Xã hội

Những bài học đắt giá khi xuất cảnh trái phép sang nước ngoài

Quốc Huy 26/02/2024 - 14:25

Tin rằng khi xuất cảnh trái phép sang nước ngoài sẽ có “việc nhẹ lương cao”, tuy nhiên nhiều người đã nhận được những bài học đắt giá, thậm chí vướng vòng lao lý nơi xứ người.

Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 2.700 công dân đang cư trú, lao động trái phép tại 18 quốc gia và vùng lãnh thổ (chủ yếu là ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Campuchia, Nhật Bản, Đài Loan, Lào…..

Tính cả thời gian trước đây, đã có tổng hơn 4.500 trường hợp công dân cư trú, lao động trái phép ở nước ngoài bị bắt, trao trả, đẩy đuổi về nước; 36 trường hợp bị nước sở tại bắt giữ, đưa ra xét xử hình sự về các tội nhập cảnh trái phép, tàng trữ, sử dụng vũ khí…; hơn 100 trường hợp bị các đối tượng là chủ, quản lý sòng bạc, kinh doanh trực tuyến trá hình lừa bán, khống chế, đòi tiền chuộc.

xuat-nhap-canh-trai-phep1.jpg
Công an huyện Quảng Xương tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về xuất , nhập cảnh. Ảnh Công an Thanh Hóa.

H.V.S. (16 tuổi, ở xã Quảng Văn, huyện Quảng Xương) đã nghe theo lời rủ rê của bạn bè bỏ học tại trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa rồi xuất cảnh trái phép sang Campuchia để làm việc mà gia đình, bố mẹ không hề hay biết.

Sang đến nơi, thay vì có công ăn việc làm thu nhập ổn định, S. đã bị lừa vào một cơ sở đánh bạc trực tuyến, rồi bị ép làm việc cho app lừa đảo.

Nhận được tin, bố mẹ S. đã vay mượn khắp nơi để đưa con về nước. Thế nhưng, muốn bỏ việc để về nước lúc này không còn đơn giản như khi S. quyết định sang Campuchia. Làm việc gần một năm trời, chưa thấy lương đâu nhưng gia đình đã phải gửi hơn 120 triệu đồng tiền chuộc cho S. được trả về.

H.V.S. cho biết, mới đầu chưa đi thì bảo sang làm game nhưng khi sang đến nơi thì mới biết công việc là lừa đảo nên đã đòi về. Tuy nhiên nhưng người ta bắt ký hợp đồng và không cho về, bắt làm việc để trả nợ chi phí đưa sang.

Thời gian làm việc bình thường là 12 tiếng, nhưng nếu không đạt “doanh thu” còn phải làm từ 14-16 tiếng và bị trừ đến hết tiền lương.

Trường hợp của anh N.V.B. ở xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương lại không được may mắn như H.V.S., Tháng 6/2023, khi vừa sang Trung Quốc thì B. bị lực lượng chức năng Trung Quốc bắt giữ về hành vi nhập cảnh trái phép.

Ngoài việc B. bị giam giữ, gia đình anh B. còn phải gửi sang nộp phạt 35 triệu đồng và hiện anh đang bị nước sở tại bắt giam chờ ngày đưa ra xét xử.

xuat-nhap-canh-trai-phep2.jpg
Vận động người dân ký cam kết không xuất cảnh trái phép đi lao động tại nước ngoài. Ảnh Công an Thanh Hóa.

Trung tá Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết, hiện nay, việc phát hiện, đấu tranh, xử lý đối với các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép cũng gặp nhiều khó khăn, do thủ đoạn của các đối tượng hết sức tinh vi, xảo quyệt.

Chúng thường sử dụng phương thức, thủ đoạn phổ biến như đưa ra lời mời “việc nhẹ lương cao” để đánh vào tâm lý nhẹ dạ, cả tin, ham muốn có được việc làm đem lại thu nhập cao của người lao động. Từ đó rủ rê, lôi kéo người đi; lợi dụng mối quan hệ quen biết hoặc sử dụng mạng xã hội để đăng tải các bài viết quảng cáo, tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài…

Tuy nhiên, với nhiều biện pháp quyết liệt của các lực lượng chức năng cùng sự vào cuộc tích cực cấp uỷ, chính quyền các cấp, tình trạng lao động xuất cảnh trái phép sang nước ngoài để làm việc bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã giảm đáng kể.

Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố 19 vụ, 30 bị can về các tội liên quan đến môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép hoặc tổ chức người trốn đi nước ngoài, ở lại nước ngoài bất hợp pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những bài học đắt giá khi xuất cảnh trái phép sang nước ngoài