Chính phủ đang chuẩn bị nội dung cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến kéo dài trong 2 năm 2022-2023. Một số thông tin cho rằng, gói hỗ trợ có thể lên tới 800.000 tỷ đồng, tương đương gần 10% GDP. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, con số thấp hơn, khoảng 2-3% GDP.
Quy mô gói hỗ trợ phục hồi kinh tế: Bao nhiêu là đủ?
Hiện quy mô gói hỗ trợ phục hồi kinh tế vẫn chưa được quyết định. Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh khó khăn, tổng cầu yếu, cần có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đủ lớn để kích thích nền kinh tế, đưa doanh nghiệp (DN) trở lại guồng máy sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.
Đa số các chuyên gia đều cho rằng, việc thực hiện các gói kích cầu nền kinh tế cần thiết song liều lượng bao nhiêu thì thực tế lại có rất nhiều quan điểm khác nhau.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng tổ tư vấn Thủ tướng, người tham gia góp ý vào chương trình phục hồi kinh tế, cho biết độ lớn của gói chắc chắn sẽ lớn hơn tổng mức đầu tư công hàng năm đang thực hiện. Và không phải sẽ giải ngân hết trong năm 2022 mà sẽ có lộ trình.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thì cho rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 6-6,5% cần có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đủ lớn, trong đó ít nhất 1% GDP là tiền mặt.
Bàn về quy mô gói phục hồi kinh tế lần này, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng cần rà soát lại mức thực chi các gói hỗ trợ để có số liệu tổng thể gói kích thích kinh tế chuẩn xác hơn.
Ông ví dụ gói hỗ trợ giãn, hoãn tiền thuế, phí khoảng 100.000-200.000 tỷ đồng từ năm 2020 đến nay được nhà chức trách đưa ra, nhưng thực tế doanh nghiệp tiếp cận không hết quy mô gói được công bố. Lý do là chính sách hoãn, giãn nên tới cuối kỳ tài chính các doanh nghiệp vẫn phải hoàn trả lại vào ngân sách.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Vietnam - nhận định, việc thiết kế gói cứu trợ này phải dựa trên thực tế của Việt Nam, không nên cho rằng các quốc gia khác chi bao nhiêu phần trăm GDP thì Việt Nam cũng phải chi bấy nhiêu. Con số của các quốc gia khác là con số tham chiếu quan trọng nhưng không thể là cơ sở hay là sức ép để quyết định quy mô gói phục hồi kích cầu kinh tế của Việt Nam
Một chuyên gia khác cũng cho biết thêm, dư địa tài khóa và tiền tệ hiện nay rất hạn hẹp để tung ra một gói hỗ trợ có quy mô quá lớn. Cụ thể, về dư địa tiền tệ, dù lạm phát 10 tháng qua ở mức thấp (chỉ tăng 1,81%) song nguy cơ lạm phát cao trong thời gian tới là rất rõ ràng. Lạm phát tăng sẽ khiến lãi suất tăng theo. Nhấn mạnh việc nhất trí cần có chương trình phục hồi kinh tế, song ông cho rằng cần tính toán dư địa tài chính, dư địa chính sách tiền tệ một cách có cân nhắc để tránh rủi ro cho phát triển bền vững nền kinh tế về sau.
Doanh nghiệp mong chờ gói hỗ trợ đủ "kích thích"
Chia sẻ với báo chí, PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho hay cần phải tính toán cẩn thận và chi tiết các gói hỗ trợ giúp giảm áp lực cho doanh nghiệp. “Phải có những gói liên quan đến việc tài trợ các khía cạnh tài khoá, như thuế, phí, rồi giãn, hoãn nợ… mà những chi phí này vô cùng nhiều, như thuế đất, thuế doanh nghiệp. Chưa kể các loại phí mà tới đây chúng ra còn có thể phải chịu là xăng dầu, các loại giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng lên”, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng phân tích.
Gói tiếp theo là gói hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp để họ đứng dậy. Đặc biệt, gói này sẽ liên quan đến việc làm sao để doanh nghiệp có thể tiếp cận đến nguồn vay. Lúc này, Nhà nước cần phải có một quỹ bảo lãnh vay cho doanh nghiệp, và quỹ hỗ trợ lãi suất để cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng. Quỹ này sẽ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn DABACO Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho rằng, với gói hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích nền kinh tế mới, vấn đề đặt ra là cần tối giản và rút gọn các thủ tục rườm rà, không hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp tiếp cận được nguồn hỗ trợ từ các gói hỗ trợ của nhà nước, để chính sách có hiệu ứng lan tỏa sâu rộng, thúc đẩy phục hồi sản xuất của doanh nghiệp và nền kinh tế.
“Cần nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo nhằm tạo cú hích giúp các doanh nghiệp có thể tận dụng quãng thời gian còn lại của năm 2021 để tăng tốc hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh”, Chủ tịch DABACO nhấn mạnh.
Tiết lộ 5 nhóm giải pháp chính của gói kích thích kinh tế mới
Theo Thứ trưởng Phương, Bộ KH&ĐT đã hoàn thành báo cáo trình Chính phủ cho ý kiến về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế trên, sau khi được thông qua sẽ triển khai các bước tiếp theo, như trình Bộ Chính trị và Quốc hội xem xét.
Về điểm đặc biệt của gói kích thích kinh tế, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho hay sẽ tập trung vào 5 nhóm chính sách hỗ trợ chính.
Nhóm một là phòng chống dịch bệnh và nâng cao hiệu quả của công tác y tế, trong đó đề cập tới việc cung ứng vắc xin, biện pháp phòng chống dịch bệnh, xét nghiệm, cách ly, điều trị... Đồng thời, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, y tế dự phòng và y tế cơ sở. Nâng cao năng lực về phát hiện dịch, phát hiện người bị nhiễm bệnh...
"Tất cả giải pháp này đều cần tới kinh phí, đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện các gói giải pháp khác", ông Phương đánh giá.
Nhóm hai là giải pháp an sinh xã hội thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước là vừa phát triển kinh tế gắn liền với đảm bảo đời sống an sinh xã hội. Đối tượng nhóm giải pháp trên được nghiên cứu, mở rộng thêm như công nhân trong các khu công nghiệp, các giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân...
Nhóm ba là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung chủ yếu về giải pháp về tài khóa như giãn, hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí đã được thực hiện trong thời gian qua được nghiên cứu rà soát và tiếp tục thực hiện. Đồng thời, triển khai chính sách tiền tệ, cho vay ưu đãi thông qua công cụ hỗ trợ lãi suất, có nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi.
Nhóm bốn là đẩy mạnh đầu tư công. Nhóm này vừa có ý nghĩa kích thích chi tiêu đầu tư công tức thời vừa tạo ra kết cấu hạ tầng hiệu quả lâu dài cho nền kinh tế.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, đây là nhóm giải pháp sẽ rất khó thực hiện, bởi kế hoạch đầu tư công có sẵn còn không làm hết thì đưa thêm tiền có làm được không? Đây là câu hỏi không dễ trả lời.
Nhóm cuối cùng là giải pháp về quản lý điều hành - không hề tốn tiền mà bảo đảm cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiểm soát rủi ro.