Đời sống

Những bước chuyển mạnh mẽ về an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô

Phong Vân 29/04/2023 - 12:49

Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” của Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã tạo nên những bước chuyển mạnh mẽ về an sinh, an dân, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Nhiều quyết sách đặc thù

Hơn 2 năm qua, Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhóm giải pháp, xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố, làm nên những cú hích mạnh mẽ, có tác động tích cực đến đời sống nhân dân, tạo nền tảng vững chắc bảo đảm cho hành trình phát triển an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô.

Một số nghị quyết quan trọng của HĐND thành phố có thể ví như những "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt những hoạt động chính trong nhiệm kỳ này.

z4302718965209_c9c323707f56bde3def4385cde8ecad5.jpg
TP. Hà Nội đảm bảo hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do bị mất việc.

Đó là Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 do HĐND thành phố ban hành về đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, góp phần đẩy mạnh đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở y tế, giáo dục đào tạo, trợ giúp xã hội phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu của nhân dân, với tổng mức đầu tư trên 49.000 tỷ đồng.

Hay Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 của HĐND thành phố, quy định cơ chế hỗ trợ học phí đối với một số đối tượng trẻ em mầm non và học sinh phổ thông của TP. Hà Nội năm học 2022-2023, trong đó học sinh tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập tại các xã miền núi và học sinh thuộc diện được giảm học phí theo quy định của Chính phủ được hỗ trợ 100% học phí.

Cùng với đó là Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ người có công, Nghị quyết số 25/ 2022/NQ-HĐND ngày 8/12/2022 quy định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động hàng năm của đại diện các ban liên lạc tù chính trị TP. Hà Nội và nội dung, mức quà tặng của thành phố tới các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán; kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Ngày Quốc khánh 2/9, Ngày Quốc tế Thiếu nhi và Tết Trung thu.

Thực hiện các chính sách này, dịp Tết Quý Mão 2023, toàn thành phố đã trao tặng 1.778.951 suất quà đến các đối tượng chính sách ưu đãi người có công; người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; người cao tuổi; cán bộ nghỉ hưu, mất sức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; các tổ chức, gia đình, cá nhân tiêu biểu; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và các đối tượng khó khăn khác với số tiền 834,8 tỷ đồng.

Nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô

Các chính sách đặc thù tạo đà cho hiệu quả triển khai thực hiện của Chương trình số 08-CTr/TU. Đơn cử như việc ban hành Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND ngày 8/12/2021 quy định một số chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của TP. Hà Nội giai đoạn 2022-2025, trong đó đề ra các chính sách đặc thù hỗ trợ hộ không có khả năng thoát nghèo; có cơ chế, giải pháp hỗ trợ, khuyến khích các hộ nghèo nâng cao thu nhập để trở thành hộ có mức sống khá…

Triển khai nghị quyết này, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 1362/QĐ-UBND ngày 22/4/2022 phê duyệt Kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững TP. Hà Nội giai đoạn 2022-2025, chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện tích cực triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp liên quan.

Kết quả, 225.495 suất quà trị giá trên 117,927 tỷ đồng đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố trao tặng đến các gia đình chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán.

Từ năm 2021 đến tháng 3/2023, Quỹ Vì người nghèo các cấp thành phố đã trích trên 66,9 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng 1.587 nhà đại đoàn kết; hỗ trợ học tập cho 10.123 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ sinh kế cho 2.613 hộ; hỗ trợ khám chữa bệnh cho 2.804 hộ… Với việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững, cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố là 0,095%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 0,99%. Riêng 3 quận: Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Ba Đình không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Cùng với đó, các nghị quyết của HĐND thành phố về quy định mức chuẩn và đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội của TP. Hà Nội, chính sách đặc thù hỗ trợ người có công… góp phần tạo nên cú hích mạnh mẽ về chính sách để bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá: Các chính sách xã hội được ban hành kịp thời, bảo đảm tính khả thi và nghiêm túc triển khai thực hiện, đã hỗ trợ người dân được tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân. Thành ủy, HĐND, UBND thành phố luôn ưu tiên dành nguồn lực để thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, góp phần bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.

“Sự quan tâm của thành phố trong công tác chăm lo đời sống nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội đã góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc, tạo nên cuộc sống hạnh phúc, no ấm, tiến bộ của mỗi gia đình, góp phần tạo ra một xã hội ngày càng hạnh phúc, hài hòa và công bằng”, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những bước chuyển mạnh mẽ về an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô