Nhiều tố cáo cần làm rõ tại Công đoàn Dệt May Việt Nam

Toàn Vũ| 30/08/2019 15:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bà Nguyễn Thị Thu Hương tiếp tục có nhiều tố cáo ông Lê Nho Thướng, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam không tuân thủ chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng Liên đoàn).

Bổ nhiệm trái quy định

Như chúng tôi đã thông tin tại bài viết “Bị cô lập, mất chức vì…tố cáo tại Công đoàn Dệt May Việt Nam?, phản ánh việc bà Nguyễn Thị Thu Hương có đơn thư gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tố cáo những tiêu cực tại Công đoàn Dệt May Việt Nam.

Sau đó, Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn đã vào cuộc và làm việc với bà nhiều lần. Khi có dự thảo Kết luận, bà Hương không đồng tình, tiếp tục đưa ra nhiều bằng chứng xác đáng những nội dung liên quan nhưng không được tiếp thu. “Thông báo Kết luận sau đó được ban hành với nhiều nội dung không chính xác, thậm chí còn ưu ái người bị tố cáo”, bà Hương khẳng định khi trao đổi với PV.

Thậm chí, bà Hương còn cho rằng, ông Lê Nho Thướng, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam không tuân thủ chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn. Bởi trong Thông báo Kết luận số 52/TB- UBKT ngày 19/3/2019, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã kiến nghị xử lý hủy kết quả công nhận trúng cử BCH Công đoàn Dệt May Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2018 - 2023 đối với bà Trần Quý Dân, Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn Dệt May Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty May 10 - Công ty Cổ phần do không đủ tiêu chuẩn (chỉ có bằng lý luận chính trị sơ cấp).

Tuy nhiên, bà Dân không những không bị hủy vị trí ở Ban Chấp hành (Ban Thường vụ), mà thậm chí bà Dân (người bị tố cáo), còn có mặt trong cuộc họp cấp Thường vụ, kiểm điểm các cá nhân có liên quan đến sự việc đơn thư và còn tham gia bỏ phiếu để kỷ luật bà Hương (người tố cáo).

Không những thế, bà Hương còn chỉ ra nhiều sai phạm về công tác tổ chức cán bộ diễn ra tại Công đoàn Dệt May Việt Nam. Đó là việc bổ nhiệm lãnh đạo thiếu tiêu chuẩn. Cụ thể, năm 2014, bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Văn phòng Công đoàn Dệt May Việt Nam được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam, phụ trách khu vực phía Nam. Khi ấy, bà Thủy mới chỉ có bằng lý luận chính trị sơ cấp.

Bà Hương còn chỉ ra việc bổ nhiệm cán bộ sai nguyên tắc tại Công đoàn Dệt May Việt Nam. Đó là vào tháng 4/2018, tại Đại hội V, bà Phạm Thị Hải Yến, Chánh Văn phòng Công đoàn Dệt May Việt Nam được giới thiệu và bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Dệt May Việt Nam (trước đó, bà Yến cũng đương là Ủy viên Ủy ban Kiểm tra). Từ đó đến nay, bà Yến kiêm cả hai công việc, như vậy là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, bà Hương thẳng thắn cho biết.

Nhiều tố cáo cần làm rõ tại Công đoàn Dệt May Việt Nam

Trụ sở Công đoàn Dệt May Việt Nam

Bà Hương lý giải thêm về bất cập này, theo đó, "bất kỳ một cơ quan, tổ chức nào, văn phòng là nơi mua bán, tiếp khách, tổ chức các hội nghị..., là nơi chi tiền. Vậy mà bà Yến lại kiêm chức danh Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra thì hóa ra bà Yến  lại kiểm tra chính bà hay sao?".

Hậu quả của việc bổ nhiệm sai nguyên tắc này là "mặc dù tổ chức các cuộc kiểm tra đồng cấp đều đặn hàng năm nhưng Ủy ban Kiểm tra không hề có ý kiến gì về các tồn tại của Công đoàn Dệt May Việt Nam", bà Hương khẳng định.

Chủ tịch Công đoàn có vì cái chung?

Cũng theo phản ánh của bà Hương, ngày 23/8/2019, Công đoàn Dệt May Việt Nam có cuộc họp đặc biệt quan trọng về công tác nhân sự, cơ cấu lại bộ máy, tổ chức; bổ nhiệm và bổ nhiệm lại các chức danh cán bộ quản lý, phụ trách ban. Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam thông báo Quyết định số 1050 ngày 5/7/2019 của Tổng Liên đoàn phê duyệt cơ cấu tổ chức của Công đoàn Dệt May Việt Nam (do đơn vị này chủ động đề nghị).

Theo đó, cơ quan này gồm 4 ban, với tổng số 25 cán bộ công chức; mỗi ban phải có tối thiểu 5 người mới thành lập được ban; dưới 10 người bổ nhiệm Trưởng ban và 1 Phó trưởng ban. Tuy nhiên, theo bà Hương, hiện nay Công đoàn Dệt May Việt Nam mới có 17 cán bộ, công chức, và cả 4 ban đều chưa đủ điều kiện về nhân sự để thành lập.

Như vậy "Tổng Liên đoàn cho phép Công đoàn Dệt May Việt Nam thành lập bộ máy trước, rồi mới tuyển nhân sự sau, hay ngược lại, phải có đủ nhân sự rồi mới thành lập các ban chức năng", bà Hương băn khoăn.

Trước đó, như chúng tôi đã thông tin, Kết luận của Tổng Liên đoàn khẳng định việc ông Lê Nho Thướng tiến hành sắp xếp mô hình từ 7 ban xuống 5 ban, ghép các ban và tên gọi của ban của Công đoàn Dệt May Việt Nam khi chưa có ý kiến của Tổng Liên đoàn là sai. Vì vậy, Tổng Liên đoàn đã yêu cầu Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam hủy các quyết định đã ban hành vì “cầm đèn chạy trước ô tô”. Với lượng nhân sự hiện tại của Công đoàn Dệt May Việt Nam, nếu thực hiện theo Quyết định số 1050 ngày 5/7/2019 của Tổng Liên đoàn, đơn vị này sẽ phải tiến hành như thế nào?

Thiết nghĩ, để mảng công tác cán bộ tại Công đoàn Dệt May Việt Nam được công khai, minh bạch, không gây nên những dị nghị không đáng có cho một tổ chức đại diện cao nhất cho người lao động ngành dệt may cả nước cần được Tổng Liên đoàn vào cuộc chỉ đạo quyết liệt. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều tố cáo cần làm rõ tại Công đoàn Dệt May Việt Nam