (NLĐ) được tươm tất hơn trong mùa dịch. Với họ, chăm lo cho NLĐ không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tấm lòng, nghĩa cử để đóng góp một phần nhỏ bé của mình, cùng với chính quyền, doanh nghiệp (DN) vượt qua đại dịch Covid-19.

Anh Nguyễn Minh Tiến- Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Thông Dụng (TP Thuận An, Bình Dương): Luôn chủ động để ứng phó với tình huống xấu

Kể từ lúc xuất hiện đợt dịch lần thứ 4 này, anh Nguyễn Minh Tiến cùng BCH CĐCS công ty luôn trong tâm thế sẵn sàng, lúc nào cũng căn dặn anh chị em CN phải tuyệt đối tuân thủ “5K” của Bộ Y tế. Anh Tiến kể, tâm lý của anh chị em CN dễ lay động lắm, cứ gặp chuyện không vừa ý là hay la làng lên, cho nên cán bộ CĐ phải biết cương nhu đúng lúc. Công ty Thông Dụng hiện có khoảng 7.000 CNLĐ, trong đợt dịch lần này, Ban giám đốc công ty giao toàn quyền cho anh và BCH CĐ quyết định hết mọi việc liên quan đến công tác phòng chống dịch, hàng tuần BCH CĐ đều tổ chức họp và mời BGĐ công ty tới để trao đổi, ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

anh-1-nhung-nguoi-thu-linh-1.jpg
Anh Tiến (ngoài cùng bên phải) cùng cán bộ CĐCS công ty túc trực 24/24 để lo cho anh chị em CN đang cách ly

Anh Tiến cho rằng, một DN có rất đông CNLĐ như Thông Dụng lại nằm trong tâm dịch lớn nhất của tỉnh, nếu không có sự chuẩn bị kỹ thì khả năng vỡ trận sẽ rất cao, do đó công tác sàng lọc có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Mỗi ngày, trước khi vào nhà máy, ngoài việc tuân thủ “5K”, thì NLĐ phải khai báo y tế nghiêm túc, trường hợp nếu có người nhà, bạn bè hay người cùng dãy trọ bị F0, F1, vùng phong tỏa thì  CĐCS cho nghỉ phép hết. Đây là cách làm hiệu quả, vì giảm thiểu mối nguy cơ rất lớn, nhờ vậy mà công ty mới ghồng được một thời gian rất lâu. “Mặc dù công tác phòng chống dịch rất kỹ, nhưng công ty cũng không tránh khỏi, trường hợp bị mắc đầu tiên do liên quan đến chợ, rất khó để phát hiện trong sàng lọc”, anh Tiến cho biết. 

Hơn 1 tuần phát hiện ca mắc Covid-19, công ty đã cho NLĐ nghỉ việc để phòng dịch, còn khoảng 600 CN thuộc diện F1 và F2 thì được cách ly tập trung tại công ty. Trong thời gian này, công ty đài thọ hết tất cả chi phí, còn cán bộ CĐCS thì ở lại túc trực 24/24, chỉ trừ những trường hợp có con nhỏ mới được ở nhà, ngày nào họ cũng khoác trên người bộ quần áo bảo hộ chống dịch, đi từng phòng hỏi thăm NLĐ về tình hình ăn ở, nếu ai có ý kiến gì không hài lòng lập tức được giải quyết ngay, CĐCS còn trích kinh phí CĐ để mua khẩu trang phát cho anh chị em CN và tặng sữa cho chị em đang mang thai. Với anh Tiến, gần 20 năm làm CĐ, ngọn lửa nhiệt huyết trong anh chưa bao giờ tắt, càng khó khăn mới chứng minh được bản lĩnh và trách nhiệm cao cả của người cán bộ CĐ, anh Tiến hiện là UV BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Chị Phạm Thị Tuyết Nhung- Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Yazaki EDS VN (TP Dĩ An, Bình Dương): Nơi NLĐ gửi gắm tâm tư, nguyện vọng

anh-2-nhung-nguoi-thu-linh.jpg
Chị Nhung (bên phải) thăm hỏi NLĐ ở lại làm việc tại nhà máy

Có chứng kiến những hoạt động mà chị Nhung cùng BCH CĐCS Công ty đã triển khai ở đây mới cảm nhận hết vượt lên trên cả sự nhiệt tình trách nhiệm đó là niềm đam mê cống hiến để có được niềm tin yêu của cả người sử dụng lao động và NLĐ. CĐCS Công ty Yazaki hiện có khoảng 10 ngàn CNLĐ. Theo chị Nhung, với đặc thù của công ty là các tổ CĐ rải đều ở các phân xưởng (Dĩ An, Mỹ Phước và Trà Vinh- PV)  và do tính chất công việc nên CNLĐ của công ty phải làm ca nên việc triển khai hoạt động CĐ cũng gặp những khó khăn nhất định. Những trường hợp như thế lại đòi hỏi người cán bộ CĐ phải thường xuyên gần gũi với NLĐ. Hơn nữa, tiếp xúc để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, từ đó kịp thời giải quyết giúp họ an tâm làm việc, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần mang lại sự thành công trong các hoạt động của đơn vị.

Trong đợt dịch này, mặc dù đã có sự chuẩn bị kỹ càng, cũng như công tác phòng chống dịch nghiêm ngặt, nhưng tại Công ty Yazaki vẫn bị ca mắc Covid-19. Trước tình hình đó, CĐCS đã lập tức liên hệ với CDC địa phương đến hỗ trợ, đồng thời khoanh vùng, phân luồng, truy vết những trường hợp tiếp xúc với F0 và cách ly ngay. Sau đó, tham mưu Ban giám đốc cho CN được nghỉ việc phòng dịch, đề xuất này được DN đồng ý và quyết định cho NLĐ nghỉ 7 ngày, hưởng 70% tổng thu nhập. Sau 7 ngày nghỉ, DN tiếp tục cho CN đi làm lại nhưng áp dụng “3 tại chỗ”, lúc này CĐCS lại vội vàng layout khu vực ngủ nghỉ cho NLĐ, cũng như chuẩn bị những đồ dùng thiết yếu để đón anh chị em CN vào xưởng. Chị Nhung kể, trong thời gian NLĐ ở lại công ty, ai gặp khó khăn gì trong cuộc sống, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn họ đều gặp chị nhờ tư vấn. Với chị, CN như người thân trong gia đình nên chị luôn lắng nghe, chia sẻ, đặc biệt là tận tình truyền lại kinh nghiệm sống, giúp họ hoàn thiện bản thân. Chị Nhung tâm sự “tội nhất là những anh chị em CNLĐ ngoại tỉnh đang thực hiện cách ly tập trung, nhìn các em, các bạn lo lắng, không có người thân, không có người hỗ trợ trong mùa dịch thật sự đáng thương vô cùng”. Thấu hiểu điều này, chị Nhung đã đề xuất công ty mua vật dụng cá nhân và các nhu yếu phẩm cần thiết cho họ, sau đó anh chị em cán bộ CĐ chia nhau đem đến cho NLĐ ở các khu cách ly.

Chị Nhung luôn tâm niệm rằng, những danh hiệu, những tấm bằng khen, giấy khen của cấp trên khen thưởng chỉ là sự khuyến khích, động viên. Điều quan trọng mà người cán bộ CĐ quan tâm là bản thân mình đã làm được những gì cho tập thể và nhận lại được tình cảm quý mến của ĐV, NLĐ.

Anh Nguyễn Trung Tính- Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Điện tử Foster VN (KCN VSIP II- TP Thủ Dầu Một, Bình Dương): Tạo sân chơi lành mạnh cho NLĐ khi ở lại nhà máy

anh-3-nhung-nguoi-thu-linh-3.jpg
Anh Tính tổ chức chương trình bốc thăm trúng thưởng cho NLĐ trong thời gian DN thực hiện “3 tại chỗ”

Tại Công ty TNHH Điện tử Foster VN, trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, 10 ngày trước doanh nghiệp này đã bố trí nơi ăn ở cho gần 700 CNLĐ ở lại nhà máy, công ty trang bị máy lạnh, mua tặng cho mỗi NLĐ 1 bộ mùng, mền, chuẩn bị đầy đủ về vật chất để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho NLĐ, ngoài lo cơm ăn 3 bữa miễn phí, thì mỗi người được hỗ trợ 100.000 đồng mỗi ngày. 

Để CNLĐ không bị buồn tay buồn chân trong những ngày ở lại nhà máy, anh Nguyễn Trung Tính, Chủ tịch CĐCS công ty đã cùng với BCH lên kế hoạch tổ chức các hoạt động tinh thần, tạo sự hứng khởi và gắn kết trong anh chị em CN. Anh Tính kể, may mắn trong công ty chưa có ca mắc Covid-19, cộng với công tác khử khuẩn, xét nghiệm cho NLĐ được thực hiện chặt chẽ, nên việc tổ chức các hoạt động cũng phần nào yên tâm hơn, nhưng cũng phải tuân thủ quy định phòng dịch. Trong thời gian CN ở lại công ty, CĐCS đã phối hợp với phòng tổng vụ tổ chức giải cầu lông, bóng chuyền, thi kéo co. Bên cạnh đó, mỗi tuần 2 lần tổ chức hoạt động rút thăm trúng thưởng, với các phần thưởng hấp dẫn và tổ chức tuyên dương ĐV đã có nhiều đóng góp, hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch tại công ty. “Ngoài các hoạt động trên, chúng tôi còn tổ chức cuộc thi vẽ tranh, làm thơ cổ động phòng chống Covid-19, thật bất ngờ là nhiều anh chị em CN có cái nhìn rất sâu sắc về dịch bệnh, cũng như công tác phòng chống dịch của nhà nước ta. Sắp tới, chúng tôi đã lên danh sách hỗ trợ ĐV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng vẫn ở lại công ty làm việc, mỗi suất trị giá 2,5 triệu đồng”, anh Tính chia sẻ.

Anh Tính cho rằng, ngoài những hoạt động do CĐ cấp trên hướng dẫn triển khai, thì đối với người cán bộ CĐ cần phải chủ động đề xuất các nội dung hoạt động để BCH cùng bàn bạc và đưa vào kế hoạch hoạt động chung. Hơn thế nữa, phải biết “xắn tay áo” lao vào cùng làm với anh, chị em để thấy được tình tương thân, tương ái, biết quan tâm chia sẻ cùng nhau và vui chung niềm vui với NLĐ. Ngoài ra, CĐ luôn là nơi để NLĐ gửi gắm tâm tư, chia sẻ khó khăn; đồng thời phải luôn chủ động tìm cách tháo gỡ khó khăn giúp NLĐ yên tâm làm việc, tin tưởng vào tổ chức.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những “người thủ lĩnh” luôn tận tâm vì đoàn viên, người lao động