Bình Dương dồn toàn lực để dập dịch

Thảo Nguyên| 25/07/2021 13:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bình Dương sẽ tận dụng thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg để quyết tâm dập dịch trong thời gian sớm nhất, đưa cuộc sống người dân trở lại trạng thái bình thường.

Thần tốc xét nghiệm

Một trong những nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là Bình Dương thần tốc xét nghiệm, tăng cường tầm soát nguồn bệnh, Tỉnh đang triển khai lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng cho gần 1,8 triệu người, chủ yếu ở các địa phương, khu vực đang có dịch và nguy cơ cao như TP.Dĩ An, TP.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một, TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên, huyện Dầu Tiếng… Cụ thể, người dân ở các khu vực nhà máy, xí nghiệp, khu nhà trọ, khu dân cư chợ và gần chợ… sẽ được ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm.

anh-1-binh-duong-don-toan-luc-dap-dich.jpg
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương thăm hỏi công nhân ở lại công ty làm việc

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương, hiện tỉnh có 12 máy RT-PCR, với năng lực xét nghiệm 8.000 mẫu đơn/ngày (tương đương 80.000 mẫu gộp 10/ngày) và đang vận động thực hiện xã hội hóa xét nghiệm với doanh nghiệp có năng lực (Công ty Việt Á) để nâng lên trên 100.000-300.000 mẫu gộp/ngày.

Thành lập 600 đội lấy mẫu cơ động (tương đương 600 bàn lấy mẫu, mỗi bàn lấy được 300 mẫu/ngày, tối đa 176.000 mẫu/ngày) và đã huy động toàn bộ lực lượng cán bộ y tế, kể cả các cơ sở y tế tư nhân, các trường đào tạo y khoa, sinh viên từ các trường Y khoa do Bộ Y tế chi viện (đã tiếp nhận 03 đoàn với 667 người, 10 đội xét nghiệm của Viện Y học dự phòng Quán đội, 04 chuyên gia của Bộ Y tế) để đảm bảo lấy mẫu nhanh có trọng tâm, trọng điểm để khoanh vùng dập dịch nhanh; thành lập các tổ điều phối điều tra truy vết, khoanh vùng, quy trình lấy mẫu Xét nghiệm nhanh phòng, chống dịch Covid-19; đảm bảo thực hiện xét nghiệm hết số mẫu và trả kết quả trong 24 giờ.

anh-2-binh-duong-don-toan-luc.jpg
Bình Dương đang triễn khai lấy mẫu xét nghiệm sàn lọc diện rộng cho gần 1,8 triệu người

Bên cạnh đó, đẩy mạnh test nhanh kháng nguyên, với năng lực lấy mẫu tối đa 176.000 người/ngày,  có thể test nhanh được cho khoảng 88.000 người/ngày (trên thực tế chỉ lấy được khoảng 30.000/người/ngày để sàng lọc cộng đồng tại tất cả các khu vực nguy cơ cao cho hơn 160.000 người).

Ra quân phun khử khuẩn và tiêm vacxin

Cùng với thần tốc xét nghiệm, Bình Dương đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 trên địa bàn tỉnh, trước đó, địa phương này đã triển khai 4 đợt tiêm vắc-xin với 67.417 người tiêm, trong đó có 63.370 người tiêm mũi 1 và 4.115 người tiêm mũi 2. 

Riêng đợt này, Bình Dương sẽ tổ chức tiêm ngay 307.000 liều vắc xin được phân bổ, thực hiện tại điểm tiêm cố định ở 91 xã, phường, thị trấn và các điểm tiêm lưu động (100 bàn) ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp có đủ điều kiện. Với tiến độ tối đa đạt 30.000 người/ ngày, dự kiến khoảng nửa tháng thì hoàn thành xong chiến dịch. 

anh-3-binh-duong-don-toan-luc.jpg
Lực lượng vũ trang tỉnh Bình Dương tiến hành phun khử khuẩn diện rộng

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng, mục tiêu của chiến lược vắc xin là tiêm miễn phí cho toàn dân trong tỉnh để đạt miễn dịch cộng đồng. Song song với vắc xin, sẽ thực hiện công tác phun khử khuẩn diện rộng nhằm nhanh chóng loại trừ các yếu tố nguy cơ, góp phần bảo vệ môi trường sống an lành cho người dân. Dự kiến, tỉnh sẽ tổ chức tiêm cho trên 1 triệu người dân cùng với phun khử khuẩn tại các khu vực công cộng trên địa bàn trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022.

Thời gian qua, lực lượng vũ trang tỉnh Bình Dương đã cải tiến 8 xe tải thành xe khử khuẩn để áp dụng cho hoạt động phun khử khuẩn phòng chống dịch tại địa phương. Đây là giải pháp hữu hiệu giúp địa phương chủ động phòng chống dịch. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Quân đoàn 4 tổ chức 13 lần phun khử khuẩn tại các khu vực trọng điểm với tổng diện tích trên 600 ha.

Thiết lập bệnh viện dã chiến

Về năng lực điều trị, số giường trên địa bàn Tỉnh hiện đáp ứng điều trị được khoảng 4.000 người (hiện đang điều trị tập trung cho 2.780 bệnh nhân); trong đó: có 2.440 giường của 09 Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 được thành lập.

Bên cạnh các bệnh viện điều trị chuyên sâu như Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương và một số bệnh viện chuyên trách hồi sức cấp cứu đối với các trường hợp nhiễm COVID-19 mức độ nặng, việc bổ sung các bệnh viện dã chiến có quy mô lớn, đáp ứng đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị là rất cần thiết, nhằm kịp thời điều trị toàn bộ số ca mới phát hiện qua xét nghiệm tầm soát tại các khu vực có nguy cơ cao trong cộng đồng, vừa đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân vừa giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. 

anh-4-binh-duong-don-toan-luc.jpg
Bệnh viện dã chiến 1.500 giường tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Thành phố mới Bình Dương

Bệnh viện dã chiến đầu tiên được thiết lập tại Bình Dương có diện tích 22.000 m2. Do Becamex IDC tài trợ, với quy mô 1.500 giường đặt tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Thành phố mới Bình Dương (WTC EXPO). Bệnh viện được trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế, ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý đầy đủ như một bệnh viện thông thường với hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện, hệ thống trình ký văn phòng, website bệnh viện, hệ thống camera quan sát, nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng quy trình và vận hành bệnh viện một cách an toàn, chuyên nghiệp và minh bạch nhất. Đặc biệt là các mẫu xét nghiệm, X Quang sẽ được chuyển về xét nghiệm tại bệnh viện quốc tế Becamex, sau đó kết quả sẽ được số hoá, truyền về Bệnh viện dã chiến Bình Dương số 1, nhanh chóng, chính xác để phục vụ cho công tác điều trị.

Bệnh viện dã chiến thứ 2 do Cục Hậu cần, Bệnh viện 7A (Quân khu 7) phối hợp cùng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Dương được đặt tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng-an ninh (phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một), có tên Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5B. Nơi đây có khả năng tiếp nhận và điều trị cho khoảng 500 bệnh nhân Covid-19 ở thể nhẹ, từ đó giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Ngoài ra, một bệnh viện dã chiến khác cũng với quy mô 1.500 giường được đặt tại xưởng khởi nghiệp của Trường Đại học quốc tế Miền Đông sẽ đi vào hoạt động trong tháng 8.

Nhanh chóng dập dịch trong KCN và khu nhà trọ công nhân

Dự báo trong thời gian tới, Bình Dương có thể sẽ phát hiện thêm nhiều ca mắc Covid-19 mới, lên đến khoảng 15 - 20 ngàn người, trong đó, tại nhiều công ty đan xen với các khu nhà trọ đông công nhân lưu trú tình hình dịch đang diễn biến hết sức phức tạp.

Ông Bùi Minh Trí, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương cho biết, đến thời này công tác sàng lọc công nhân là F0, F1, F2 đã được thực hiện nghiêm túc, khi phát hiện ca F0 lập tức được cách ly ngay, sau đó chở đến cơ sở y tế cách ly, điều trị. Đối với doanh nghiệp không đảm bảo công tác phòng dịch, nếu có ca mắc là cho ngưng hoạt động ngay, cùng với đó, tất cả công nhân phải làm xét nghiệm trước khi ra/vào nhà máy.

Hiện, Bình Dương chỉ cho phép các doanh nghiệp được hoạt động sản xuất, kinh doanh khi đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch theo phương châm:“03 Tại chỗ” , “01 Cung đường, 02 Điểm đến”. Đến ngày 22/7/2021, có 3.084 doanh nghiệp đăng ký thực hiện, với gần 369 ngàn lao động đăng lý làm việc.

anh-5-binh-duong-don-toan-luc.jpg
Cán bộ công đoàn tuyên truyền về công tác phòng chống dịch bệnh cho anh chị em công nhân

Để sàn lọc trong công nhân, Sở TT&TT cùng với Sở Kế hoạch & Đầu và Ban Quản lý các KCN tỉnh này đã phối hợp để triển khai thí điểm phần mềm hỗ trợ truy vết Covid-19 trong doanh nghiêp tại đường dẫn http://qlcn.binhduong.gov.vn. Theo đó, doanh nghiệp sẽ gửi một số thông tin cần thiết của anh chị em công nhân cho Sở TT&TT, như số lượng, thông tin về nơi ở của công nhân, lịch trình di chuyển... Sau khi có đầy đủ thông tin, nếu trường hợp có ca mắc Covid-19 trong doanh nghiệp thì Sở sẽ nắm được danh sách những người làm chung ngày hôm đó, sau đó sẽ dùng ứng dụng Bluzone để truy vết, những người tiếp xúc trong khoảng cách 2m sẽ có đầy đủ danh sách. Bên cạnh đó, hiện nay, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã thành lập được các tổ an toàn Covid trong doanh nghiệp, dữ liệu sẽ được tổ này báo cáo hàng ngày về Sở TT&TT cập nhật.

Ông Võ Văn Minh cho biết, trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh buộc phải đưa ra những quy định nghiêm ngặt để kiểm soát, ngăn chặn dịch lây lan, địa phương, sở ngành nào lơ là trong công tác phòng chống dịch, để người dân phản ánh, người đứng đầu sẽ bị kiểm điểm ngay. “Với quyết tâm sớm đẩy lùi dịch bệnh, chúng tôi mong nhận được sự đồng lòng, chấp hành tốt quy định phòng dịch của doanh nghiệp và nhân dân để cùng với địa phương sớm dập được dịch bệnh”, ông Minh nói.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Dương cho rằng, mặc dù địa phương đã chuẩn bị cơ sở, trang thiết bị và nhân lực sẵn sàng đáp ứng nhu cầu trong mọi tình huống. Song, với dự báo số ca bệnh có thể lên đến 15 – 20 ngàn người, tỉnh Bình Dương cần sự chi viện, hỗ trợ của Trung ương để nâng cao năng lực điều trị, xét nghiệm.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Dương dồn toàn lực để dập dịch