Nhiều lao động nhận BHXH một lần là do "cực chẳng đã"

Bình Nguyên| 27/10/2021 19:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

ĐBQH phản ánh nội fung trên tại phiên thảo luận trực tuyến chiều 27/10, về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020.

Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhưng mức đóng thấp

Phát biểu biểu thảo luận, ĐBQH Nguyễn Hải Anh -Đồng Tháp cho rằng, số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2020 tuy có tăng so với năm 2019, nhưng mức đóng và số tiền đóng không cao, chủ yếu chọn đóng ở mức chuẩn nghèo nông thôn, 700.000 đồng/tháng. Tổng số người tham gia đóng BHXH tự nguyện còn khiêm tốn, mới đạt 2,31% tổng lực lượng lao động trong độ tuổi của cả nước.

hai-anh.jpg
Đại biểu Nguyễn Hải Anh phát biểu thảo luận.

Một trong những nguyên nhân khiến BHXH tự nguyện chưa đạt kết quả như vậy là do chính sách chưa đủ hấp dẫn, thu hút người tham gia. Như thời gian đóng quá dài trong khi chế độ hưởng còn hạn chế; thiếu linh hoạt, đa dạng hình thức đóng. Do vậy để cải thiện tình hình đại biểu đề nghị thời gian tới phải xem xét, điều chỉnh quy định thay đổi các chính sách về BHXH cho phù hợp.

Còn theo đại biểu Đinh Công Sỹ- Sơn La phân tích, tình trạng chậm đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội còn cao, trong đó có cả khu vực nhà nước dù nhìn tổng thể năm 2020, bảo hiểm xã hội tiếp tục gia tăng. Chính phủ cũng đã kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan bảo hiểm xã hội có các giải pháp khá cụ thể để khắc phục tình trạng chậm, nợ đóng, tuy nhiên kết quả vẫn chưa được như mong đợi.

202110271751309933_dinh-cong-sy-son-la.jpg
Đại biểu tỉnh Sơn La Đinh Công Sỹ

Theo đại biểu, cơ quan chức năng đã có các giải pháp như phân nhóm doanh nghiệp, đơn vị chậm, nợ đóng bảo hiểm xã hội do ảnh hưởng bởi các trường hợp bất khả kháng như dịch bệnh được hưởng các chính sách hỗ trợ hiện hành và được chậm đóng. Còn với các trường hợp cố tình chây ì, kéo dài thời gian chậm đóng, có hành vi trốn đóng, cần áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính và sớm có kiến nghị giải pháp khắc phục việc khó xử lý hình sự khi có dấu hiệu của tội phạm.

Tuy nhiên, về lâu dài, Chính phủ cần chỉ đạo các ngành thuế, kế hoạch và đầu tư tăng cường chia sẻ dữ liệu, nhất là dữ liệu về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, số lao động thực tế làm việc trong doanh nghiệp. Qua đó giúp các cơ quan bảo hiểm xã hội xác định chính xác số tiền thực thu và tránh thất thu, đồng thời khắc phục được tình trạng báo cáo tài chính của đơn vị chưa sát đúng với thực trạng hoạt động của đơn vị để xem xét liệu có dấu hiệu tội phạm, tội danh trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.

Nhận bảo hiểm xã hội một lần do “cực chẳng đã”

Về việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Đinh Công Sỹ đánh giá cao Chính phủ đã kịp thời có các chính sách hỗ trợ trong dịch bệnh, góp phần động viên người lao động tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội. Không ít trường hợp "cực chẳng đã", do mất việc nên mới phải chọn giải pháp hưởng một lần. Tuy nhiên, về lâu dài cần phải có các giải thoát đồng bộ khác, không chỉ hỗ trợ trực tiếp cho người lao động mà phải có những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh phục hồi trong và sau dịch bệnh để giữ chân người lao động.

Bên cạnh đó, tình trạng vì lợi ích trước mắt, lợi dụng chính sách ưu việt của bảo hiểm xã hội, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp và thủ tục dễ dàng khiến một bộ phận người lao động, ngay cả việc làm khá ổn định, "nhảy việc" để hưởng các chính sách này. Với các trường hợp này, đại biểu đề nghị tăng cường tuyên truyền vẫn là giải pháp phải kiên trì thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Hải Dương khẳng định, BHXH có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là một trong những trụ cột an sinh xã hội của quốc gia. Năm 2020, tuy có những kết quả vượt bậc, nhưng vẫn còn những vấn đề đáng quan tâm, trong đó số người hưởng BHXH một lần tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến tính bền vững phát triển BHXH.

Theo đó, số liệu thống kê năm 2020 cho thấy, có 860.741 người hưởng BHXH một lần tăng 53.652 người (tăng 6,65%) so với năm 2019. Trong đó, số tham gia BHXH tự nguyện hưởng BHXH một lần là 11.868 người tăng 51,55% so với năm 2019 và bằng 2,09% so với số người tham gia BHXH tự nguyện tăng thêm của năm 2020 so với năm 2019 (567.237 người). Đa phần người hưởng chế độ BHXH một lần (giai đoạn 2016-2020) tập trung ở độ tuổi từ trên 20 tuổi đến đủ 40 tuổi (chiếm 80,9%).

Những con số này phản ánh một thực tế là đời sống, thu nhập của người lao động đang gặp khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài khiến họ phải rút phần tiền để dành cho quỹ hữu trí để tiêu dùng trong hiện tại. Dự báo có thể số người hưởng chế độ BHXH một lần sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo.

Đại biểu cũng cho rằng, việc nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc người lao động rời khỏi hệ thống an sinh xã hội và hầu hết những trường hợp sẽ không tích lũy đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu hoặc nếu đủ thì mức lương hưu cũng rất thấp vì thời gian đóng BHXH ngắn. Những trường hợp như vậy khi về già sẽ gặp rất nhiều khó khăn và tạo áp lực lên xã hội và gia đình. Trong khí đó, BHXH là chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, BHXH như “của để dành”, được Nhà nước bảo hộ nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho họ khi hết tuổi lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều lao động nhận BHXH một lần là do "cực chẳng đã"