Từ những căn bệnh hiểm nghèo, hiếm gặp cho đến những ca hóc dị vật nguy kịch đến tính mạng tưởng như vô phương cứu chữa, nhưng dưới bàn tay của các “phù thủy” áo trắng các em đã dành lại sự sống một cách ngoạn mục.
Dành lại sự sống cho bệnh nhi 3 ngày tuổi bị teo thực quản
Bệnh nhi 3 ngày tuổi bị teo thực quản đã được các bác sĩ cứu sống một cách ngoạn mục
Đây là một trường hợp khá đặc biệt bởi cháu bé sinh ra đã bị teo thực quản. Vì vượt quá khả năng chuyên môn nên các bác sĩ của Bệnh viện sản nhi Đà Nẵng đã đề nghị Bệnh viện Nhi Trung ương hỗ trợ để cấp cứu cho cháu bé mới 3 ngày tuổi.
Sau khi trao đổi sơ qua, biết tình hình bệnh nhi rất phức tạp, lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương cùng Khoa Ngoại đã lập tức cử một êkip vượt hơn 700 km bay vào Đà Nẵng ngay.
Bác sĩ Nguyễn Văn Linh, chuyên khoa ngoại lồng ngực của Bệnh viện Nhi Trung ương và là người trực tiếp phẫu thuật cho cháu bé cho biết, teo thực quản là dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa khó và hiếm gặp. Nếu không phát hiện và phẫu thuật kịp thời, trẻ có thể tử vong do viêm phổi cấp. Đó là lý do các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương phải trực tiếp vào Đà Nẵng hỗ trợ cấp cứu.
Ngay khi đặt chân tới Bệnh viện sản nhi Đà Nẵng, bác sĩ Nguyễn Văn Linh và bác sĩ Đặng Hanh Tiệp (Trưởng khoa gây mê hồi sức - Bệnh viện Nhi Trung ương) đã lập tức kiểm tra, khám bệnh và khẩn trương tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.
Ca mổ rất phức tạp vì trẻ quá ít ngày tuổi, sức đề kháng kém nên có nhiều nguy cơ, nhưng với quyết tâm cứu chữa bệnh nhân và trình độ tay nghề cao của các bác sĩ, sự phối hợp ăn ý giữa phẫu thuật viên và gây mê hồi sức, ca mổ kéo dài hơn 2 tiếng đã thành công như mong đợi.
Bệnh nhi đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch và được rút máy thở ngay, phổi tốt, khí máu ổn định. Sau vài ngày điều trị đến nay, cháu bé đã bú mẹ được bình thường, không sốt, sức khỏe ổn định
Cũng với việc hỗ trợ kỹ thuật, trước đó, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương đã trực tiếp vào Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng để kịp thời phẫu thuật cấp cứu cho hai bệnh nhi mới 40 ngày tuổi và 2 ngày tuổi bị thoát vị hoành kèm theo suy hô hấp.
Đây cũng là hai trường hợp đầu tiên được phẫu thuật bằng phương pháp nội soi tại Bệnh viện này. Các ca phẫu thuật đều thành công tốt đẹp. Sau 1 tuần ngày, cả 3 bệnh nhi đều ăn tốt, sức khỏe ổn định.
Cứu sống bé gái 3 tuổi nguy kịch vì hóc hạt ô mai
Các mảnh vỡ của hạt ô mai được các "phù thủy" áo trắng gắp ra từ cơ thể của cháu bé 3 tuổi
Ngày 15/5, các bác sỹ bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP. HCM) cho biết họ vừa gắp thành công dị vật là hạt ô mai ra khỏi cơ thể bé gái 3 tuổi.
Trước đó, ngày 11/4 cháu V. (3 tuổi, Cần Thơ) cùng chị gái ngồi chơi với hộp ô mai. Bất ngờ, cháu V bị ho sặc. Ngay tức khắc, cháu V. được gia đình đưa đến bệnh viện huyện, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ rồi bệnh viện Nhi Đồng 1.
Các bác sỹ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho hay, cháu V. nhập viện trong tình trạng mặt sưng, người tím tái, ngực to bất thường, ho nhiều… Khi vỗ vào lưng phát ra những tiếng kêu lép bép. Ngay sau đó, cháu được đề nghị chụp X-quang. Kết quả cho thấy, có dị vật bít hoàn toàn phế quản bên phải.
Một ekip mổ được thành lập và thực hiện mổ nội soi ngay trong ngày. Điều đáng nói, do dị vật quá lớn, ước lượng khoảng 1,8 cm, thể trơn láng nên không lấy ra được. Trong trường hợp cứ gây mê, cố gắng lấy dị vật ra có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Hôm sau, cháu V. được chụp CT. Kết quả cho thấy, dị vật gây rách phế quản, gây tràn khí qua da. Phương án được đưa ra là dùng thiết bị nội soi phá vỡ dị vật và gắp ra từng mảnh. Phương án này được các bác sĩ thực hiện và thành công. Hiện sức khỏe của cháu V. đang dần hồi phục trở lại.
Hy hữu bé gái vừa lọt lòng mẹ đã bị bệnh suy tim
Một bé gái bị suy tim do dị dạng phức tạp hệ tĩnh mạch trong gan đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương phẫu thuật cứu sống
Bệnh nhi được cứu sống là cháu Nguyễn Thị Hải Yến (4 tuổi, ở Quế Võ – Bắc Ninh). Theo đó, từ lúc 3 tháng tuổi, bé Yến đã liên tục phải điều trị tại bệnh viện vì viêm phổi, suy tim, suy gan song không chẩn đoán được chính xác nguyên nhân gây bệnh.
Tháng 10/2015 khi nằm điều trị tại khoa Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ phát hiện căn nguyên gây bệnh chính là do bé Yến có bất thường bẩm sinh hệ tĩnh mạch trong gan. Tĩnh mạch cửa ở gan trái giãn to bất thường và thông với tĩnh mạch chủ dưới, gây ra tình trạng suy tim và hầu như không có các nhánh tĩnh mạch cửa gan phải.
Để cứu sống bệnh nhân, các bác sĩ đứng trước hai lựa chọn khó khăn. Nếu tiến hành đóng đường thông tĩnh mạch thì bệnh nhân có nguy cơ tăng áp lực tĩnh mạch cửa cấp với hậu quả là ứ máu xung huyết phủ tạng, có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa và nguy cơ tử vong nhưng nếu không thực hiện phẫu thuật này, bệnh nhi cũng sẽ tử vong vì suy tim.
Ngày 13/11/2015, một cuộc hội chẩn của các bác sĩ đến từ nhiều chuyên khoa khác nhau như gan mật, chẩn đoán hình ảnh, can thiệp tim mạch, ngoại lồng ngực và ngoại ổ bụng nhanh chóng được tiến hành.
PGS.TS Trần Ngọc Sơn, Phó trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi Trung ương - người trực tiếp phẫu thuật cho bé Yến cho biết, sau khi cân nhắc, các bác sĩ quyết định tiến hành can thiệp mạch, đóng tạm đường thông tĩnh mạch cửa-tĩnh mạch chủ dưới bằng phương pháp can thiệp tim mạch. Nhưng, bé Yến không đáp ứng với biện pháp can thiệp đóng đường dò và lập tức được chỉ định phẫu thuật.
Một ca phẫu thuật có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhóm phẫu thuật viên và các bác sĩ chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh sau đó được tiến hành và diễn ra suôn sẻ.
Sau phẫu thuật, sức khỏe bé Yến phục hồi tốt, triệu chứng suy tim được cải thiện, máu lưu thông tốt hơn ở các nhánh tĩnh mạch cửa gan phải với hy vọng sự phục hồi chức năng gan. Tình trạng sức khỏe tiến triển tốt, bé Hải Yến được các bác sĩ cho ra viện.
PGS.TS Trần Ngọc Sơn khẳng định đây là bệnh lý rất hiếm gặp. Thành công của ca phẫu thuật lần đầu tiên ở Việt Nam mở ra hướng điều trị mới đối với các nhà chuyên môn đồng thời mang lại hy vọng cho nhiều gia đình có con mắc căn bệnh này.