Con ngõ nhỏ lắt léo đầy bí ẩn, văn hóa ẩm thực vỉa hè hay những quán cà phê lẩn khuất trong khu phố là những đặc điểm 'điểm mặt chỉ tên' của thủ đô.
Những con ngõ thần kỳ
Không cần ở Hà Nội, bạn cũng từng nghe qua câu hát êm đềm, ngân nga: "Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó..." trong ca khúc "Hà Nội và tôi" nổi tiếng. Câu hát thân thương tới độ, ai cũng tự nhận cho riêng mình một con ngõ nhỏ, con phố nhỏ trong ký ức tuổi thơ.
Mỗi con ngõ Hà Nội lại mang trong mình một bí mật riêng có. Ảnh: Cao Anh Tuấn
Ở Hà Nội, có lẽ sẽ chẳng thể kể hết có biết bao nhiêu con ngõ, nằm khuất mình phía sau những con phố ngang dọc. Có những con ngõ tối tăm, sâu hun hút nhưng ẩn chứa trong mình rất nhiều câu chuyện kỳ lạ.
Nếu quen một người Hà Nội, hãy nhờ họ dẫn bạn đi qua những con ngõ thật dài, thật sâu, để khám phá ra rằng tách biệt với cuộc sống phồn hoa bên ngoài là một thế giới thật khác lạ; hay đơn giản chỉ là để biết, phía cuối con ngõ tối kia không phải là đường cụt mà là con đường độc đạo xuyên qua một con phố khác mà chỉ dân bản địa mới biết.
Khu phố cổ mê cung
Kể cả khi đã có bản đồ trong tay thì việc lạc đường trong khu phố cổ 36 phố phường là chuyện quá đỗi bình thường, ngay cả với những người sống ở Hà Nội hàng chục năm. Những con phố cổ kính, "Hàng" nọ nối tiếp "Hàng" kia như mê cung, đi tới chỗ này tưởng là đã lạc nhưng cứ rẽ phải rẽ trái một hồi lại thấy một góc quen quen.
Phố cổ Hà Nội thường "dậy" từ khá sớm và "đi ngủ" cũng rất sớm. Ảnh: Cao Anh Tuấn
Mỗi con phố có tuổi đời hàng trăm năm với lối kiến trúc lộn xộn, "mái ngói xô nghiêng" nhuốm màu thời gian, ban ngày tấp nập người xe, ban đêm lại tắt đèn đi ngủ từ rất sớm, tạo nên nét dấu ấn rất riêng của phố cổ Hà Nội.
"Biển" Hồ Tây
Người Hà Nội thường nói đùa rằng, chẳng cần đi đâu xa, ngay trong nội thành cũng có một "đại dương" sóng vỗ rì rào. Vào mùa hè, ở những khu vực ven hồ có đáy nông, rất đông người, bao gồm cả người già và trẻ nhỏ tới đây để tắm mát giải nhiệt, hoặc không thì rải chiếu nằm trên bờ ngắm hoàng hôn và uống nước dừa như ở một bãi biển thơ mộng.
Hồ Tây có diện tích rộng lớn, phong cảnh nên thơ, hữu tình. Ảnh: Hachi8
Dù đã thu hẹp diện tích đi rất nhiều thì hồ Tây vẫn rất rộng lớn, đủ chỗ cho rất nhiều hoạt động vui chơi giải trí của người Hà Nội: đầu này thì bơi lội, đua thuyền, đầu kia thì du thuyền, đạp vịt, thả diều, câu cá...
Quán cà phê 'luồn lách'
Nếu như ở Sài Gòn có cà phê chung cư thì Hà Nội có cà phê 'luồn lách'. Nghĩa là những quán cà phê mà để đi tới đó, bạn sẽ phải tìm đường như đi tìm kho báu, bên ngoài không hề có dấu hiệu gì của việc ở đây có một quán cà phê cả, nhưng cứ "tự tin" đi qua hết sân nhà này tới cầu thang nhà kia bạn sẽ lên được "mật thất" ở trên cùng.
Cà phê Đinh nhỏ xíu, nằm trên gác 2 một căn nhà cổ trên đường Đinh Tiên Hoàng, nhìn xuống bờ Hồ, lúc nào cũng rất đông khách. Ảnh: Vũ Minh Quân
Đừng quá lo lắng, những người dân sống trong này cũng quen với việc có người lạ xuất hiện, còn nếu bị hỏi, chỉ cần nói rằng mình lên quán cà phê là họ sẽ tận tình chỉ đường cho bạn, thậm chí còn dẫn đường lên tận nơi.
Nền ẩm thực bụi bặm
Nhiều người trong Nam ra Hà Nội sẽ có phần ngần ngại khi được rủ đi ăn hàng bởi hầu hết những quán ăn nổi tiếng ở thủ đô đều bày bán, thậm chí là cả chế biến ở những nơi bụi bặm nhất như vỉa hè. Ngồi ăn hàng ngoài đường trở thành nét văn hóa rất đỗi thân thuộc với mỗi người dân Hà thành từ lúc lọt lòng, mặc dù vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng rất đáng quan tâm.
Quán phở bưng Hàng Trống chỉ mở một lúc buổi chiều. Dù không có bàn ghế đàng hoàng, sạch sẽ nhưng khách vẫn kéo tới nườm nượp. Ảnh: Mai Uyên
Ngồi vỉa hè còn khá "tươm", nhiều quán còn không có bàn ghế đàng hoàng. Quán phở "bưng" Hàng Trống nổi tiếng không nhờ nước dùng hay bánh phở mà chính nhờ việc thực khách phải ngồi xổm ở góc đường, vỉa hè, bưng trên tay bát phở nóng giãy, xì xụp ăn mà không có bàn ghế đàng hoàng. Ấy thế mà vẫn rất đông, vẫn rất nổi tiếng.
Thành phố của những mùa hoa
Trước đây, Hà Nội chỉ có những loại hoa kinh điển như tháng 3 hoa bưởi, tháng 6 hoa sen, tháng 10 hoa sữa, Tết đến thì có hoa đào nhưng ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loài hoa mới lạ khiến thành phố lúc nào cũng rực rỡ sắc màu.
Những xe hoa chở theo thương nhớ trở thành kỷ niệm khó quên với ai đi xa. Ảnh: Giang Trịnh
Dường như người Hà Nội ai cũng rất yêu hoa, mùa nào thức ấy, cứ đến độ hoa nở là nô nức rủ nhau đi chụp ảnh ngoài phố. Những xe hoa chở theo nhiều nhung nhớ trở thành kỷ niệm khó quên với những ai đi xa.
Ghé qua Hà Nội mùa nào, du khách cũng có thể chiêm ngưỡng những sắc hoa này: tháng 2 hoa ban tím, tháng 3 hoa sưa, tháng 4 hoa loa kèn, tháng 5 hoa bằng lăng, tháng 6 hoa sen... tới khi trời se lạnh thì có hoa cúc họa mi hay hoa cải vàng ven sông.
Mùa thu kinh điển trong thi ca
Mùa thu ở Hà Nội không rõ rệt, ngay cả khi tới đây vào những tháng được coi là chính thu thì bạn rất có thể bắt gặp một ngày đã rất nóng hoặc đã chuyển lạnh. Người ta chỉ thực sự biết mùa thu về khi bắt đầu có những cơn gió heo may, trời se se lạnh, cây lá ngả vàng hay chợt ngửi thấy mùi hoa sữa thoang thoảng trên phố Nguyễn Du, chứ không thể dự đoán được trước.
Đường Phan Đình Phùng với vỉa hè rộng, hàng sấu già đổ vàng, thay lá đẹp đến nao lòng. Ảnh: Giang Trịnh
Mùa thu Hà Nội đã đi vào nhiều áng thơ văn, âm nhạc khiến người phương xa đều ao ước một lần được tới đây để cảm nhận. Có ít nhất 2 bài hát đã trở nên kinh điển là "Hà Nội mùa thu" và "Nhớ mùa thu Hà Nội" mà mỗi khi giai điệu cất lên lại khiến ta bồi hồi.
Mùa thu Hà Nội thường rơi vào khoảng tháng 10-11 hàng năm. Nếu tới đây vào khoảng tháng 3-4, bạn có thể ghé qua nhiều con phố quanh hồ Gươm, đường Hoàng Diệu... để ngắm lá đổ vàng và "tưởng như mùa thu đã về".
Biệt thự cổ ẩn chứa nhiều câu chuyện
Những căn biệt thự theo kiến trúc Pháp ở Hà Nội được xây dựng trong thời gian thuộc địa, khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, tính đến nay đã có hơn 100 năm tuổi. Chúng tập trung ở những con phố cũ như Hoàng Diệu, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, Quán Thánh, Quang Trung, Điện Biên Phủ, Lê Thánh Tông, Trần Thánh Tông...
Nhiều gia đình chia sẻ không gian sống trong những căn biệt thự cổ, tạo nên văn hóa rất riêng ở Hà Nội. Ảnh: Cao Anh Tuấn
Ngoài một số căn hiện vẫn là trụ sơ các cơ quan nhà nước thì phần còn lại vẫn được người dân sử dụng. Có nhiều gia đình sống trong những căn nhà này từ thế hệ các cụ, sau đó tới ông bà, bố mẹ rồi con cháu vẫn sinh sống trong không gian đó. Điểm đặc biệt là hiếm có căn biệt thự nào thuộc sự sở hữu của một gia đình riêng lẻ mà thường được nhiều hộ cùng nhau chia sẻ, từ đó hình thành nét văn hóa riêng có trong cộng đồng này.
Biệt thự cổ còn là "studio" ngoài trời tạo nên cảm hứng bất tận cho các nhiếp ảnh gia Hà Nội. Mảng tường rêu phong, tróc lở, những ô cửa sổ gỗ mục hay mái ngói xưa cũ tạo nên những khuôn hình giàu cảm xúc.