Ký sự pháp đình

Những đứa trẻ phạm tội khi còn đang khoác  áo học trò

Bá Mạnh 13/04/2023 07:33

Có muôn vàn lý do để trẻ vị thành niên phạm tội, song mẫu số chung thường thấy đó là những đứa trẻ thiếu kỹ năng sống, dễ bị lôi kéo, bị ảnh hưởng xấu từ lối sống thực dụng, đua đòi, ăn chơi, lười lao động.

Những đứa trẻ phạm tội khi còn khoác áo học sinh

Vừa qua, TAND huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) mở phiên xét xử sơ thẩm các bị cáo Đ. T. A. T. và N. B. H. (đều trú huyện cẩm Xuyên) về tội “Trộm cắp tài sản”, theo quy định tại khoản 1, Điều 173 Bộ luật Hình sự.

T. và H. đều 16 tuổi, về tháng, chúng chênh nhau không nhiều. Ham chơi nên chúng kết thân với nhau, cùng thỏa những tháng ngày vô định. Với lối sống thực dụng nên để có tiền trang trải chi tiêu, T. và H. đã bàn nhau đi ăn trộm.

Ngày 13/11/2022, biết tại Trường Tiểu học Thị trấn Cẩm Xuyên, các thầy cô đang tổ chức chơi bóng để chào mừng ngày lễ 20/11, nên cả hai đã đến đây. Lợi dụng sơ hở trong việc quản lý tài sản, T. và H. đã lấy trộm của chị Đặng Thị Ph. một chiếc túi xách, bên trong có 2 chiếc điện thoại và một ít tiền mặt.

Trộm được tài sản, cả hai hớn hở rời đi. Chúng vui vì đã có được “thành quả ngon ăn”; và đơn giản chúng biết những ngày sắp tới đã có tiền để tiêu xài. Chúng quên mất rằng tài sản mình có được là do trộm cắp, là phạm pháp; cũng quên mất rằng niềm vui chúng đang có, đồng tiền chúng sắp chia nhau chính là tài sản, mồ hôi, công sức của những người lao động chắt góp mới có được…

Từ trình báo của bị hại, cơ quan Công an huyện Cẩm Xuyên đã vào cuộc điều tra và nhanh chóng xác định T. và H. là thủ phạm.

Cơ quan chức năng sau đó xác định, tổng giá trị tài sản mà T. và H. đã chiếm đoạt của bị hại là 19.750.000 đồng. Tuy nhiên trên thực tế, số tài sản mà T. và H. lấy trộm và bán đi chỉ được 4.700.000 đồng. Trong đó T. thu lợi bất chính là 2.100.000 đồng, H. thu lợi bất chính là 2.600.000 đồng.

Tại phiên xử, đứng trước bục khai báo, T. và H. đều sợ sệt, chúng như những đứa trò nhất thời ngỗ nghịch bị thầy cô trách mắng. Chiếc áo trắng học sinh khiến cho những người dự khán và cả HĐXX đều thấy xót xa, bởi ở độ tuổi này, nếu được định hướng tốt thay vì đứng đây để chịu lấy hình phạt, thì chúng đã đang có những tiết học cùng bạn bè trang lứa.

T. và H. đều sinh ra trong những gia đình thuần nông, bản thân chúng chưa hề có tiền án hay tiền sự nhưng vì ham chơi, thiếu sự định hướng nên lựa chọn cho mình ngã rẽ sai lầm. Sau khi bị bắt, được gia đình bảo lãnh, chúng hối hận và đã tác động gia đình thỏa thuận bồi thường dân sự cho bị hại.

nhung_dua_tre_pham_toi_khi_con_khoac_ao_hoc_sinh.jpg
Hai bị cáo Đ. T. A. T. và N. B. H. tại phiên xử sơ thẩm

Tại thời điểm phạm tội (ngày 13/11/2022), Đ. T. A. T. mới 16 tuổi, 4 ngày; N. B. H. mới 16 tuổi, 5 tháng, 27 ngày. Vì vậy, các bị cáo được hưởng chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Sau khi cân nhắc các tình tiết, HĐXX tuyên phạt bị cáo Đ. T. A. T. 10 tháng án treo, phạt bị cáo N. B. H. 9 tháng treo cùng về tội danh trên.

Con trẻ sai có phần trách nhiệm của gia đình, nhà trường 

Chia sẻ với PV Báo Công lý sau phiên xử, chủ tọa phiên tòa cho biết, độ tuổi thanh thiếu niên là độ tuổi phát triển nhanh chóng về thể chất nhưng về tâm sinh lý có những bất ổn, thậm chí nổi loạn, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc dẫn đến thực hiện những hành vi có tính chất bột phát, thiếu sự điều khiển của lý trí nên có thể dẫn đến hành vi phạm tội.

Đã có rất nhiều giải pháp để hạn chế trẻ vị thành niên phạm tội như giáo dục nhà trường hay định hướng xã hội, tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật cho những người đang trong lứa tuổi vị thành niên, nhưng thiết nghĩ đồng bộ với những giải pháp đó, nhất thiết phải đề cao vai trò, vị trí của gia đình. Giáo dục gia đình cần phải được xem là nòng cốt, là cái lõi của vấn đề. Cần một cuộc tuyên truyền sâu rộng đến các bậc phụ huynh về trách nhiệm với con cái trong gia đình.

Trong các môi trường tác động, hình thành đến nhân cách của đứa trẻ thì môi trường gia đình là quan trọng nhất, đặc biệt là cách sống, lối sống, suy nghĩ của cha mẹ. Những đứa trẻ như tấm gương phản chiếu của cha mẹ chúng. Bởi vậy để có những đứa trẻ ngoan thì trước hết, cha mẹ phải biết sửa mình, phải biết làm gương và tạo ra một môi trường văn minh, lành mạnh.

“Sự ảnh hưởng của giáo dục gia đình để lại dấu ấn cực kỳ sâu đậm trong nhân cách của mỗi người. Song, thời buổi kinh tế thị trường, tình trạng chung khá phổ biến hiện nay ở các gia đình là bố mẹ quá bận rộn. Nhiều bố mẹ quan niệm chỉ cần kiếm tiền, lo đời sống vật chất cho con là đủ. Thời gian của cha mẹ trò chuyện, chia sẻ, thấu hiểu dành cho con cái ngày càng ít đi. Chính sự thờ ơ, thiếu chăm lo đời sống tinh thần đối với con cái đã vô tình đẩy chúng ra xa, dễ bị lôi kéo, xúi giục, dễ có những hành vi không kiểm soát.

Trẻ vị thành niên phạm tội là vấn đề đáng lo ngại trong xã hội, đòi hỏi các bậc làm cha, làm mẹ cần thường xuyên quan tâm đến tâm sinh lý lứa tuổi của các em để có những định hướng, giáo dục phù hợp, giúp các em ý thức được các hành vi của mình thế nào là đúng chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Có như vậy, các em mới có nền tảng vững chắc để chống lại những cạm bẫy trong cuộc sống”, chủ tọa phiên tòa nói và nêu rõ, ở góc độ nào đó, trong cái sai của con trẻ thì trách nhiệm vai trò của nhà trường, gia đình và xã hội cũng cần phải xem xét lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những đứa trẻ phạm tội khi còn đang khoác  áo học trò