Giáo dục

Những hy sinh thầm lặng của giáo viên vùng cao

Gia Ân-Đình Tuân 17/08/2023 - 16:13

Để “gieo chữ”, mang tri thức đến cho học trò vùng sâu, vùng xa, rất nhiều giáo viên ở huyện miền núi rẻo cao Tương Dương nói riêng và các huyện vùng cao của tỉnh Nghệ An nói chung đang nỗ lực vượt qua khó khăn, cách trở và cả những hiểm nguy.

Tương Dương, tỉnh Nghệ An là huyện miền núi cao, có diện tích rộng nhất nước, địa hình bị chia cắt, phân tán thành các vùng khác nhau, nhiều điểm dân cư nhỏ lẻ, giao thông bị chia cắt… Chính vì vậy, hệ thống trường học cũng bị ảnh hưởng rất lớn, dẫn đến việc manh mún trong quy hoạch các điểm trường, nhất là bậc tiểu học và mầm non.

dt-4.jpg
Trèo đèo, lội suối, băng rừng là việc đương nhiên phải trải qua của giáo viên cắm bản

Hiện huyện Tương Dương có 140 điểm trường lẻ, trong đó, tiểu học có 63 điểm, mầm non có 77 điểm. Khoảng cách từ điểm trường lẻ đến điểm trường chính đều từ 3 km trở lên, có những điểm lên tới 20 km.

Để mang con chữ đến với học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa giáo viên phải di chuyển trên những con đường bùn, đất lầy lội, những chuyến đi bộ gần cả ngày, phải băng rừng, trèo đèo, lội suối để đến với điểm trường.

dt-3.jpg
Nhiều giáo viên mang theo tư trang, vật dụng vượt những cung đường hiểm nguy vào các điểm trường lẻ.

Đến thời điểm hiện nay, Hữu Khuông vẫn là xã được xem là heo hút và khó khăn nhất tỉnh. Bởi nằm giữa lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, địa hình phức tạp, giao thông cách trở, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Vì thế, xã Hữu Khuông được ví như “ốc đảo”. Để đến được xã Hữu Khuông là một hành trình rất khó khăn, vất vả và nhiều hiểm nguy. Để đến xã Hữu Khuông phải đi qua các xã Phá Đánh, Huồi Tụ, Mỹ Lý của huyện Kỳ Sơn rồi theo đường Tây Nghệ An sang Mai Sơn, Nhôn Mai, quãng đường này dài khoảng hơn 200 km.

Không muốn vậy thì phải di chuyển bằng xe khách, hoặc xe máy vào chân đập Thủy điện Bản Vẽ, rồi đi thuyền máy khoảng hơn 2 giờ đồng hồ, tiếp đến lại phải đi bộ khoảng gần 1 giờ đồng hồ.

Đã có gần 10 năm công tác giảng dạy tại xã Hữu Khuông, cô Võ Thị Thanh - giáo viên Trường Mầm non Hữu Khuông gần như đã dạy ở tất cả các điểm trường trên địa bàn xã Hữu Khuông.

Cô Thanh cho biết: “Để đến được trường chúng tôi phải mất nhiều giờ đồng hồ. Nhiều đoạn phải trèo đèo, lội suối. Nguy hiểm thường xuyên rình rập.

dt-1.jpg
Cung đường đến trường của giáo viên vùng cao

Có những điểm trường tuy đã lưu thông được bằng xe máy, nhưng cung đường rừng, nhiều đèo dốc, khúc khuỷu, trơn trượt, lầy lội mỗi khi trời đổ mưa, rất nguy hiểm... Nếu như không yêu nghề và yêu thương học trò thì chắc chắn chúng tôi không có đủ sức mạnh và sự gan dạ để vượt qua khó khăn”.

Tuy khoảng cách về địa lý không xa bằng các điểm trường ở các xã Mai Sơn, Nhôn Mai hay Hữu Khuông. Nhưng để đến được điểm trường bản Cà Moong, xã Lượng Minh (Tương Dương) thì cũng mất khá nhiều thời gian, hiểm nguy luôn rình rập các thầy, cô giáo, nhất là vào thời điểm đến trường trúng vào ngày mưa bão.

“Để vào điểm trường Cà Moong, ngày thường đã khó đi, ngày mưa thì không nói hết sự vất vả. Cung đường rừng, nhiều đèo dốc, trơn trượt, lầy lội, vô cùng khó khăn với giáo viên nam, còn với các giáo viên nữ thì đúng là một cực hình.

Lúc mới lên tôi cũng chủ yếu đi bộ, nhưng sau một thời gian cũng phải lấy dũng khí để đi xe máy, chứ đi bộ mất nhiều thời gian quá. Hiện giờ, tôi cũng không còn nhớ là mình đã bị ngã xe bao nhiều lần nữa”, cô Lộc Thị Quỳnh - giáo viên điểm trường Mầm non Cà Moong cho biết.

Cô Võ Thị Tuyết Chinh - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương cho biết: “Là huyện vùng cao thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh, giao thông đi lại rất cách trở.

Các giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn trong việc dạy học khi phải sinh sống xa nhà, thiếu thốn mọi mặt về cả vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt là các giáo viên cắm bản bậc học mầm non, tiểu học.

dt-5.jpg
Cung đường đến trường của cô Lộc Thị Quỳnh, giáo viên điểm trường bản Cà Moong.

Vì yêu nghề, mến trẻ nên các giáo viên đã bất chấp những khó khăn và hiểm nguy để gieo chữ, trồng người cho con em đồng bào các dân tộc vùng cao”.

Có thể nói, giáo viên vùng cao, đặc biệt là giáo viên "cắm bản" ở vùng cao, biên giới vẫn đang hằng ngày phải đối mặt với những hiểm nguy rình rập. Nhưng đã biết bao thế hệ giáo viên nỗ lực vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên, khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội để gieo chữ trên non.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những hy sinh thầm lặng của giáo viên vùng cao